20/01/2021 22:25  
Nhận tin con đạt điểm 10 Tiếng Việt, anh Quang Thạch, 37 tuổi, sửng sốt vì chỉ vài tháng trước đã nghĩ "không biết bao giờ con biết đọc, biết viết".

Đi họp phụ huynh sau khi con kết thúc học kỳ I năm học đầu tiên cấp tiểu học, anh Quang Thạch, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phấn khởi vì con trai nằm trong nhóm đạt 9-10 điểm hai môn Toán và Tiếng Việt. Lớp có 36 học sinh, 30 em đạt thành tích như vậy. Chỉ 6 em đạt 7-8, không em nào dưới 7.

Trước đó anh Thạch đã rất vui khi con đọc vanh vách câu chữ trong sách Cánh Diều, có thể đọc các bài tập đọc dài ở sách tập hai mà con chưa học tới. Thử đọc một câu cho con viết, anh ngạc nhiên thấy con viết được chữ nhỏ và khá nhanh dù chưa đẹp. Việc con có thể đọc thông, viết thạo chỉ sau 4 tháng học lớp 1 khiến ông bố trẻ bất ngờ bởi trước đó từng rất lo lắng trước thông tin tiêu cực về chương trình và sách giáo khoa mới.

Cuối tháng 9/2020, nhiều phụ huynh chia sẻ "đau đầu" khi thấy chương trình học quá nặng, con không thể theo kịp. Liền sau đó, hàng loạt "sạn" trong sách giáo khoa, đặc biệt là sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều được chỉ ra. Con cũng đang học sách Cánh Diều ở trường, bản thân dạy con học ở nhà thì bị chê là khác với cô giáo, trong khi con chưa từng học chữ hồi mầm non, anh Thạch không biết phải làm thế nào. Lo lắng con không thể đọc thông viết thạo khi hết lớp 1, anh cho con đi học thêm một giáo viên ngoài trường, 4 buổi một tuần.

Học được hai buổi, con trai về mếu máo "Con sợ đi học", ông bố đành cho nghỉ. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ thôi đến đâu thì đến chứ để con sợ học không phải cách hay", anh Thạch chia sẻ. Đến tháng 11/2020, anh Thạch thấy con bắt nhịp nhanh với các bài học. Thậm chí ở lớp, con được giao cùng học và hỗ trợ một bạn chậm hơn. Anh bắt đầu yên tâm và tin tưởng việc con đọc thông viết thạo sau lớp 1.

"Cô giáo thật giỏi", anh Thạch nói, hy vọng sang học kỳ II cô giáo sẽ kèm để con viết chữ sạch, đẹp hơn.

Nhận kết quả kiểm tra hết học kỳ I của con gái với điểm 9 và 10 môn Tiếng Việt và Toán, chị Ngọc Linh, 37 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, tỏ rõ bất ngờ. "Nếu nhìn vào khả năng tiếp thu của con những ngày đầu năm, chắc không ai nghĩ con có thể đọc, hiểu được đoạn văn dài gần nửa trang vở", chị Linh nói.

Khi con gái vào lớp 1 cũng là lúc gia đình chị Linh chuyển từ miền Nam ra Hà Nội. Vợ chồng chị vừa phải ổn định cuộc sống, vừa kèm cặp, chăm sóc con gái lớn lớp 5, con thứ hai vào lớp 1 cùng một bé trai hơn 1 tuổi. Những ngày đầu, chị Linh thường xuyên nhận được tin nhắn phản ánh của giáo viên, đề nghị gia đình sát sao chuyện học của con gái lớp 1 do bé hay mất tập trung. Người mẹ cũng "choáng" vì cho rằng chương trình và sách giáo khoa nặng hơn so với trước kia. Hai mẹ con phải cùng làm quen với nhiều thứ mới mẻ.

Số lượng buổi tối rảnh rỗi của bé ít lại, thay vào đó phải dành thời gian nhiều hơn để mẹ dạy đọc và viết. "Nhưng dạy mãi mà con vẫn tiếp thu chậm, lúc đó tôi thật sự nghĩ có lẽ cần cho con đi học thêm thì mới mong đọc, viết và theo kịp các bạn", chị Linh bộc bạch. Tuy nhiên, chồng chị động viên không nên sốt ruột, phối hợp với giáo viên kèm cặp con rồi đợi hết kỳ I xem sao.

Bất ngờ đầu tiên đến với chị Linh vào giữa tháng 12/2020 khi bé đọc vanh vách tên biển hiểu, nhãn hàng lúc cùng chị đi siêu thị. Chị phấn khởi, mua thêm truyện cho con đọc thì cứ một tuần, bé lại báo "đọc xong rồi" và xin mua thêm. Dần dần, những buổi tối "đánh vật" học chữ của hai mẹ con giảm xuống, thay vào đó chị Linh tăng thêm thời gian vui chơi, giải trí cho con.

Khi thông báo kết quả học kỳ I tới gia đình chị Linh, cô giáo cũng nhận xét con gái chị là một trong những học trò gây bất ngờ nhất vì bắt nhịp có phần chậm hơn các bạn, thời gian đầu cô trò "vật vã" nhưng đã bật hẳn lên trong giai đoạn cuối kỳ. "Theo sát và chứng kiến con tiến bộ, tôi thật sự rất phấn khởi khi con có thể đọc thông, viết thạo chỉ sau vài tháng", chị Linh chia sẻ.

Chị Đặng Thị Kim Chi, ở quận 2, TP HCM, cũng nhận kết quả tích cực sau khi con gái út hoàn thành kỳ học đầu tiên lớp 1. Người mẹ thừa nhận khi năm học bắt đầu, chị cũng lo lắng như nhiều phụ huynh, sợ con không học được chữ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và rút kinh nghiệm từ con lớn học lớp 4, chị Chi cho rằng chương trình và sách giáo khoa mới thực sự giúp trẻ năng động, hào hứng học.

"Đứa út học chữ nhanh hơn anh trai, làm tính cũng tốt hơn. Chỉ mất khoảng 2 tuần đầu bỡ ngỡ, sau đó bé tiếp thu bài tốt, hoạt bát trong khi bé trước phải mất gần hai tháng", chị chia sẻ.

Người mẹ đánh giá chương trình mới đi nhanh hơn chương trình và sách giáo khoa cũ, nhưng không nặng hơn. Trước đây chị phải cùng xem sách giáo khoa với con thì nay có thể lên mạng để nhận các tài liệu được chia sẻ, hoặc nhiều bài giảng hay ở dạng slide được đăng miễn phí trên trang web các trường uy tín. Nếu quá khó để con hình dụng, người mẹ mở Youtube Kid để minh họa trực quan.

Chị Chi cho rằng nhiều phụ huynh lo lắng, can thiệp nhiều vào chuyên môn sư phạm của giáo viên, gây ra tác dụng ngược, khiến trẻ căng thẳng hơn. Để trẻ đạt kết quả học tập khả quan, người mẹ đánh giá giáo viên mới là người hệ thống kiến thức và truyền đạt một cách bài bản, còn nhiệm vụ của phụ huynh là kèm cặp, khuyến khích con học tập.

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.

Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây áp lực. Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.

Vài ngày sau đó, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là "dạy thói xấu cho học sinh". Bộ Giáo dục và Đào yêu cầu 5 bộ sách rà soát, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp, riêng bộ Cánh Diều đã được phê duyệt nội dung điều chỉnh vào cuối tháng 12/2020.

Thanh Hằng - Dương Tâm - Mạnh Tùng

Nguồn tin: vnexpress.net


Giáo dục   HCM   Hà Nội   Việt Nam   căng thẳng   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...