14/01/2021 19:15  
Đó là hai thái cực mà cha mẹ hay mắc phải. Cha mẹ ở thành phố chăm con kỹ lắm. Cứ nhìn cổng trường đã thấy nhiều chuyện. Trường “quốc tế” thì có khi đưa đón con bằng xe nhà hoặc grabcar. Phổ biến hơn là đưa đón bằng xe máy. Nhiều đứa học trung học, cao ngổng, ngồi sau xe chân dài thoòng, cao to hơn cả bà mẹ chạy xe ngồi phía trước.

Đứa con nào bị cô giáo mắng, bị bạn bắt nạt, có gì sai sót trên lớp, có khi ba bảo: “Để đấy ba xử“. Có khi ba mẹ đòi xử cả thầy cô. Thiếu gì các bậc cha mẹ đòi đổi thầy cô chủ nhiệm, chê thầy cô dốt càng cho con thấy uy lực của mình khiến đứa con đi học chỉ chú ý săm soi xem cô thầy sai sót gì để về mách cha mẹ tìm cách... xử.

Nhiều bà mẹ than - nhưng thật ra “hơi bị” tự hào: Con nhà tôi từ bé hồi nào tới giờ toàn uống sữa ngoại, toàn ăn đồ tây, tuyệt đối vệ sinh. Cho đi học đàn, học nhảy, cho học thêm Anh văn... đã ăn thua gì. Nghe nói có đứa ở Bắc Kinh 3 tuổi đã nói 8.000 từ tiếng Anh như một đứa trẻ ở New York. Mình nuôi con, đầu tư cho nó như thế đã ăn thua gì. Bây giờ ở đâu cũng đòi con cái hoàn hảo. Nhìn sang các nước xem, có cả những lớp dạy phụ huynh kỹ năng đặc biệt để cha mẹ biết mà học cùng con.

Có người còn bảo: Bây giờ mình không thể mắng con nữa, chứ đừng nói là đánh. Không chỉ vì bây giờ ai cũng biết đánh con là lối giáo dục sai lầm, ở các nước tiên tiến, cha mẹ đánh con là bị con gọi cảnh sát đến. Con có quyền lớn lắm. Cha mẹ đầu tư cho con, bao nhiêu tiền của đổ vào, đánh mắng nó có khác gì đánh vào mình. Chả dại.

Chăm con quá, đến nỗi con 14-15 tuổi còn dắt díu giữa đám đông. Có đứa hất tay mẹ khi mẹ dắt vào cổng trường. Có đứa trong lễ tổng kết năm học lên nhận bằng khen (có khi khen tới nửa lớp) người nhà ngồi dưới nhốn nháo chụp hình, vẫy gọi rối rít khiến nó ngượng, nó thấy lố. Nó bèn cau mày giơ ngón tay cái dứ dứ như nói: Biết rồi, biết rồi, vừa phải thôi.

Có nhiều vị phụ huynh muốn con có tư duy siêu việt, cầu kỳ tìm đủ mọi thứ “đặc biệt” cho con học hơn người. Nào là toán đặc biệt, nào đủ loại kỹ năng tư duy, mà không biết ngay các loại sách self-help nở rộ - nhiều khi chỉ là kinh nghiệm cá nhân của một vị nước ngoài nào đó, như “làm giàu không khó” - để nhồi nhét cho con. Chắc gì đã phù hợp. Nghe người ta nói nào là công dân Digital Natives, nào là 4.0 với AI, dù chả biết bắt đầu từ đâu là phù họp, cứ bắt con nhồi nhét kiến thức để sau này dễ kiếm tiền, tạo cho con bao nhiêu là áp lực.

Nhiều bậc cha mẹ trang bị cho con xe máy, máy tính, điện thoại xịn coi như tròng nghĩa vụ mà không biết được con đang học đại học trên thành phố hay bỏ học đi cà phê, du lịch với bạn bè. Có lần báo chí nước ngoài viết là sáng sớm những người đi làm ra ga tàu điện ngầm thấy cả tốp du học sinh Việt Nam đang chờ tàu về nhà sau cả một  đêm chơi nhảy trong bar, tất nhiên là bỏ học, để về nhà ngủ bù.

Làm sao trách cha mẹ được, ai đi theo sang đó mà quản cả thời gian biểu ăn ngủ của con!

Không nói đâu xa, ngay trong nước, ngay sống cùng nhà, con ở phòng riêng, ôm máy tính, điện thoại cả ngày, biết nó học hay chơi game, xem phim kích dục. Ở đâu ra có tới mấy chục nghìn antifan tập trung sức săn lùng thông tin và... chửi bới khủng bố suốt ngày, chửi cả cô Thủy Tiên đi làm từ thiện, thì đảm bảo bố mẹ làm sao hiểu nổi; đảm bảo mấy chục nghìn bậc cha mẹ làm sao biết được con mình đang lập antifan để chửi một ai đó, tìm cả nhãn hàng người đó đại diện để chửi công ty.

Trong khi bố mẹ ở nhà có khi ăn chay, đi chùa, cố rèn luyện để “tu cái miệng đừng tạo nghiệp “ thì con đang chửi ai đó ác liệt.

Vậy sao trách cha mẹ được. Con còn là người của xã hội nữa chứ.

Vậy cha mẹ ở đâu trong thực tế ấy? Cha mẹ và gia đình chính là cái “xã hội đầu tiên“ của một con người. Vì thế cha mẹ phải sáng suốt, bớt sai lầm, học tập không ngừng để giúp con có nền tảng tốt mà vững vàng vào đời và có ý thức với xã hội.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Việt Nam   du lịch   làm giàu  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...