10/01/2021 10:10  
Những năm qua, chị em phụ nữ ở Sóc Trăng đã có sự nỗ lực vươn lên trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó phải kể đến sự hợp tác với nhau để cùng vươn lên thoát nghèo.

Chị Lê Thị Mười, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, tại ấp Hòa Hiệp (xã Lai Hòa) có một tổ hợp tác với 12 thành viên đều là phụ nữ người dân tộc Khmer chuyên trồng các loại rau màu, cho thu nhập ổn định quanh năm. Từ chỗ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay tất cả gia đình các chị đã có cuộc sống ổn định.

Theo Chi hội trưởng phụ nữ ấp Hòa Hiệp Trần Thị Sa Ny, những năm trước, chị em ai cũng có hoàn cảnh khó khăn vì đất đai sản xuất rất ít.

Cách đây 4-5 năm, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã, chị em thành lập tổ phụ nữ hợp tác trồng màu theo mùa như củ cải trắng, hành tím, khổ qua, cà chua, hành lá,...

"Kể từ khi hợp tác với nhau, chúng tôi được lợi nhiều thứ từ khâu xuống giống, có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Khi thu hoạch có đầu ra ổn định vì chúng tôi cùng bán một lúc, giá cả như nhau, thương lái có sẵn nên không phải mang ra chợ bán nhỏ lẻ", chị Ny nói.

Thu nhập luôn ổn định nên ai cũng phấn khởi. Người có thu nhập cao khoảng từ 60 triệu đồng/năm, người thấp nhất cũng khoảng 25-30 triệu đồng.

Chị Sơn Thị Na Ra (một thành viên tổ hợp tác) phấn khởi cho biết: "Chúng tôi vừa thu hoạch một đợt khổ qua xong, đang chăm sóc cho đợt trái mới, vài ngày nữa là có thu hoạch rồi. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng xen một số màu khác để tăng thêm thu nhập, không để lãng phí đất.

Hai vợ chồng tôi có khoảng 3,5 công đất trồng rau màu. Khi chưa vào tổ phụ nữ hợp tác, chúng tôi rất vất vả. Từ khi vào thì được sự hỗ trợ của mọi người, có đầu mối thu mua ổn định nên sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi thu nhập mỗi năm khoảng 60 triệu đồng".

Ông Lê Quốc Văn, Bí thư chi bộ ấp, Trưởng Ban nhân dân ấp Hòa Hiệp cho biết: "Mô hình tổ phụ nữ hợp tác ở ấp chúng tôi rất có hiệu quả, giúp chị em cùng nhau sản xuất, cùng nhau thoát nghèo. Vào tổ hợp tác, mọi người hỗ trợ nhau trong sản xuất nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Từ thành công của mô hình này, chúng tôi đang đề nghị thành lập thêm các tổ hợp tác cho bà con làm ăn để làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình, không phải đi đâu xa".

Xuân Lương

Nguồn tin: dantri.com.vn


hành vi   hợp tác   làm giàu   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...