02/01/2021 9:25  
Thu phí hạ tầng cảng biển, tăng cường vận tải công cộng, phát triển hạ tầng giao thông là ba đề án kỳ vọng thay đổi diện mạo giao thông thành phố 10 năm tới.

Đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển dự kiến mỗi năm thu hơn 3.000 tỷ đồng đã được HĐND TP HCM thông qua tháng 12/2020. Việc thu phí bắt đầu từ tháng 7 năm nay, số tiền thu được sẽ đầu tư hạ tầng quanh các cảng. Đề án này xây dựng theo mô hình đã áp dụng tại Hải Phòng, được đánh giá thành công.

Theo đó, mức thu mà TP HCM áp dụng thấp nhất 15.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Nguồn thu nộp vào ngân sách nhưng sẽ tách riêng đầu tư các công trình giao thông kết nối cảng biển, không làm dàn trải nơi khác. Việc thu phí sẽ không dùng tiền mặt mà bằng hệ thống điện tử.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết ùn tắc quanh các cảng Cát Lái (quận 2), Tân Thuận (quận 7), Phú Hữu (quận 9)... làm tăng tai nạn giao thông, ô nhiễm và chi phí logistics. Do vậy việc mỗi năm có thêm 3.000 tỷ đồng giúp thành phố đẩy nhanh gấp đôi tiến độ các dự án xung quanh cảng. Hệ thống giao thông hoàn thiện sẽ giúp các cảng phát triển đúng năng lực, góp phần tăng thu cho ngân sách từ các nguồn thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh nghiệp, VAT...

Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân đã được UBND thành phố thông qua với kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2030. Trong đó, đề án đưa ra 17 nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng như: phát triển mạng lưới xe buýt; hoàn thành các tuyến Metro Số 1, 2, 5, buýt nhanh (BRT) số 1; đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm; đường riêng cho xe buýt; phát triển buýt mini tăng khả năng tiếp cận; nâng chất lượng quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng...

Nhóm giải pháp kiểm soát xe cá nhân sẽ thực hiện song song gồm: thu phí ôtô vào trung tâm; phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp thu phí ô nhiễm môi trường các loại xe; kiểm soát môtô, xe 2-3 bánh. Việc kiểm soát xe cá nhân sẽ được thành phố kết hợp giữa các giải pháp hành chính và kinh tế, làm theo lộ trình và có sự đồng thuận của người dân.

Ngoài ra đề án còn nêu các giải pháp hỗ trợ như: quy hoạch giao thông tại các khu đô thị mới; tạo nguồn thu cho giao thông công cộng; triển khai các dự án giao thông thông minh; tạo không gian đi bộ ở khu trung tâm... Đề án đặt mục tiêu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân năm 2025 và 25% đến năm 2030. Hiện, tỷ lệ này chỉ gần 10%.

Tổng vốn thực hiện các nhóm giải pháp ở đề án này hơn 391.000 tỷ đồng, trong đó từ nay đến năm 2025 khoảng 91.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 hơn 300.000 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn lại huy động từ các nguồn xã hội hoá, vốn đầu tư nước ngoài...

Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM giai đoạn 2021-2030 vừa được Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện, trình UBND thành phố cuối tháng 12/2020. Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông thành phố 10 năm tới được tính toán hơn 970.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 400.000 tỷ đồng từ ngân sách, còn lại sử dụng vốn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Đề án xác định 8 tiêu chí với từng thang điểm chọn dự án đầu tư, không làm dàn trải, nhất là các dự án dùng ngân sách. 4 năm tới thành phố tập trung các dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài (làm mới), TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50; khép kín Vành đai 2, 3... Giai đoạn này, Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoàn thành và tuyến Số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương), Số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) sẽ được đẩy nhanh.

Thành phố cũng sẽ đầu tư hoàn chỉnh các nút giao trọng điểm gồm: An Phú, Mỹ Thủy, Gò Dưa, Linh Xuân, ngã tư Bốn xã và ngã sáu Công trường Dân Chủ. Các cây cầu có quy mô lớn vượt sông cũng được ưu tiên như cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu Cát Lái, Cần Giờ.

Giai đoạn 2025-2030 thêm 4 tuyến metro được đầu tư: Số 3 (Bến Thành - Bến xe miền Tây); Số 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe An Sương); Số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả); Số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc). Cũng trong giai đoạn này, Sở Giao thông Vận tải xác định cần tập trung làm 5 tuyến đường trên cao gồm: Số 1 (hơn 9 km), Số 2 (12 km), Số 3 (8 km), Số 4 (hơn 7 km) và Số 5 (34 km).

Hết năm 2020, tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP HCM đạt hơn 4.500 km, mật độ hơn 2 km mỗi km2 (tiêu chuẩn 10-13 km mỗi km2) và chỉ có 1.800 km có lòng đường rộng hơn 7 m (chiếm 44%). Thành phố hiện quản lý hơn 8,3 triệu xe (gần 7,5 triệu xe máy, hơn 785.000 ôtô). So với năm 2019, xe cá nhân tăng hơn 3%. Hệ thống hạ tầng giao thông ở thành phố được cho vừa thiếu vừa yếu so với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Gia Minh

Nguồn tin: vnexpress.net


HCM   doanh nghiệp   logistics   quy hoạch   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...