21/01/2021 19:10  
Bị đứt hoàn toàn eo động mạch chủ sau tai nạn nhưng bệnh nhân may mắn thoát chết. Trong cuộc mổ, các bác sĩ ngạc nhiên phát hiện màng phổi và màng tim người bệnh đã tự động ép lại để cầm máu.

Trường hợp hy hữu trên là bệnh nhân T.N.T. (14 tuổi, ngụ tại Bảo Lộc, Lâm Đồng).  Bệnh nhân bị những chấn thương đặc biệt nghiêm trọng tưởng như không còn cơ hội sống.

Trước đó tối 8/1, khi đang đi trên đường, N.T. bất ngờ bị tai nạn giao thông phải chuyển đến Bệnh viện Bảo Lộc cấp cứu. Sau khi thăm khám và thực hiện các bước sơ cứu ban đầu, bác sĩ nhận định tình trạng của bệnh nhân rất nặng nên lập tức chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau 7 giờ kể từ khi tai nạn xảy ra, bệnh nhân nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, huyết áp, sinh hiệu không ổn định. Qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị đa chấn thương gồm trật và gãy cẳng tay bên phải, trầy xước 2 cẳng chân. Riêng bụng và ngực không phát hiện có vết thương hoặc vết trầy xước.

Tuy nhiên, các biểu hiện của bệnh nhân cho thấy đây là một trường hợp đa chấn thương phức tạp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, cần sự phối hợp khẩn cấp giữa các chuyên khoa. Trên khám lâm sàng bác sĩ ghi nhận mạch 2 tay của bệnh nhân đều và rõ song mạch đùi mờ, không rõ.

Bệnh viện tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa gồm: Ngoại Lồng ngực, Ngoại Tổng quát, Hồi sức - Phẫu thuật Tim Trẻ em… Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ hoàn toàn, tràn máu màng phổi bên trái, vỡ tạng rỗng bên trong bụng, có thể có xuất huyết trong bụng. Ngay lập tức bác sĩ chỉ định thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn cấp.  

Cuộc đại phẫu đã được tiến hành với sự phối hợp giữa khoa Hồi sức - Phẫu thuật Tim Trẻ em và khoa Ngoại Tổng quát. Để tái tạo lại eo động mạch chủ đã vỡ, ê kíp bác sĩ khoa Hồi sức - Phẫu thuật Tim Trẻ em đã phẫu thuật trước.

Các bác sĩ đã sử dụng những kỹ thuật cao như hạ thân nhiệt chủ động, hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể để đưa máu vừa nuôi não vừa nuôi phần dưới của cơ thể trước khi kiểm soát, đánh giá và xử lý tổn thương. Trải qua cuộc đại phẫu kéo dài 10 giờ, các bác sĩ đã xử lý thành công tái tạo lại vị trí eo động mạch chủ bị vỡ bằng ống động mạch nhân tạo. Bệnh nhân được rút máy tuần hoàn ngoài cơ thể, đóng thành ngực.

Ngay sau đó, ê kíp bác sĩ Ngoại Tổng quát tiếp tục bước 2 của cuộc đại phẫu mở ổ bụng xử lý vị trí thủng hỗng tràng, xước thanh mạc ruột. Sau khi làm sạch ổ bụng, khâu lại các tạng bị tổn thương, các bác sĩ đã đóng lại ổ bụng. Cuộc chạy đua với tử thần để cứu mạng bệnh nhi kết thúc sau 14 giờ căng thẳng trong phòng mổ.

TS.BS Lê Thành Khánh Vân, Trưởng khoa Hồi sức - Phẫu thuật Tim Trẻ em Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Đây là cuộc mổ rất dài đối với một bệnh nhân bắt đầu bước vào tuổi thanh niên. Ở ca bệnh này, chúng tôi rất ngạc nhiên, thắc mắc và tự hỏi, bệnh nhân không bị chấn thương ngoài thành ngực, nhưng bên trong lại bị xé rách eo động mạch chủ gây đứt hoàn toàn. Không hiểu vì sao bệnh nhân lại có thể sống được khi eo động mạch chủ đã bị đứt".

"Ở những trường hợp tương tự, 80% bệnh nhân sẽ tử vong trước khi nhập viện do mất máu cấp. Nhưng ở bệnh nhân này, dù eo động mạch chủ bị đứt hoàn toàn và nguy cơ tử vong do tràn máu màng phổi rất cao. Tuy nhiên, bệnh nhân đã rất may mắn khi màng phổi và màng tim tự ép lại như phòng vệ cho cơ thể, giữ cho máu không tiếp tục chảy ra khoang màng phổi một cách tự do và nhờ đó, bệnh nhân đã đến được Bệnh viện Chợ Rẫy" - BS Khánh Vân chia sẻ.

Sau cuộc đại phẫu, ngày 21/1 tình trạng bệnh nhân đã ổn định, sức khỏe bình phục tốt. Theo bác sĩ, đây là một trường hợp tổn thương phức tạp, rất dễ bị bỏ sót. Do đó, những trường hợp không may bị tai nạn có các biểu hiện bất thường cần được chuyển đến các bệnh viện có chuyên môn sâu càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán, can thiệp kịp thời.

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   căng thẳng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...