04/01/2021 17:05  

Nhiễm trùng máu vì đắp thuốc sau khi bị cua kẹp

Chiều ngày 4.1, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện vừa cứu sống một ca khá hy hữu: bệnh nhân bị cua kẹp nhưng xử lý ban đầu không tốt dẫn tới biến chứng viêm mô tế bào, choáng nhiễm trùng rất nguy kịch.
Trước đó, bệnh nhân V.V.L (58 tuổi, ngụ TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán choáng nhiễm trùng, viêm mô tế bào cẳng chân phải, theo dõi nhồi máu cơ tim cấp. Lúc nhập viện, tình trạng rất nặng, tri giác lơ mơ, huyết áp thấp dù sử dụng thuốc vận mạch liều cao, suy hô hấp nặng đã được can thiệp đặt ống nội khí quản và gắn máy trợ thở, nguy cơ tử vong cao.
Theo gia đình bệnh nhân, cách nhập viện 3 ngày, ông L. đi giăng lưới bắt cua, cá không may bị cua biển kẹp vào đùi, vết thương khá sâu. Sau đó, ông L. về nhà rửa vết thương rồi dùng bài thuốc dân gian là dùng gừng trộn với mật ong đắp lên vết cua kẹp.
Tuy nhiên, sau đắp thuốc 1 ngày, vết thương không lành mà trở nên tấy đỏ, sưng to khiến bệnh nhân sốt cao, mệt và khó thở. Sau đó, ông L. được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu với tình trạng huyết áp khó đo, suy hô hấp nặng được xử trí cấp cứu thở máy, kháng sinh phổ rộng liều cao, vận mạch… trước khi chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thường xuyên do bệnh lý thoái hóa đa khớp khoảng 10 năm nay và cùng nhiều loại thuốc đông y dân gian (không rõ thành phần thuốc).
Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân được chẩn đoán cua kẹp, biến chứng viêm mô tế bào cẳng chân phải, nhiễm trùng huyết biến chứng choáng nhiễm trùng suy đa cơ quan. Bệnh nhân có chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu và sử dụng kháng sinh phổ rộng theo phác đồ của bệnh viện... Qua 48 giờ lọc máu liên tục, huyết áp bệnh nhân cải thiện dần, ngưng được thuốc vận mạch, các chỉ số suy tạng dần trở về giá trị bình thường.
Hiện tại, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ngưng máy thở và rút được ống thở thành công. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, đang được theo dõi điều trị tiếp tại Khoa Nội Tim mạch - Khớp.

Vì sao cua kẹp lại suy đa tạng?

Theo BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trường hợp bệnh nhân L. gần như là ca bệnh đầu tiên bị cua kẹp biến chứng nguy kịch được cấp cứu tại bệnh viện. Trong đời sống nhất là ở nông thôn, việc người dân sơ sẩy để cua kẹp rất phổ biến. Tùy từng trường hợp cua kẹp có thể gây đau, bầm tím, trầy xước. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp bị cua biển lớn kẹp gây ra những vết thương rách thịt, đau đớn, có thể bị sưng, nóng, đỏ, đau vùng lân cận.
Bên cạnh đó, cua sống ở môi trường bùn đất, càng cua dính bẩn nên khi cua kẹp gây ra vết thương hở nếu không được xử lý kỹ cũng rất dễ bị nhiễm trùng.
“Riêng trường hợp bệnh nhân trên, vết thương từ cua kẹp khá sâu, việc xử lý vết thương không đúng, không sát trùng đúng cách lại đi đắp thuốc nam, vô tình thuốc nam làm cho môi trường vết thương vốn đã bị nhiễm khuẩn càng tổn thương nhiều hơn, dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa tạng. Hơn nữa cơ địa bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm cũng khiến cho bệnh diễn tiến bệnh nặng hơn, sức đề kháng của bệnh nhân giảm đi”, BS Phước nói.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, không phải trường hợp nào bị cua kẹp cũng phải đi bệnh viện. Khi lỡ bị cua kẹp, người dân cần bình tĩnh tách cua ra, sau đó rửa sạch vết thương bằng nước sạch, loại bỏ các dị vật bên trong vết thương. Nên rửa vết thương bằng các loại nước sát trùng như nước muối, ô xy già, iodine và băng ép vết thương khi chảy máu nhiều hoặc miệng vết thương rộng.
Sau khi bị cua kẹp, không nên tự ý đắp các loại thuốc nam lên vết thương. Trường hợp vết đau sưng nóng, khả năng vùng sưng đau đó đang bị viêm mô tế bào cần đến bệnh viện để kiểm tra. Căn cứ vào vết thương các bác sĩ sẽ có hướng xử trí kịp thời.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bệnh viện   Bệnh viện Đa khoa   thuốc giảm đau   Đa khoa  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...