15/01/2021 6:15  
Năm 2021 sẽ có nhiều quy định mới về giao dịch chứng khoán. Liệu điều này sẽ ảnh hưởng gì đến các nhà đầu tư và tác động đến xu hướng của thị trường như thế nào?

Đầu tiên Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2021, theo đó đã bổ sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm, như sử dụng nhiều tài khoản, cho mượn tài khoản, sử dụng trái phép tài khoản của khách hàng để thao túng giá chứng khoán; nâng cao điều kiện bán cổ phiếu của công ty như mức vốn điều lệ phải từ 30 tỷ đồng trở lên, phải có lãi  năm liền trước thời điểm chào bán và chỉ được chào bán thêm cổ phiếu nếu có lãi; đồng thời sẽ thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam.

Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng phát triển, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; từ đó giúp TTCK ngày càng công khai và minh bạch, đặc biệt là sẽ nâng cao được năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, tiến đến mục tiêu nâng hạng thị trường.

Một dự thảo khác cũng thu hút sự chú ý và có thể triển khai ngay trong năm 2021 là sửa đổi Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên TTCK thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC. Theo đó, bổ sung các điều khoản quy định về giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0) và giao dịch bán khống có đảm bảo.

Từ ngày 4/1/2021, đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu cũng đã được chính thức thực hiện trên sàn HoSE. Dù giới đầu tư phản đối vì lo ngại nâng lô giao dịch sẽ làm hạn chế khả năng đầu tư của nhà đầu tư với các cổ phiếu có thị giá lớn cũng như gây ra nhiều rắc rối xử lý cổ phiếu lẻ sau này, nhưng trước tình trạng hệ thống thường xuyên bị quá tải trong thời điểm cuối năm 2020 khi số lượng giao dịch quá lớn, cơ quan quản lý vẫn nhất quyết triển khai phương án này.

Trước đó, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 cũng đã có quy định đánh thuế cổ tức cổ phiếu, theo đó các công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư sẽ khai thuế thay và nộp thuế cho nhà đầu tư. Chính sách này được cho là sẽ khiến các công ty trên sàn càng thêm khó khăn khi muốn tăng vốn theo hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, khi nhà đầu tư sẽ không muốn nắm giữ cổ phiếu của những công ty này khi đến thời điểm thực hiện quyền.

Trong khi đó, Dự thảo Thông tư Hướng dẫn hoạt động của công ty chứng khoán thay thế Thông tư số 210/2012 và có thể sẽ sớm triển khai trong năm nay, cũng sẽ cho phép CTCK được mở tài khoản giao dịch từ xa, qua phương tiện điện tử. Thực tế gần đây các CTCK cũng đã mở tài khoản chứng khoán theo eKYC (Electronics Know Your Customer), cho phép nhà đầu tư mở tài khoản hoàn toàn trực tuyến và CTCK cũng định danh khách hàng theo hình thức trực tuyến. Điều này giúp cho việc đầu tư chứng khoán trở nên thuận tiện hơn trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. 

Một dự thảo khác cũng thu hút sự chú ý và có thể triển khai ngay trong năm 2021 là sửa đổi Thông tư Hướng dẫn về giao dịch trên TTCK thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, bổ sung các điều khoản quy định về giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0) và giao dịch bán khống có đảm bảo, điều mà các nhà đầu tư đã chờ đợi suốt nhiều năm qua. 

Với những công nghệ mới có thể đưa vào vận hành trong năm nay để giải quyết sự quá tải của hệ thống, các cơ chế giao dịch này được thực hiện cũng sẽ giúp thị trường có thêm nhiều sản phẩm và phương thức giao dịch để nhà đầu tư lựa chọn, từ đó thu hút thêm dòng tiền và phát triển thị trường lên tầm cao hơn.

Quy định về cơ chế ngắt mạch thị trường (Circuit breaker) cũng được thêm vào trong dự thảo thông tư trên, cho phép tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng xác định trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Chứng kiến những phiên lao dốc của nhiều thị trường trong quý I/2020 do tin xấu từ dịch Covid-19, việc sớm triển khai cơ chế này được cho là cần thiết.

Dự thảo trên cũng cho phép nhà đầu tư cá nhân đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được phép mở tài khoản giao dịch chứng khoán nhưng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính quy định chi tiết về độ tuổi được mở tài khoản chứng khoán, do đó có thể sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Nghị định   Tài chính   Việt Nam   doanh nghiệp   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...