21/01/2021 6:10  
Theo nhận định của giới chuyên gia, lợi dụng thời điểm cung thấp hơn cầu, các doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM đã đẩy tối đa giá trị nhà ở lên mức cao nhất, khiến giá nhà luôn có xu thế tăng.

Nhiều chủ đầu tư tự đẩy giá nhà lên cao

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), giá nhà tại TP.HCM vẫn tăng nóng trong năm 2020. Trong đó, giá bán căn hộ tại khu vực trung tâm thành phố, kể cả khu đô thị Thủ Thiêm đã tăng lên ngưỡng 5.000 - 7.000 USD/m2 (tương đương 115 triệu - 161 triệu đồng/m2).

Tại khu vực quận 9, giá căn hộ cũng tăng trên dưới 2.000 USD/m2 (tương đương 46 triệu đồng/m2), tùy theo vị trí và đẳng cấp của dự án.

Theo lý giải của nhiều chuyên gia, giá nhà ở tại TP.HCM luôn duy trì mức tăng cao "chót vót" trong vài năm qua, một phần là do cung không đủ cầu, chi phí đầu vào, chi phí triển khai dự án ngày càng tăng cao. Phần còn lại là có sự thao túng giá của chủ đầu tư trên thị trường sơ cấp.

Ông Phan Đình Vĩnh, chuyên gia bất động sản thẳng thắn nhìn nhận: Trong năm 2020, giá cả vật liệu, nhân công;... đều không có nhiều biến động so với năm ngoái.

Không những vậy, trong năm vừa qua, Chính phủ còn đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thuế, giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục trở lại. Tuy nhiên, không những giá nhà ở không giảm mà lại có xu hướng tăng mạnh.

"Tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư đã, lợi dụng thời điểm cung thấp hơn cầu để đẩy giá trị nhà ở lên rất cao. Ví dụ, giá căn hộ bình dân trước đây có giá 20 - 25 triệu đồng/m2, thì nay bị đẩy lên trên 30 triệu đồng/m2. Ngay cả các phân khúc cao cấp, lực cầu thấp hơn nhưng cũng bị đẩy từ 35 - 40 triệu đồng/m2 lên trên 50 triệu đồng/m2, có trường hợp còn cao hơn", ông Vĩnh nói

Có cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thị trường TP.HCM đang "khát" nguồn cung các sản phẩm nhà ở có giá hợp lý.

Trong khi đó, sức mua trên thị trường sơ cấp vẫn mạnh, tỷ lệ hấp thụ cũng neo ở mức rất cao, lên tới 70% - 80% qua các đợt mở bán các dự án nhà ở trong năm 2020. Vì vậy, để "tối đa hóa lợi nhuận", các chủ đầu tư đã đẩy giá nhà luôn trong xu thế tăng.

Làm gì để giá nhà ở tại các đô thị lớn giảm?

Trước tình cảnh giá nhà tăng thẳng đứng mỗi năm, giới chuyên gia cho rằng, để làm giá nhà ở giảm điều quan trọng là phải tăng nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc nhà ở giá thấp, phù hợp với thu nhập của người dân.

Dù vậy, để tăng nguồn cung nhà ở giá thấp không phải là chuyện dễ làm. Bởi, hành lang pháp lý vẫn còn đang chồng chéo, cơ chế và các chính sách nhà nước cũng chưa hấp dẫn được chủ đầu tư chú ý tới phân khúc nhà ở giá thấp.

"Để khơi thông nguồn cung nhà ở giá thấp, Nhà nước và các doanh nghiệp phải cùng đồng hành với nhau, tìm ra các giải pháp tốt nhất để thực hiện các định hướng phát triển nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị cũng như vùng nông thôn", ông Châu nói.

Bên cạnh việc tăng nguồn cung, giới chuyên gia còn đưa ra nhiều giải pháp để "kìm cương" giá nhà.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc cần áp dụng công nghệ mới trong xây dựng, để giảm chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Xây dựng nên xem xét rút ngắn thủ tục chuẩn bị đầu tư xuống 1 - 2 năm/dự án.

Theo ông Đính, hiện nay thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án kéo rất dài làm phát sinh chi phí. Theo tính toán, chi phí dành cho các thủ tục chuẩn bị đầu tư đang chiếm từ 10% đến 20% giá thành đặc biệt là các dự án ở các đô thị lớn và vùng khu vực trung tâm các đô thị.

"Đơn cử một dự án khi mới nghiên cứu đầu tư giá chỉ trên 20 triệu đồng/m2 nhưng khi hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài 5 năm, thậm chí 10 đến 15 năm chi phí tăng lên trên 30 triệu đồng/m2 thì mới hoàn vốn. Do đó, cần phải giảm thời gian phê duyệt dự án, từ đó giá nhà mới được kiểm soát", ông Đính nhấn mạnh.

Việt Vũ

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   HCM   Hiệp hội   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...