25/12/2020 14:05  
Nhà tưởng niệm liệt sĩ của lữ đoàn 918, quân chủng phòng không – không quân ở sân bay Gia Lâm (TP. Hà Nội) ghi tên 35 liệt sĩ. Trong đó, rất nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên máy bay An-26.

Ẩn số 285

Chiều 16.9.1987, thiếu tá Nguyễn Duy Lê, phó trung đoàn trưởng 918 (sau là đại tá, trưởng phòng Quản lý điều hành bay của quân chủng Phòng không không quân, hiện đang nghỉ hưu tại P.Cẩm Châu, TP.Hội An, Quảng Nam) cứ sốt ruột đi lại trong căn cứ Tân Sơn Nhất vì mãi không thấy máy bay An-26 số hiệu 285 của đơn vị hạ cánh.
Cuối chiều, thiếu tá Lê sang trung tâm quản lý điều hành bay miền Nam hỏi kỹ, mới biết: “Máy bay khởi hành từ sân bay Gia Lâm từ sáng, hạ Đà Nẵng xong đã bay vào TP.HCM từ trưa” và giật mình: “Mất tích rồi!”.
Thông tin về máy bay An-26 số hiệu 285 được báo ra Hà Nội và lúc ấy, sở chỉ huy quân chủng mới báo động “285 mất liên lạc, lệnh các đơn vị tìm kiếm”. Các máy bay vận tải và trực thăng rà soát dọc đường bay, nhất là khu vực An Lộc (Long Khánh, Đồng Nai), nhưng đều vô ích.
Máy bay An-26 số hiệu 285 nằm trong đợt viện trợ thứ 3 của Liên Xô trong năm 1984 nên còn rất mới, được xem là “chuyên cơ” chở các lãnh đạo, đoàn khách quan trọng, đại tá Nguyễn Duy Lê cho biết vậy và liệt kê 7 quân nhân trong tổ bay An-26 hy sinh ngày 16.9.1987, đó là: trung tá Đào Hữu Ngoan (trung đoàn trưởng – lái phụ); đại úy Vương Hữu Quý (lái chính - phó phi đội trưởng An-26); thượng úy Ngô Khắc Sự (lái phụ); thượng úy Nguyễn Quốc Hòe (dẫn đường trên không); thượng úy Nguyễn Ngọc Vân (dẫn đường trên không); thượng úy Triệu Minh Sơn (cơ giới trên không); trung úy Nguyễn Xuân Loan (thông tin)…
Cùng với 7 thành viên tổ bay, trên máy bay còn có 55 người khác, bao gồm 7 sĩ quan mang cấp hàm đại tá (Bùi Ủy, Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân; Võ Xuân Phong, phó tham mưu trưởng mặt trận 579; Nguyễn Thanh Phan, Thanh tra quân đội; Nguyễn Anh Dũng, BCHQS tỉnh Thuận Hải; Nguyễn Đình Lợi, tổng cục hậu cần; Phan Quốc Tâm, tổng cục Kỹ thuật, Vũ Chu Mộng, học viện quân sự cấp cao), số còn lại là sĩ quan cấp tá, úy, hạ sĩ quan, cán sự - công nhân viên quốc phòng và 7 người là con em quân nhân.
Đặc biệt, trong số này, có 15 nữ chủ yếu công tác tại các bệnh viện quân y. Đi cùng đại tá Nguyễn Thanh Phan (thanh tra quân đội) là bà vợ Hoàng Thị Lương. Trên chuyến bay còn có chị Hoàng Thị Minh Hải là con gái của chuẩn đô đốc Hoàng Hữu Thái, phó tư lệnh hải quân (giữ chức phó đô đốc - tư lệnh hải quân thời điểm 1990 - 1994)…
Mãi đến tháng 3.1988, qua người dân của người dân thôn Đạ Nghịch (Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng), Bộ Quốc phòng mới biết An-26 số hiệu 285 đâm vào núi Lẹp.
Trung tá Nguyễn Hồng Thái, nguyên trợ lý bảo vệ an ninh của lữ đoàn 918 kể: Đầu tháng 4.1988, ông tham gia trong đoàn tìm kiếm cứu nạn do trung tướng Nguyễn Thế Bôn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN dẫn đầu, vào tận hiện trường.
“Từ trên vách đá, chúng tôi đu dây mây xuống khe núi và thấy hài cốt đang phân hủy nằm ngổn ngang cùng với các mảnh vỡ máy bay. Xem xét hiện trường cho thấy sau khi rơi, máy bay không bị cháy và đây là lý do khiến các máy bay tìm kiếm không phát hiện ra. Khám nghiệm hiện trường xong, cả đoàn chia nhau đi nhặt các phần hài cốt”, trung tá Thái thuật lại rồi trầm giọng: “Anh em đục số hiệu 285 ở đuôi đứng máy bay, mang về báo cáo Bộ Quốc phòng. Việc xử lý hiện trường sau đó được giao cho bộ đội địa phương”.
Lịch sử lữ đoàn 918 ghi rõ: “Ngày 16.9.1987, trong khi thực hiện chuyến bay nhiệm vụ đường dài Gia Lâm - Tân Sơn Nhất, máy bay An-26 số 285 của tổ bay Vương Hữu Quý (lái chính) và Đào Hữu Ngoan - quyền trung đoàn trưởng (lái phụ), gặp tai nạn ở khu vực rừng núi Lâm Đồng. Tổ bay và toàn bộ hành khách tử nạn. Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới sức chiến đấu quân chủng Không quân, gây chấn động trong dư luận xã hội. Do không sớm xác định được nguyên nhân tai nạn và vị trí máy bay rơi, nên đã gây hậu quả về nhiều mặt và kéo dài nhiều tháng”.

Hỏng động cơ, vỡ kính chắn gió

Ngày 28.9.1989, máy bay An-26 số 250 do tổ bay của đại úy Nguyễn Hoài Hải điều khiển, thực hiện chuyến bay nhiệm vụ trên đường bay Gia Lâm - Nha Trang - Tân Sơn Nhất. Sau khi cất cánh từ sân bay Nha Trang được 12 phút, bỗng cửa thoát ly khẩn cấp ở sàn bị mở tung, hút thượng úy Bùi Anh Tuấn, bảo vệ tổ bay, ra ngoài.
Đây là trưòng hợp tai nạn chưa từng xảy ra đối với máy bay An-26. Nguyên nhân chính là do cơ cấu khóa của cửa thoát ly khẩn cấp có trục trặc kỹ thuật. Ngay sau đó, ngành kỹ thuật đã thực hiện biện pháp loại trừ khả năng tự mở cửa thoát ly khẩn cấp trên máy bay An-26.
Ngày 8.4.2008, máy bay An-26 số hiệu 265 khi đang bay huấn luyện đã gặp tai nạn, khiến 5 thành viên tổ bay hy sinh (Hoàng Văn Luận, Nguyễn Văn Lân, Ninh Quang Thắng, Phạm Viết Đoàn, Dương Văn Dán).
Nguyên nhân do kỹ thuật hàng không phát sinh hỏng hóc đột ngột, liên quan đến sự làm việc của động cơ. Tổ bay tập trung xử lý nhưng không kịp do độ cao quá thấp, tốc độ nhỏ và máy bay đã thả càng, dẫn đến máy bay bị thất tốc, rơi xuống cánh đồng thuộc xã Tả Thanh Oai, H. Thanh Trì, TP.Hà Nội.
Ngày 10.5.2011, trong khi thực hiện chuyến bay nhiệm vụ vận chuyển, đường bay Gia Lâm - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất, máy bay An-26 số hiệu 248 đã xảy ra vụ uy hiếp an toàn bay.
Sau khi máy bay cất cánh từ Đà Nẵng đi Tân Sơn Nhất, đạt độ cao 3.400 m, cự ly cách sân bay Đà Nẵng 64 km, tổ bay thấy có tiếng nổ và khói bụi trong buồng lái. Kiểm tra phát hiện kính buồng lái phía sau, bên trái lái chính bị vỡ, bay mất 1 mảnh khoảng 35 - 50cm. Tổ bay đã hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và xác định nguyên nhân do kính buồng lái bị lão hóa. Sau vụ uy hiếp an toàn này, trung đoàn đã báo cáo và xin ý kiến của Quân chủng, tiến hành tổng kiểm tra và thay kính trên 5 máy bay An-26…

Hạ cánh xuống đầm lầy

Đầu tháng 4.1994, trung đoàn 918 sử dụng lực lượng tham gia cuộc diễn tập BM-94 bảo vệ vùng biển và thềm lục địa phía Nam. Cuộc diễn tập diễn ra trên vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo và phía tây bãi Tư Chính từ ngày 2-5.4.1994.
Trung đoàn 918 sử dụng lực lượng máy bay An-26 tham gia diễn tập BM-94 với nhiệm vụ bay trinh sát, quan sát trên biển, chuyển tiếp chỉ huy trên không, tìm kiếm cấp cứu trên biển. Trong đợt diễn tập này, trung đoàn đã để xảy ra vụ mất an toàn bay.
Máy bay An-26 số hiệu 276 làm nhiệm vụ bay chuyển tiếp chỉ huy (tổ bay gồm các phi công, nhân viên bay Phúc, Hiếu, Minh, Long, Hải), khi đang bay ở độ cao 4.200 m trên khu vực Vũng Tàu, do sai sót của tổ bay nên hệ thống bơm cung cấp nhiên liệu không làm việc, dẫn đến lần lượt tắt cả 2 động cơ, mở máy lại không thành công.
Tổ bay rất bình tĩnh để xử lý, tiến hành xuôi lá cánh quạt 2 động cơ, sau đó tìm bãi hạ cánh bắt buộc và đã hạ cánh thành công xuống đầm lầy ở khu vực H.Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Máy bay An-26 số 276 hỏng nặng.
Sau vụ mất an toàn, trung đoàn đã phân tích nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với lãnh đạo chỉ huy, đặc biệt là duy trì việc học tập, sử dụng thiết bị buồng lái đối với phi công - nhân viên bay. Sau đó, trung đoán kiểm tra toàn bộ các máy bay trong biên chế, tổ chức ôn tập và kiểm tra lý thuyết đối với các thành phần bay trong đơn vị.
Khi bài viết này đến với bạn đọc, chiếc máy bay An-26 số 267 đã được đưa vào kho niêm cất. Đây là chiếc cuối cùng hoạt động trong số 50 chiếc An-26 mà Liên Xô (cũ) đã viện trợ 40 năm về trước, kết thúc những năm tháng phục vụ hào hùng của máy bay vận tải quân sự An-26 trên bầu trời Việt Nam.
Từ thời điểm này, nhiệm vụ vận tải quân sự của QĐNDVN được giao cho thế hệ máy bay mới được trang bị là Casa-295 và Casa-212i của hãng Airbus Military (Tây Ban Nha). Những phi công, nhân viên bay, thợ kỹ thuật An-26 cũng nghỉ hưu hoặc chuyển sang với khí tài mới và trong họ, ký ức về máy bay vận tải An-26 mãi không thể phai nhòa, như họ đã từng gọi bình dị về An-26 “ngựa thồ trên không”.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Airbus   HCM   Hà Nội   Máy bay   Việt Nam   huyền thoại   hành vi   sân bay   Đà Nẵng   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...