08/01/2021 12:25  
Nhạc sĩ, kỹ sư AI Bảo Đại khiến khán giả Tech Awards 2020 trầm trồ với ca khúc tình yêu do anh đồng sáng tác với AI.
Mới nhất Cũ nhất
  • 11h49

    Lễ vinh danh các sản phẩm, công nghệ sáng tạo 2020 

    Khép lại phiên thứ ba Diễn đàn Công nghệ VnExpress, Tech Awards 2020, ban tổ chức tiến hành lễ vinh danh các sản phẩm, công nghệ sáng tạo năm 2020. Năm vừa qua chứng kiến sự lột xác của các sản phẩm, công nghệ sáng tạo. Đó là lý do chương trình Tech Award mong muốn vinh danh các sản phẩm, công nghệ sáng tạo 2020. Tiêu chí đánh giá dựa trên các yếu tố: sản phẩm công nghệ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2020, sản phẩm mang công nghệ mới của thế giới vào Việt Nam hoặc công nghệ mới do Việt Nam nghiên cứu, phát triển, sản phẩm có thiết kế độc đáo, đột phá trong năm 2020 - mang lại trải nghiệm mới cho người dùng và sản phẩm có tính năng mới chưa từng có ở những sản phẩm trong nước.

    Với hạng mục ứng dụng, Tech Awards 2020 vinh danh Bluezone - ứng dụng truy vết Covid-19 của Việt Nam, Grab - ứng dụng đa dịch vụ sử dụng AI hiệu quả, phần mềm nhân sự Tanca - giải pháp chấm công qua camera tích hợp AI đầu tiên tại Việt Nam, trợ lý ảo Kiki - trợ lý ảo tiếng Việt đa nền tảng đầu tiên tại Việt Nam.

    Ở hạng mục thiết bị, Tech Awards 2020 vinh danh Samsung Galaxy Z Fold2 - điện thoại màn hình gập tràn viền đầu tiên thị trường, Vsmart Aris Pro - điện thoại Việt đầu tiên có camera dưới màn hình, TV Samsung The Sero - màn hình xoay tối ưu với nội dung điện thoại, thể hiện sự kết nối trong hệ sinh thái sản phẩm của Samsung, Samsung Family Hub - tủ lạnh thông minh có màn hình đầu tiên tại Việt Nam, LG AI DD - máy giặt đầu tiên có AI, Camera AI View - camera giám sát ứng dụng AI local của Việt Nam và cuối cùng là Samsung AddWash.

    table widget
  • 11h31

    AI sáng tác nhạc

    Nhạc sỹ, kỹ sư Bảo Đại chia sẻ về ứng dụng của AI trong lĩnh vực âm nhạc. Từ trải nghiệm cá nhân, Bảo Đại cho biết nhiều lần anh gặp khó với quá trình sáng tạo nhạc, dẫn đến câu hỏi liệu có thể sử dụng AI để sáng tạo nhạc hay không.

    Sau khi khảo sát những ứng dụng AI trong âm nhạc trên thế giới, Bảo Đại đúc kết có một số mô hình ứng dụng AI gồm mạng neuron truyền thẳng, transformer và vanilla RNN (mạng neuron hồi quy). Qua một số ví dụ về âm nhạc được giới thiệu tại sự kiện, Bảo Đại cho rằng AI vẫn còn một số hạn chế như có nhiều quãng nghịch, không có chủ âm, không có khuôn giai điệu rõ ràng, không "bắt tai". Do đó mục tiêu của anh là xây dựng mô hình AI có thể sáng tác một ca khúc nhạc nhẹ (pop) hoàn chỉnh. Quá trình xây dựng mô hình này trải qua các công đoạn: thu thập dữ liệu để huấn luyện máy bằng các file MIDI, xử lý tạp âm trong file và huấn luyện máy bằng mô hình encoder-decoder. Tổng cộng có 28.000 file dữ liệu được sử dụng.

    Tại sự kiện, Bảo Đại cũng giới thiệu một mẫu sáng tác bằng AI từ dữ liệu đầu vào chỉ có 4 nốt nhạc. Kết quả, AI tạo ra một giai điệu tương đối hoàn chỉnh cho đầu bài là tạo ra một bản pop. Bảo Đại sau đó tham gia vào quá trình hòa âm phối khí để hoàn thiện ca khúc. Anh trực tiếp thể hiện ca khúc vừa sáng tác với AI ngay tại Tech Awards 2020, khiến khán giả trầm trồ trước năng lực của AI trong một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo ở mức độ tinh vi, phức tạp cao là âm nhạc.

    Sau màn vỗ tay tán thưởng trước ca khúc bắt tai, dễ nghe và thành quả từ AI, thí sinh "Sing my song" cho biết AI sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực âm nhạc, hỗ trợ đắc lực cho nhạc sĩ trong quá trình tạo ra một tác phẩm.

    table widget
  • 11h20

    Phát triển công nghệ song hành cùng hàng lang pháp lý 

    "Sàn thương mại điện tử áp dụng trí tuệ nhân tạo có làm lộ ra những món hàng riêng tư, những "góc khuất" của mỗi người không" là câu hỏi của Thứ trưởng Bùi Thế Duy đặt ra cho đại diện Lazada. Ông Toàn nhìn nhận sự cân bằng tiện ích và tính bảo mật là câu chuyện muôn thuở trong công nghệ. Theo đó, công nghệ sẽ mang đến tiện ích, nhưng sử dụng dữ liệu như thế nào để đảm bảo an toàn cho người dùng. Tại Lazada, đại diện doanh nghiệp cam kết đảm bảo bảo mật những thông tin của người dùng cung cấp dựa vào hạ tầng công nghệ hiện đại.

    Tiếp nối phần hỏi đáp, một khán giả đặt câu hỏi hiện nay AI phát triển rất mạnh, vậy trong tương lai AI có thống trị thế giới không. Đại diện diễn giả, ông Nguyễn Xuân Phong trả lời hiện khoa học đang tồn tại hai trường phái, mỗi người đều có một niềm tin riêng. Tuy nhiên phần lớn những người làm khoa học hiện vẫn tin rằng chúng ta tạo ra AI, chúng ta sẽ quản lý được AI. Đồng thời, AI hiện vẫn còn rất sơ khai, đang chỉ làm từng tác vụ một, trong từng lĩnh vực riêng. AI tạo ra nhằm để bù trừ những khuyết điểm, lỗi của con người. Do đó, người dùng không cần quá lo lắng về việc sử dụng trên thế giới khi giới cầm quyền cũng cam kết không sử dụng AI để tạo ra những vũ khí hủy diệt.

    Bổ sung về vấn đề pháp lý, ông Bùi Thế Duy cho biết công nghệ đều có hai mặt của nó, công nghệ có thể giúp cuộc sống tốt hơn, nhưng ngược lại có thể hủy diệt thế giới. Điều này đã được minh chứng khi năng lượng nguyên tử đã được tạo ra phá hủy nhiều thành phố. Do đó, phải có hành lang pháp lý nghiêm ngặt, chẳng hạn nếu một chiếc xe tự lái gây tai nạn trên đường, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về tai nạn này.

    "Cùng nhau phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng cũng phải cùng nhau tạo nên những hành lang pháp lý để trí tuệ nhân tạo có thể giúp ích một cách tối ưu cho con người", ông Bùi Thế Duy khẳng định.

  • 11h17

    Từ góc độ kỹ thuật, khi chuyển từ tính toán tập trung sang tính toán biên tại thiết bị thì giải quyết câu chuyện thất thoát dữ liệu như thế nào, ông Bùi Thế Duy đặt câu hỏi. Ông Vũ Thanh Thắng cho rằng câu chuyện an ninh mạng đang song hành với sự phát triển của AI hay IoT. Khi thiết kế sản phẩm điện tử, an toàn an ninh dữ liệu là ưu tiên hàng đầu. Khi cho mọi quả trứng vào rổ, nguy cơ mất dữ liệu rất cao và rất khó khôi phục. Đó là vấn đề của mô hình quản lý dữ liệu tập trung. Trong khi đó dữ liệu camera cực kỳ nhạy cảm, chẳng hạn dữ liệu hình ảnh giám sát biên giới, nếu thất thoát ra ngoài thì là một thảm họa.

    Với mô hình phân tán, thay vì 1.000 camera tập trung dữ liệu tại một trung tâm thì được lưu trữ dữ liệu ở những đầu mối khác nhau, giúp giảm khả năng thất thoát dữ liệu. Tương lai có hàng triệu camera hoạt động, dữ liệu vô cùng quan trọng, do đó mô hình quản lý dữ liệu phân tán sẽ là mô hình phù hợp. Ngoài ra khi thao tác với dữ liệu, phải mã hóa trên nhiều góc độ, chẳng hạn dữ liệu có lấy được cũng không thể xem được, bên cạnh đó là mã hóa đường truyền... Các chuẩn mã hóa đã có và đã tốt, trong trường hợp đòi hỏi cao hơn thì sẽ có những chuẩn bảo mật khắt khe hơn.

  • 11h15

    Ông Duy cho biết sẽ tiếp nhận những đóng góp của doanh nghiệp, kiến nghị với các trường đại học thay vì học môn tin học cơ sở với những kỹ năng cơ bản, sẽ nâng cấp lên những kỹ năng phân tích dữ liệu, ứng dụng dữ liệu... trong tương lai. Theo Thứ trưởng, chúng ta đang ở trong những giấc mơ có thực, tuy nhiên, khi quay lại thực tế, chúng ta nhìn thấy những chiếc tivi của Samsung với nhiều tính năng hấp dẫn như lọc tiếng ồn, nhưng nó có tạo ra hiệu ứng ngược với người dùng về việc thiết bị thông minh "theo dõi ngược" người dùng.

    Để trả lời câu hỏi này, bà Huyền My cho biết nhu cầu lớn của người dùng smarthome là được bảo mật tối đa thông tin. Samsung cũng làm việc trên nguyên tắc bảo mật tối đa, trên tất cả các platform khác nhau. Trong lĩnh vực AI, Samsung cũng đưa ra những phương án an ninh bảo mật (data security) đến cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm quản lý thông tin người dùng, dữ liệu công ty.

  • 11h11

    Với những người làm nghiên cứu, tư duy AI phải bắt đầu từ toán học như mạng neuron, thuật toán... Từ nền tảng cơ bản, chúng ta có thể tạo ra vô số ứng dụng. Phát triển khoa học có thể giúp nâng tầm cuộc sống, AI cũng giống điện hay Internet, cũng sẽ là một phần tất yếu của cuộc sống. Và các bạn trẻ sẽ là những người tiên phong thay đổi bộ mặt AI của Việt Nam, góp phần vào sự hưng thịnh của đất nước. Chất lượng và số lượng của AI như thế nào, cần có chiến lược quốc gia đầu tư cho giáo dục, giúp bạn trẻ có "vũ khí" rèn giũa, tạo bệ phóng cho các bạn phát triển tư duy về AI. Vừa qua FPT đã kết nối với Viện nghiên cứu Mila để đưa các bạn sinh viên Việt Nam ra ngoài thế giới, giúp các bạn được thực tập, dẫn dắt bởi những tinh hoa trí tuệ AI hàng đầu, từ đó trở về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong nước.

  • 11h10

    Theo ông Bùi Thế Duy, những năm gần đây Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển mảng công nghệ. Các doanh nghiệp lớn còn hướng đến Việt Nam như một thị trường mới đầy tiềm năng. Việt Nam còn là điểm quay về của nhiều chuyên gia người Việt thành công trên thế giới.

    Đàm luận về AI trong thế hệ trẻ, ông Nguyễn Xuân Phong - chuyên gia AI quốc tế thuộc Viện nghiên cứu AI-Mila (Canada) cho biết trước hết chúng ta có lợi thế nhận thức về sứ mạng đưa Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia đẳng cấp thế giới, trong đó AI là vũ khí quan trọng nhất. Rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, tuy nhiên chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng tính toán. Điều này tạo tiền đề lớn cho thế hệ trẻ, để nghiên cứu làm về con người, sản phẩm...

  • 11h03

    Doanh nghiệp không thể đơn độc trong phát triển công nghệ thời đại cách mạng 4.0 mà cần hợp tác với các tập đoàn hàng đầu, để thúc đẩy chuyển gia và làm chủ công nghệ, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy. Ông đặt câu hỏi cho Bkav, làm thế nào doanh nghiệp này tiếp cận và thiết lập hợp tác với Qualcomm. Ông Vũ Thanh Thắng chia sẻ Qualcomm là một tập đoàn công nghệ viễn thông lớn hàng đầu thế giới và còn đang mở rộng danh mục sản phẩm dựa trên các sáng kiến công nghệ, như camera, IoT, smart city... Bkav là đối tác trong 6 năm của tập đoàn này Việt Nam.

    Việt Nam có lợi thế đi cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới để phát triển những công nghệ mới nhất hiện nay. Với Bkav, doanh nghiệp này vốn đã có nền tảng hợp tác. Tuy nhiên với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, để làm việc với tập đoàn là rất khó. Bản thân doanh nghiệp này cũng phải mất nhiều năm để thiết lập hợp tác. Cách thức của doanh nghiệp này là đứng ra làm cầu nối kết nối Qualcomm với startup tại Việt Nam để sử dụng giải pháp của tập đoàn này, mở rộng thị trường Việt Nam. Riêng Bkav không thể giải quyết tất cả bài toàn trong cuộc sống bằng AI, do đó doanh nghiệp quyết định tạo nền tảng mở để khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phát triển ứng dụng tham gia nâng tầm công nghệ và tăng hình ảnh trong mắt những tập đoàn lớn như Qualcomm.

  • 10h59

    Tiếp câu hỏi cho bà Nguyễn Huyền My, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ đặt câu hỏi về định hướng riêng của Samsung tại thị trường Việt Nam. Theo bà Huyền My, Việt Nam gần như là quê hương thứ hai của Samsung ngoài Hàn Quốc, vì nhà máy của Samsung đặt tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam còn có sức mạnh về dân số, lượng người sử dụng thiết bị thông minh của người việt đứng thứ 4 trên thế giới.

    Tại Việt Nam, Samsung đã mở ứng dụng Google Assistant trên các sản phẩm Samsung dành cho người dùng Việt. Kế tiếp, trong tháng 3 tới đây, Samsung sẽ bổ sung phím kết nối trực tiếp tại Việt Nam trên thiết bị điều khiển của Samsung trong kho ứng dụng.

  • 10h53

    Thứ trưởng Bùi Thế Duy tiếp tục chất vấn, từ góc độ doanh nghiệp khi đầu tư cho AI, có thực sự tăng được người dùng hay giữ họ trong thời gian khó khăn hay không. Ông Trần Thế Toàn khẳng định trải nghiệm người dùng tốt sẽ là nền tảng để giữ người dùng, từ đó nhà bán hàng hoạt động sôi nổi hơn, sử dụng công cụ AI hiệu quả hơn, mang lại mức độ đa dạng sản phẩm, chiến lược bán hàng hiệu quả, lại tiếp tục thu hút người dùng.

    Với bà Nguyễn Huyền My từ Samsung Vina, Thứ trưởng ấn tượng với những công nghệ mà tập đoàn này đi tiên phong với những sản phẩm đang được trưng bày tại Tech Awards 2020. Câu hỏi đặt ra, định hướng về sản phẩm và công nghệ của Samsung tại Việt Nam như thế nào. Bà Huyền My cho biết dựa trên ba xu hướng tiêu dùng là nội dung trực tuyến, nhu cầu kết nối thiết bị và nhà thông minh, Samsung sẽ tập trung phát triển mạnh.

    Trong hội nghị hai ngày CES, đã có nhiều công nghệ mới được giới thiệu để tiếp tục cải tiến hình ảnh, âm thanh bằng AI, cải tiến nội dung tìm kiếm trên thiết bị Samsung. Tập đoàn đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng và kết nối kho dữ liệu với đối tác như FPT Play, Netflix... để tạo trải nghiệm tối ưu cho người dùng. Làm thế nào ứng dụng AI để giúp cho đối tác tối ưu nội dung giải trí, nghe nhìn cho người dùng.

    Trong năm 2021, sẽ có nhiều thiết bị mới tích hợp IoT như tủ lạnh Family Hub - tủ lạnh thông minh hàng đầu trên thị trường, máy lạnh, máy lọc không khí đều sẵn sàng để tích hợp, kết nối thông qua giao diện kỹ thuật số mới, giúp điều khiển các thiết bị trong nhà hiệu quả hơn. Ở tương lai xa hơn, Samsung vẫn hướng về robot như robot nấu ăn, hút bụi, ứng dụng trong công nghệ lái xe tự động.

    table widget

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Công nghệ   Tương lai   Tập đoàn   Việt Nam   an ninh mạng   chiến lược   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   khán giả   kiến nghị   sáng tạo   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...