22/01/2021 13:10  
Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định môi trường vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động.

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định môi trường vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động.

Thống kê cho thấy cả nước hiện có 280 khu công nghiệp đang hoạt động, 846 đô thị, 4.575 làng nghề, gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, gần 31.700 trang trại nông nghiệp; 13.700 cơ sở khám, chữa bệnh; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hơn 3,6 triệu xe ô tô, hàng chục triệu xe gắn máy đang lưu hành; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực…

Mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại nhưng hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết như: Ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả.

Trong khi đó, rác thải điện tử, chất thải nhựa sử dụng một lần, túi nilon không được thu gom, xử lý đúng cách. Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.

Các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng gia tăng. Các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.

Vì thế, Tổng cục Môi trường đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện. Trước tiến là xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Tiếp đó phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, làng nghề…); tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Cải thiện chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…) và từng bước khôi phục môi trường các lưu vực sông, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở đô thị lớn.

Ông Tài cũng khẳng định, cơ quan này sẽ tăng cường công tác quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

Cần thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Môi trường khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung xây dựng các văn bản dưới Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới được thông qua. Đồng thời xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về môi trường… kèm theo đó là cơ chế chính sách tài chính, quy chuẩn, công nghệ kỹ thuật đồng bộ triển khai.

Ông Hà yêu cầu hoàn thiện chính sách để nâng cao năng lực hơn nữa nhằm đáp ứng được các yêu cầu về đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành phục vụ cho công tác quản lý, giám sát.

Trong đó, Tổng cục Môi trường cần phải phối hợp với các đơn vị trong Bộ để xây dựng nền tảng khoa học một cách thống nhất, đồng bộ và có cơ chế phân công trách nhiệm của từng đơn vị.

"Bảo vệ môi trường là một vấn đề rất rộng cả ở trên đất liền, biển, không khí… cho nên quy hoạch môi trường phải đi trước một bước để từ đó định hướng, định hình cho các quy hoạch khác, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường"- Bộ trưởng Hà nói.

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường cần thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý, đưa ra các giải pháp đa dạng, tập hợp được trí tuệ tập trong việc triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao, thể hiện trách nhiệm với đất nước, người dân.

Thế Kha

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   HCM   Hà Nội   TPHCM   Tổng cục   Việt Nam   chính sách   quy hoạch   sản xuất   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...