26/01/2021 8:05  

Sôi động các “đại” dự án

Ngay sau kỳ nghỉ Tết dương lịch 2021, ngày 4.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ GTVT chính thức động thổ khởi công dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, mở màn cho 1 năm “dậy sóng” các công trường của ngành GTVT. Nằm trong trục đường cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ, đồng thời thuộc một phần trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là mảnh ghép cuối cùng hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc kết nối từ trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam tới thủ phủ miền Tây Nam bộ.
Trong đó, đoạn TP.HCM - Trung Lương đã được sử dụng từ tháng 2.2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo hình thức BOT, được thông xe kỹ thuật và dự kiến thông xe chính thức vào năm 2021; cầu Mỹ Thuận 2 đang được đầu tư xây dựng bằng vốn trái phiếu chính phủ, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2023.
Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, mạng lưới đường bộ tại TP.HCM gồm 6 tuyến đường cao tốc kết nối với 7 tỉnh lân cận. Thế nhưng sau nhiều năm chật vật, mới chỉ hoàn thiện được 2 đường, gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối các tỉnh phía đông và TP.HCM - Trung Lương kết nối các tỉnh miền Tây. Trong đó, cả 2 tuyến đường này đều đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng, vận tải cả hành khách và hàng hóa đều gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công, hẹn kết nối cùng dải cao tốc đi miền Tây vào năm 2022 hứa hẹn thay đổi rất lớn về đô thị và kinh tế của TP.HCM cũng như các tỉnh ĐBSCL.
Chỉ một ngày sau khi công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức khởi động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục phát lệnh khởi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 - dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Nằm trong nhóm 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới, sân bay Long Thành mở ra cơ hội cạnh tranh với các cảng hàng không, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế. Khi đó, TP.HCM sẽ trở thành điểm đến, san sẻ một phần khách trung chuyển, trước hết là một số nước Đông Dương, sau đó mở rộng ra dần tới châu lục và thế giới.
Ngoài khu vực miền Nam, vùng ĐBSCL được ưu tiên đầu tư hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối với nam Trung bộ, Trung bộ cũng đang rục rịch thành hình. Sau khi khởi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đầu tư công vào quý 2/2020, 3 dự án thành phần tiếp theo, được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cũng đang hoàn thiện thủ tục để khởi công trong năm nay. Cụ thể, đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km, tổng vốn đầu tư 5.536 tỉ đồng, dự kiến khởi công giữa năm 2021, sau khi nhà đầu tư ký kết được hợp đồng tín dụng với ngân hàng; Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km, điểm đầu tại xã Diên Thọ, H.Diên Khánh; điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Hai dự án còn lại gồm đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới đây cũng đã chọn được nhà đầu tư, dự kiến khởi công vào cuối năm nay.

50 ngành kinh tế hưởng lợi

Thời gian qua, câu chuyện “lệch pha” đầu tư cao tốc trở thành vấn đề “nóng” của ngành giao thông. Hạ tầng giao thông tại khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía nam bị đánh giá thua kém các tỉnh thành khác và ngày càng trì trệ. Từ đầu năm đến nay, liên tục các dự án trọng điểm phía nam được khởi công, cùng với việc thay đổi quy hoạch, ưu tiên đẩy tiến độ các dự án cao tốc vùng ĐBSCL cho thấy đang có sự thay đổi rất lớn về chiến lược phát triển hạ tầng từ T.Ư tới các bộ, ngành.
Chỉ riêng các dự án trọng điểm cấp quốc gia nêu trên đã “ngốn” khoảng 6,1 tỉ USD. Chưa kể mỗi tỉnh, thành đều đang dự kiến tăng tốc với hàng trăm dự án lớn, nhỏ cấp địa phương, tổng mức đầu tư cũng lên tới vài tỉ USD.
Theo nghiên cứu của TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khu vực phía nam là trọng tâm phát triển kinh tế của cả nước. Chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực kinh tế trọng điểm phía nam thì sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới 24%, đời sống người dân tăng. Do đó, đổ tiền vào hoàn thiện hạ tầng, cải thiện giao thông khu vực miền Nam sẽ tạo ra các tác động lan tỏa kinh tế lớn.
TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đánh giá vấn đề giao thông kết nối và phát triển đô thị vùng là 2 vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Các vùng không kết nối được là do giao thông. Phát triển chuỗi vùng đô thị mà không có giao thông kết nối là thất bại. Suốt 10 năm qua, kết cấu hạ tầng chiến lược cũng khá được ưu tiên nhưng tính đồng bộ chưa tốt, nhất là đối với các địa bàn mà cơ sở hạ tầng là điều kiện quan trọng nhất để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển như khu vực ĐBSCL. Do đó, việc Chính phủ nỗ lực phân bố vùng đầu tư công, chuyển sự tập trung về các dự án hạ tầng phía nam, vùng ĐBSCL và các tuyến cao tốc phía đông thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam là quyết sách rất đúng đắn.
“Các dự án này được khởi công sẽ lập tức có tác động tức thì. Đầu tư công kết cấu hạ tầng có tác động lan tỏa tới khoảng 50 ngành kinh tế khác nhau, góp phần kéo kinh tế phục hồi hậu Covid-19. Đồng thời, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tạo lợi thế thu hút nhanh chóng các dòng vốn đầu tư cho khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong bối cảnh các nước đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam”, ông Lịch nhấn mạnh.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Cao tốc   Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Kinh tế   Việt Nam   chiến lược   hành vi   quy hoạch   sân bay   Đầu tư   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...