29/10/2020 6:15  
Việt Nam đang có 13 FTA (Hiệp định Thương mại tự do) có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán. Các FTA này giúp doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường của gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Tuy nhiên, FTA cũng khiến các rào cản phi thuế quan gia tăng, doanh nghiệp dễ bị kiện tụng hơn.  

Theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), trong 9 tháng đầu năm 2020, số vụ phòng vệ thương mại mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp hai lần so với cả năm 2019, lên 31 vụ. Khi bị vướng vào các vụ tranh chấp thương mại, doanh nghiệp (DN) nên xử lý ra sao?

Ông Phạm Ngọc Hưng - Văn phòng Luật sư Phạm Hưng đã đưa ra một số gợi ý giúp DN xử lý vướng mắc này. Ông Hưng hiện cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA). 

* Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, DN rất dễ vướng vào các vụ tranh chấp thương mại, như kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp... Hiện nay, ông thấy DN phải đối mặt với các rủi ro này ở mức nào?

- Có thể nói, khi các FTA có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu dần giảm về 0%, điều này ít nhiều tác động đến sản xuất, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ở nhiều nước. Hàng hóa nhập khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa, xảy ra mâu thuẫn lợi ích, vì vậy các quốc gia sẽ dựng lên hàng rào phi thuế quan, chẳng hạn như siết chặt thêm về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn môi trường, chống phá giá, chống trợ cấp... Mục đích cuối cùng là để bảo hộ hàng hóa trong nước, ngoài ra còn có thể tuyển chọn được sản phẩm nhập khẩu có chất lượng cao từ nước ngoài vào.

Do đó, các vụ kiện về phòng vệ thương mại đương nhiên sẽ tăng lên, các DN xuất khẩu sẽ gặp nhiều rào cản hơn, nhất là tại thị trường khó tính như châu Âu (EU), Mỹ vốn rất khắt khe về tiêu chuẩn, nguồn gốc, môi trường, sở hữu trí tuệ... Nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ không đưa hàng vào được các thị trường này.

Mặt khác, do Việt Nam ký hiệp định thương mại với gần 60 nền kinh tế, được hưởng nhiều ưu đãi về thuế suất, đây cũng là cơ hội để hàng hóa một số nước tuồn vào, lợi dụng xuất xứ Việt Nam rồi xuất đi các thị trường này, gây rủi ro bị điều tra rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. 

* Khi gặp các tranh chấp không mong muốn này, DN cần làm gì thưa ông?

- Trước hết, DN vướng vào tranh chấp phải kiểm tra lại toàn bộ quy trình của mình, từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm và thương mại. Đây là điều quan trọng nhất. Chẳng hạn khi nước khác kiện DN Việt Nam bán phá giá, họ cũng kiểm tra doanh nghiệp ở tất cả  quy trình này rồi đem so sánh với một nước thứ ba hoặc với sản phẩm ở chính nước họ, sau đó mới quyết định áp thuế hay không. 

Sau đó, DN cần tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc luật sư có kinh nghiệm để hướng dẫn các bước khai báo. Đó có thể là chuyên gia của Bộ Công Thương, của các hiệp hội ngành nghề, các công ty tư vấn thương mại hoặc luật sư kinh tế. Các chuyên gia này sẽ tư vấn cho doanh nghiệp tìm hướng giải quyết ổn thỏa nhất. 

Thời gian xử lý các vụ kiện này kéo dài thường trong một đến vài năm. Do đó, cần có chuyên gia có kinh nghiệm xử lý ở nhiều lĩnh vực, như môi trường, hạch toán giá vốn, điều kiện nhân công... Các chuyên gia của Bộ Công Thương hoặc của các hiệp hội ngành nghề thường chỉ đóng vai trò tư vấn cách làm. Còn việc giải trình với bên kiện và thực hiện thủ tục để chứng minh trong sạch thì DN phải tự xử lý, chủ yếu là nhờ luật sư. 

* Thời gian qua, cơ quan nào phát huy vai trò cao nhất trong việc giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc khi bị điều tra?

- Như tôi đã nói, các chuyên gia của Bộ Công Thương hoặc của các hiệp hội ngành nghề thường chỉ đóng vai trò tư vấn cách làm. Còn việc chứng minh, giải trình với bên kiện thì DN phải tự lo liệu, họ phải nhờ cậy tới luật sư. Ngay cả các đơn vị trọng tài kinh tế cũng chỉ đóng vai trò hòa giải chứ chưa phán quyết được.

Đối với mỗi lĩnh vực tranh chấp, sẽ có cơ quan phán quyết riêng. Chẳng hạn về chống bán phá giá sẽ do Bộ Công Thương quyết định, sở hữu trí tuệ thì thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ, về tiêu chuẩn việc làm thì thuộc Bộ Lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm lại do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). 

Hiệp hội ngành nghề chỉ hỗ trợ thông tin và tư vấn, chưa đóng góp nhiều trong kết quả giải quyết. Tuy nhiên, hiệp hội có khi cũng góp phần giúp cơ quan quản lý có đủ căn cứ đưa ra quyết định. Chẳng hạn, vào năm 2009, nhiều doanh nghiệp sản xuất kính nổi của Việt Nam yêu cầu Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá với một số doanh nghiệp châu Á. Hiệp hội Kính nổi Việt Nam (Vieglass) khi đó không giúp giải quyết vấn đề, do nguyên đơn cũng là thành viên hiệp hội. Khi đó, thông qua hội thảo được tổ chức bởi Báo Doanh Nhân Sài Gòn, HUBA đã ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp nguyên đơn rồi gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương. Kiến nghị này là căn cứ giúp Bộ Công Thương quyết định không áp thuế doanh nghiệp nhập khẩu. 

* Còn vai trò của hiệp hội ngành nghề thì sao, thưa ông?

- Khi đi vào các tranh chấp thương mại cả trong nước lẫn nước ngoài, DN nên nhờ các chuyên gia của hiệp hội ngành nghề và của các bộ liên quan tư vấn đầu tiên. Chính những cơ quan như hiệp hội sẽ kiến nghị lên cơ quan chức năng, tiếng nói sẽ có giá trị hơn là DN đơn lẻ lên tiếng. 

Trong vai trò hỗ trợ DN, các chuyên gia của hiệp hội có điều kiện nắm bắt thông tin đa dạng và đầy đủ hơn DN. Ngoài ra, hiệp hội cũng sẽ giúp DN kết nối với các thị trường mới, dùng kinh phí chung để mua các nghiên cứu thị trường quan trọng. Đây là những hỗ trợ thường xuyên và có hiệu quả đáng kể. 

Tuy nhiên, khi DN vướng vào các tranh chấp cụ thể, ngoài vai trò tham vấn, hiệp hội chưa làm được gì hơn. DN phải cùng với đội ngũ luật sư kinh tế hay các công ty tư vấn (chủ yếu là công ty nước ngoài) để xử lý rốt ráo sự việc. Điểm yếu này bắt nguồn từ việc các hiệp hội chưa có đội ngũ pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, phí thường niên tham gia hiệp hội của DN còn rất thấp, trong khi các hiệp hội nước ngoài thì rất cao. Bởi vậy, khi gặp các vấn đề pháp lý, hiệp hội không đủ ngân sách để hỗ trợ DN đến cùng, mà chủ yếu là DN phải tự lo liệu.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Công nghệ   Doanh Nhân   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   hành vi   kiến nghị   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...