07/01/2021 0:25  
MBác sĩ Owais Durrani, 29 tuổi, đang thất nghiệp, tình huống không tưởng đối với một người có kinh nghiệm điều trị Covid-19 suốt năm 2020.

Tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở San Antonio, Owais Durrani, đang học bác sĩ nội trú, đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Durrani phải tiêm steroid, nối thiết bị oxy, cẩn thận đặt bệnh nhân nằm sấp để giảm bớt tình trạng suy hô hấp.

"Chúng tôi đã tiếp nhận những người thực sự nguy kịch", anh nói.

Chính anh cũng từng nhiễm nCoV hồi tháng 3 và bình phục sau vài ngày.

Dù vậy, bác sĩ Owais Durrani vẫn không tìm được việc ở quê nhà Houston khi chuẩn bị tốt nghiệp. Anh săn lùng suốt mùa hè, phỏng vấn với nhà tuyển dụng, nhưng mọi thứ chưa đi đến đâu.

Durrani là một trong rất nhiều bác sĩ nội trú trẻ khoa cấp cứu phải vật lộn để tìm việc, ngay cả khi đã cống hiến hết mình trên tuyến đầu điều trị người mắc Covid-19.

Tình trạng khan hiếm việc làm là kết quả của hiệu ứng dây chuyền. Vì lo sợ mắc Covid-19, người dân hạn chế đến phòng cấp cứu suốt cả năm qua. Số bệnh nhân giảm, khoa cấp cứu đem lại ít lợi nhuận kinh tế hơn. Kết quả, bộ phận này ngừng tuyển dụng bác sĩ mới do thiếu kinh phí.

"Chúng tôi đặt cả tính mạng của mình và gia đình vào thế rủi ro. Thành thật mà nói, chúng tôi đang ở tình cảnh bấp bênh về tài chính với hàng đống nợ nần và thu nhập hạn chế. Vấn đề là nhà tuyển dụng không cần chúng tôi", R.J. Sontag, Chủ tịch Hiệp Hội Bác sĩ Nội trú Cấp cứu, chia sẻ.

Đại dịch để lộ nhiều lỗ hổng phức tạp trong hệ thống y tế Mỹ, từ thiếu nhân sự nghiêm trọng đến khan hiếm thiết bị bảo hộ. Đây là một mặt tối khác của nền y tế nước Mỹ. Quá ít cơ sở đủ khả năng trả lương cho bác sĩ cấp cứu mới ra trường giữa cuộc khủng hoảng y tế mà chắc chắn sẽ khiến họ cần nhiều nhân sự hơn.

"Bạn có thể gọi đó là nghịch lý. Đúng là chúng tôi cần thêm bác sĩ", Janis Orlowski, giám đốc y tế tại Hiệp hội Cao đẳng Y khoa Mỹ, nhận xét.

Do kinh tế khó khăn, bệnh viện không thể nhận thêm người dù thiếu. Kết quả là sau 4 năm học y và 4 năm nội trú, nhiều bác sĩ trẻ không có nơi nào để làm việc.

Mark Reiter, giám đốc chương trình nội trú tại trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Tennessee ở Nashville, cho biết: "Thị trường việc làm trong lĩnh vực cấp cứu đang bị bó hẹp nhất từ trước đến nay". Theo ước tính của ông, ít nhất 25% bác sĩ nội trú gặp khó khăn khi xin việc.

R.J. Sontag cho biết mỗi năm có khoảng 2.500 bác sĩ cấp cứu mới gia nhập lực lượng lao động. Họ phải trả món nợ sinh viên lớn. Khoảng một nửa nợ 200.000 USD tiền học, một phần tư nợ trên 300.000 USD.

Rất nhiều người bị thay đổi điều khoản lao động, thậm chí hủy hợp đồng.

"Một người bạn tôi tìm được việc, mua nhà và đưa vợ mình đi khắp đất nước. Song sau đó, anh ấy mất hợp đồng khi đã chuyển sang nhà mới", bác sĩ Sontag kể lại.

Hiệp hội Bác sĩ Nội trú Cấp cứu chưa thể thống kê số thành viên đang thất nghiệp. Song một cuộc khảo sát từ Trường Cao đẳng Bác sĩ Cấp cứu Mỹ cho thấy 20% bệnh viện đã sa thải nhân viên cấp cứu, một phần ba ép họ thôi việc hoặc cắt giảm một nửa lương.

Mark Rosenberg, hiệu trường trường Cao đẳng Bác sĩ Cấp cứu Mỹ, cho biết: "Những điều chúng tôi đang chứng kiến thật đáng sợ đối với bác sĩ nội trú".

Trong đại dịch, nhiều bệnh nhân cũng e ngại khi đến các cơ sở y tế hơn.

Đối với Angela Cai, bác sĩ nội trú tại Bệnh viện SUNY Downstate, thành phố Brooklyn, điều trị người đột quỵ là điều rất quen thuộc. Cô nhớ mãi một bệnh nhân từ tháng 4 năm ngoái. Người này đã chờ tới gần một ngày mới gọi xe cấp cứu.

"Nếu người bệnh được điều trị sớm, lý tưởng nhất là ba giờ sau khi đột quỵ, bác sĩ có thể dùng một số phương pháp để giải quyết các triệu chứng. Nhưng với anh ấy, điều này nằm ngoài khả năng. Cuối cùng, bệnh nhân không thể đi lại nữa", cô kể.

Nỗi sợ Covid-19 khiến số người ra vào khoa cấp cứu giảm mạnh, khoảng 40% vào tháng 3 và tháng 4, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Nhìn chung, số lượng bệnh nhân thông thường thấp hơn 15% so với năm ngoái.

Dù khoa cấp cứu là đầu mối tiếp nhận người mắc Covid-19 tại các điểm nóng, mật độ bệnh nhân không đồng đều theo thời gian. Mark Reiter chỉ ra rằng đại dịch có thể làm ùn ứ phòng bệnh. Một số người phải nằm lâu trên giường, làm giảm năng suất của toàn khoa.

Trước đại dịch, bác sĩ cấp cứu sẽ nhận được nhiều lời mời làm việc trong những năm cuối của chương trình nội trú.

"Họ có thể chọn lựa nơi mình muốn đến", ông Rosenberg nói. Nếu một bệnh viện không cần thêm nhân sự, chắc chắn cơ sở khác gần đó sẽ cần.

Các bệnh viện ngoài trường y hiếm khi tự thuê bác sĩ cấp cứu toàn thời gian. Thay vào đó, họ ký hợp đồng với từng nhóm bác sĩ. Các bác sĩ này trực thuộc một công ty quản lý hoặc tập đoàn lớn, sở hữu hàng nghìn nhân sự của hàng trăm bệnh viện khác nhau. Trong đại dịch, các công ty như trên đã thẳng tay cắt giảm giờ làm việc và mức lương của họ.

Một bác sĩ cấp cứu tại khu vực trung tây mới tốt nghiệp chương trình nội trú đã kể về tình cảnh ngặt nghèo của mình. Mùa thu năm 2019, anh được công ty quản lý bác sĩ mời vào làm việc.

Đến cuối mùa xuân năm ngoái, khoa cấp cứu nơi anh học nội trú cắt giảm nhân sự và giờ làm vì có quá ít bệnh nhân không mắc Covid-19 nhập viện. Công ty bác sĩ cũng rút lại lời đề nghị làm việc với anh, thực hiện điều khoản chấm dứt hợp đồng trong 90 ngày. Đến nay, anh chưa có công việc ổn định. Món nợ sinh viên 300.000 USD vẫn còn đó.

Anh tìm được vị trí tạm thời tại một bệnh viện nhỏ, không quá đông đúc trong đợt bùng phát đầu tiên. Song nhiều thành phố đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai, lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng.

Janis Orlowski, giám đốc Hiệp hội Cao đẳng Y khoa Mỹ, nhận định: "Các bệnh viện sẽ mất khoảng hai đến 4 năm để vượt qua các vấn đề tài chính. Kể từ nay đến lúc đó, nhà tuyển dụng sẽ cẩn trọng hơn trong việc tìm kiếm nhân sự".

Thục Linh (Theo Washington Post)

thất

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Cao đẳng   Covid   Covid-19   Hiệp hội   hành vi   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...