14/12/2020 14:30  
Trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử dựa trên nhiều nền tảng CNTT và tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp, cần đẩy mạnh để bảo mật cho các hệ thống Chính phủ điện tử, bảo đảm các giao dịch dân sự.

Đây là ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Ban Cơ yếu Chính phủ trong công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin của Văn phòng Chính phủ vừa được tổ chức.

Theo tin từ Cổng thông tin Chính phủ, tại hội nghị, lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, Ban Cơ yếu Chính phủ và VPCP đã tích cực chủ động phối hợp triển khai các nhiệm vụ trong công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin của VPCP qua hai năm thực hiện các nội dung theo quy chế phối hợp.

Trong việc phối hợp hoàn thiện chính sách về bảo mật, an toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tham gia góp ý kiến và cử cán bộ tham gia cùng trong quá trình xây dựng 4 Hệ thống thông tin do VPCP quản lý, cụ thể là Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống e-Cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia; tham gia góp ý kiến hoàn thiện 4 văn bản chính sách về bảo mật và an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá và tham mưu đề xuất phương án bảo mật, an toàn thông tin cho VPCP, phối hợp với VPCP xây dựng các đề án gồm: Đề án triển khai các hệ thống bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước dùng mật mã đáp ứng yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử và Đề án xây dựng Trung tâm ANTT mạng cho hệ thống Chính phủ điện tử; bảo đảm bảo mật thông tin cho VPCP; triển khai chữ ký số chuyên dùng cho VPCP; triển khai giám sát, bảo đảm an toàn thông tin cho VPCP; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Việt Nam đã triển khai xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 2000, nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn. Sau khi tham khảo, học tập kinh nghiệm của một số nước vào năm 2018, chúng ta đã tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý cho xây dựng Chính phủ điện tử, để văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản giấy; cùng với đó là xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin cốt lõi của Chính phủ điện tử phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc triển khai chữ ký số chuyên dùng cho Chính phủ, đây là khâu mấu chốt trong thực hiện VPCP không giấy tờ, triển khai chữ ký số cho hệ thống Trục liên thông văn bản. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và toàn bộ lãnh đạo từ cấp Vụ của VPCP sử dụng Ipad để ký số đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ tới hệ thống hành chính và toàn xã hội. Chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ là thành phần then chốt trong nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia để triển khai các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử.

Theo đánh giá, Ban Cơ yếu Chính phủ là một trong những cơ quan tích cực nhất đồng hành cùng với VPCP vượt qua những khó khăn, thách thức về an toàn, bảo mật thông tin khi triển khai những hệ thống có quy mô lớn, phạm vi mở rộng đến các bộ ngành, địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, hiệu quả công việc, đến nay, chúng ta đã bảo đảm tuyệt đối, chưa để xảy ra mất cắp dữ liệu, tấn công từ hacker đối với các hệ thống của Chính phủ điện tử cũng như của VPCP.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đặc biệt đề cập đến tính quan trọng của Đề án xây dựng Trung tâm an toàn thông tin mạng cho hệ thống Chính phủ điện tử. Do đó, mong muốn Ban Cơ yếu Chính phủ quan tâm đẩy nhanh quá trình thực hiện Đề án để có một lực lượng chuyên nghiệp, với hệ thống hiện đại, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống Chính phủ điện tử ở mức cao nhất.

VPCP và Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc bảo vệ cho các hệ thống thông tin của VPCP. Trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử dựa trên nhiều nền tảng công nghệ thông tin cùng với việc tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp, ngành Cơ yếu cần điều chỉnh và thích nghi kịp thời. Mã hóa, bảo mật là một thành tố của hệ thống không thể tách rời cho nên chúng ta cần đẩy mạnh để bảo mật thông tin cho các hệ thống Chính phủ điện tử, bảo đảm các giao dịch dân sự.

D.V

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Chính phủ   Việt Nam   bí mật nhà nước   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...