23/01/2021 9:10  
Rời quê hương Nghệ An lên TPHCM để theo đuổi ước mơ làm họa sĩ, anh Phúc mưu sinh với bộ môn vẽ tranh tường và có một nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.

Thu nhập 40 triệu đồng/tháng dịp Tết

Thời gian gần đây, nghề vẽ tranh tường đang là trào lưu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM nhờ vào sự độc đáo, đa dạng về thể loại, chi phí thì không cao, thời gian lưu giữ được lâu. Hiện tại, tranh tường đang là sự lựa chọn hàng đầu của chủ các quán cà phê, trà sữa,…

Vào nghề từ năm 2010, anh Võ Sỹ Phúc hay còn được nhiều người biết đến với tên Thiên Phúc (quê ở Nghệ An) cho biết: "Những bức tranh tường có công dụng chủ yếu là trang trí không gian sống, nơi làm việc, những quán cà phê,…nhằm mục đích thu ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật với đời sống của người dân".

Anh Phúc còn cho biết thêm, đối với nghề vẽ tranh tường thì họa sĩ phải chịu rất nhiều chi phối về đề tài từ chủ nhà. Thông qua các tác phẩm trên tường, họ phải dùng cọ và sơn để diễn đạt một thông điệp từ chủ đầu tư.

Chất liệu sử dụng của tranh tường chủ yếu là sơn acrylic. Đây là loại sơn an toàn, có độ bền cao, bám dính tốt và đa dạng về màu sắc. Việc pha chế màu còn tùy thuộc vào phong cách vẽ của mỗi họa sĩ. Ngoài ra có thể thêm dầu bóng để giữ vẻ tươi tắn của màu sắc trong mỗi bức tranh.

Tuổi thọ của tranh tường trong nhà khoảng 20 năm. Còn riêng đối với những bức tranh ở  không gian ngoài trời do chịu tác động của thời tiết, màu dễ bạc hơn. Vì thế, tranh có thể giữ được từ 3-4 năm.

Chi phí thực hiện một tác phẩm thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, chất lượng sơn, mẫu mã, số lượng họa tiết trong tác phẩm, nhất là mong muốn của chủ hộ mà có giá thấp nhất là 350.000 đồng /m2  và đến cao nhất là 2,5 triệu đồng/m2.

Anh Phúc cho biết, tiết lộ: "Một bức tranh 2D có diện tích khoảng 10m2 với mức độ yêu cầu khá, thì mình sẽ thường hoàn thiện trong vòng 1 ngày, còn đối với nhiều khách muốn tác phẩm thật đẹp, thì mình sẽ cùng với 2 họa sĩ nữa sẽ dành nhiều thời gian tỉ mỉ, chăm chút hơn thì mất khoảng 3 ngày thì hoàn thành".

Thông thường, thu nhập của họa sĩ từ việc vẽ tranh tường được tính trên diện tích bức tranh. Ngoài ra, không gian và yêu cầu về chất lượng sản phẩm từ phía khách hàng cũng là một yếu tố quyết định đến giá thành.

Cùng với đó, vào những tháng cuối năm nhu cầu trang trí nhà cửa, quán cà phê, trà sữa sẽ tăng hơn bình thường. Đặc biệt vào thời điểm cận tết như tháng 11, tháng 12. Trong những ngày này thì anh Phúc gần như kín lịch. Nhờ vậy mà thu nhập từ vẽ tranh tường cũng tăng theo.

"Do thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, vì vậy họa sĩ vẽ tranh tường có thể thu về số tiền trung bình từ 15-20 triệu đồng/ tháng, Đặc biệt, nếu vào thời điểm cuối năm, số lượng dự án lớn thì số tiền có thể hơn lên tới gần 40 triệu đồng/tháng", anh Phúc tâm sự.

Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng

Tuy ổn định với công việc là họa sĩ vẽ tranh tường, nhưng ít ai biết được hành trình lập nghiệp của anh Phúc gặp rất nhiều gian nan, vất vả.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại làng quê nghèo huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, anh Phúc là con cả, sau anh còn có 3 người em nữa. Thấy gia đình gặp khó khăn, anh Phúc khi ấy xin cha mẹ vào Sài Gòn.

"Thời điểm đó vào năm 2010, mình xin mẹ 250.000 đồng để vào Sài Gòn để có thể đi làm kiếm tiền vừa ôn thi để thi đại học. Sau một khoảng thời gian đắn đo, mẹ của mình đồng ý và đi mượn cho thêm 200.000 nữa. Khi ấy, một thanh niên cầm 450.000 đồng trong túi rời xa quê để bước vào Sài Gòn theo đuổi ước mơ hội họa từ nhỏ", anh Phúc kể lại.

Đặt chân vào Sài Gòn, anh Phúc xin đi theo làm phụ hồ ở các công trình để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Bằng nghị lực và sự cố gắng, anh đã thi đậu vào trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM. Thời gian sau đó, anh vừa học vừa đi vẽ tranh tường để tích lũy kinh nghiệm.

"Khi đó, vẽ tranh tường thì ít người biết đến, họa sĩ vẽ tranh tường tại TPHCM chỉ có số lượng hiếm hoi, biết sự phát triển của dòng tranh này rất lớn nên mình đã nắm bắt cơ hội và đã gắn bó với dòng tranh này từ thời điểm đó tới bây giờ", anh Phúc cho biết.

Cuối năm 2015, anh cùng với một số người bạn học chung đại học tập hợp chung với nhau thành một nhóm để làm cùng. Sau khi cùng nhau thực hiện một số dự án, với mong muốn chuyên nghiệp hóa và cùng nhau phát triển nên anh Phúc đã quyết định thành lập thương hiệu "Mỹ Thuật Thiên Phúc" và tuyển nhiều thợ giỏi về làm cho mình.

Hiện tại, anh Phúc có 8-12 nhân viên chủ chốt và bán thời gian, tùy theo những hạng mục công trình, tất cả đều là các họa sĩ đã ra nghề, cùng với đó anh cũng cộng tác với các bạn sinh viên năm 1, 2 đến từ các trường Mỹ thuật, Kiến trúc… nhằm tạo cơ hội cho các bạn trẻ sớm tiếp xúc với nghề và có một nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.

Xác định đối tượng chính là giới trung lưu và cao cấp, anh Phúc mạnh dạn nhận các hợp đồng lớn để phát triển thương hiệu.

Mỗi tháng, anh chàng này ký kết nhận cả chục hợp đồng, từ các quán cà phê, cửa hàng thời trang quy mô vài triệu cho đến vẽ tường cho trường mẫu giáo quốc tế, hệ thống quán bán đồ ăn nhanh, đến cả những tòa lâu đài, biệt thự trị giá lên đến cả trăm triệu đồng.

Đến nay, thu nhập từ "Mỹ Thuật Thiên Phúc"  đem lại cho anh Phúc cuộc sống ổn định. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí lương, thưởng cho nhân viên và tiền đầu tư sản xuất, anh Phúc tiết kiệm được một khoản tiền để gửi về quê giúp đỡ cha mẹ và nuôi các em ăn học.  

Xuân Hinh - Nam Thái

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   Hà Nội   TPHCM   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...