20/09/2020 8:53  
Nhà bà nội tôi ở ngay cửa chợ Đồng Hới, tôi sinh ra từ căn nhà này và nên tuổi thơ tôi cũng gắn bó nhiều với khu chợ. Các bô lão dòng tộc họ Hoàng làng Động Hải xưa
kể, ngày trước đây gọi là chợ Bến, ý là phôi thai của chợ này chính là bến cá, rồi dân quanh vùng buổi sáng kéo đến mang cá về các chợ nhỏ hơn, mua bán tất bật hình thành một chợ cá đông đúc. 
                          ***
     Khi về Đồng Hới, lúc bình minh tôi thường đi bộ ven sông Nhật Lệ lượm vài tấm hình, khi được bức ảnh đẹp cũng có cảm giác sướng như ‘câu được con cá’. Mặt trời lên là tàu đánh cá của ngư dân về bến, ghe thuyền tấp nập đưa hải sản vào bờ. Chợ cá trung tâm khu vực tất nhiên có nhiều chủ nậu mua bán lớn, hàng chục xe tải nhỏ đã chờ sẵn, đàn ông khiêng cá từ thuyền xuống bờ sông, các bà các cô gánh cá lên xe tải. Tôi thấy có cả trăm người buôn bán nhỏ, họ dùng xe máy chở khoảng 20-70kg cá ra khỏi chợ, chắc là đưa về chợ huyện, chợ làng. Dân các phường quanh chợ cũng nhẩn nha kiếm cá tươi, có mấy cụ hưu trí tập thể dục xong cũng ra xách vài con cá tươi đang nhảy tanh tách. Khách du lịch cũng kéo nhau đi chợ đặt mua cá, các bà các cô ăn mặc điệu đàng đi chợ cá rất buồn cười, vì sợ ...lấm váy. Thế nên dân đầu nậu luôn đứng ngay cửa chợ để chào hàng và giao dịch, thấy mua nhiều nhất là cá thu, đóng thùng ‘tiêu chuẩn kỹ thuật cao’ để mang ra Hà Nội vẫn ..chưa tan lớp đá ngoài.
.                         ***
    Một số nhà nghiên cứu viết nguồn gốc của làng Động Hải ngày xưa là Xóm Câu, do những ngư dân Thanh Hoá di cư vào cách đây khoảng 350-400 năm. Chợ Bến chắc là có hơn 100 trăm rồi, ít nhất là năm 1885, khi Pháp đặt bộ máy hành chính và làng Động Hải biến thành Đồng Hới. Đến năm 2018, Vincom xây tòa nhà 21 tầng (cao nhất Quảng Bình) làm hotel 5 sao và một trung tâm thương mại đẳng cấp (7.000m2). Tòa nhà này cách chợ Bến chỉ 200m, nên một số dân ở khu Shophouse (75 căn nhà 4 tầng) phàn nàn ‘nhà cao cấp có mùi cá ...tanh tanh’. Tôi thường đến khu nhà này, chả thấy mùi cá tanh, nhưng ngồi ăn bánh xèo quán Tứ Quý lại nghĩ, biết đâu có ngày ‘bọn nhà giàu’ nó lobby quan chức và chuyển chợ bến...đi chỗ khác, nếu thế thì sẽ sinh...rất nhiều chuyện.
.              ***
     Biển Quảng Bình đa dạng các loại hải sản, nhờ đường bờ biển dài hơn 116 km, với 5 cửa sông, trong đó có 2 cửa sông lớn là Nhật Lệ và cửa Gianh, tạo cho Quảng Bình một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn hải sản và phong phú về loài ( Sở KHCN báo là có 1.650 loài). Ông bạn ở Sở NN-PTNT Quảng Bình bảo, địa bàn tỉnh có hơn 8.000 tàu cá khai thác thủy hải sản trên biển và các cửa sông lớn, trong đó 1.359 tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2017, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 71.000 tấn (trong đó sản lượng khai thác gần 59.500 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản trên 11.600 tấn).
                           ***
    Đồng Hới có nhiều món hải sản ngon, nhưng tôi sống ở Phan Thiết, ăn cá tươi quanh năm, nên về quê chỉ thích ‘hải sản lạ’. Món thích nhất là mực nháy (chứ không phải mực nhảy như nhiều người đọc tên thế), ngư dân gọi thế là vì mực mới đánh bắt lên, những chấm sao trên thân con mực còn nhấp nháy liên tục. “Tươi là Ngon”, nên thích nhanh gọn, ta chọn làm món hấp rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch mực, lấy túi mực ra rồi cứ để nguyên con bỏ vào cái rá đặt trong nồi, giã ít gừng tươi trộn đều, đổ vào ít nước bia, đậy kín nồi, hấp cách thủy. Nấu đến khi bia sôi thì mực sẽ chín, nếu có hành lá bỏ thêm, rồi cứ vớt ra sắp đều trên đĩa, cùng nhau nhâm nhi “ trăm năm bia đá còn mòn, ngàn năm bia mực vẫn còn say sưa’. 
       Cầu kỳ hơn thì làm món mực nháy nướng, chấm nước mắm nhỉ ‘chất lượng cao’. Mực tươi nguyên con cứ thế nhúng vào chén nước mắn sóng sánh rồi nướng trên lửa than. Ây dà dà, món này phải nói rất đậm đà, món nướng mới cảm nhận được độ dai ngọt của con mực tươi.
      Năm 2020 có trào lưu “dân Thủ Đô vô quê Choa ăn mỳ gói”, đại khái là “mực nháy ngon nhảy gọn tô mỳ”. Trên mạng và FB ồn ào lắm. Món LẠ bằng tạ thứ quen!
                        ***
    Về quê thường đi thăm các cụ bô lão bàn chuyện dòng tộc, nào trùng tu nhà thờ, sửa sang lăng mộ, tăng quỹ khuyến học... cuối chiều ra cửa sông Nhật Lệ hay bãi biển Quang Phú lai rai các món hải sản “tươi và lạ”. Món khai vị thường là Ngao hấp sả, rất hấp dẫn với bát nước thơm ngọt, các cụ bảo uống đi để chuyển sang rượu mạnh. Tiếp theo là món cá Nghéo (còn gọi là cá nhám- một đặc sản nức tiếng đất Quê Bọ). Gỏi cá nghéo dùng với nước lèo, rau sống ngon thanh mát, cá nghéo kho với nghệ, gừng lại đậm đà, cháo cá nghéo lại dân giã với mùi hành phảng phất, nóng hổi mà bổ dưỡng. Hôm nào vui lại làm con Đẻn biển ( một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1 đến 2 mét), nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc, cứ là “thích mê mẩn” các nhà hàng ven bờ Nhật Lệ. Mà được cái vui khi thanh toán là ‘giá rẻ sững sờ’, ăn bình dân với các bô lão chỉ cỡ 80-120k/ người, khi gặp đông bạn bè gọi con Đẻn cũng chỉ cỡ 150- 200k/người. Vui ghê!
    Hết mùa CoVy các bạn vô ăn thử món “mực nháy ngon nhảy gọn tô mỳ” xem có đúng LẠ không nhé.



Hoàng Quang Vinh

Quảng Bình   Đồng hới   Bến cá   Quê hương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...