12/01/2021 8:25  
Chuyên gia kinh tế Quách Mạnh Hào cho rằng lãi suất quá thấp đã kích thích hoạt động đầu cơ ngoài sản xuất, tăng bong bóng tài sản, trong đó có chứng khoán.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2021, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào – giảng viên trường Đại học Lincoln (Anh) cho rằng chất xúc tác cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm qua là chính sách tiền tệ và tài khoá thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều khả năng năm nay chính sách sẽ thận trọng hơn bởi cơ quan điều hành có thể nhìn nhận lãi suất quá thấp đã kích thích các hoạt động đầu cơ ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản. Chính sách nới lỏng hiện tại cũng chưa cho thấy sự bao trùm toàn bộ nền kinh tế mà chỉ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và người yếu thế vẫn chật vật.

"Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán vì thế không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế", ông Hào nói.

Thông điệp này được ông Hào đưa ra trong bối cảnh chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đang tiệm cận đỉnh lịch sử và dòng tiền của nhà đầu tư F0 vẫn không ngừng đổ vào thị trường chứng khoán. Thanh khoản nhiều phiên được đẩy lên trên 18.000 tỷ đồng, dù hệ thống giao dịch thường xuyên có dấu hiệu bị nghẽn. Số lượng cá nhân tham gia thị trường trong tháng 12/2020 cũng lập kỷ lục với 60.000 tài khoản mở mới, nâng luỹ kế cả năm lên 392.000 tài khoản và gấp đôi năm trước.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, cơ quan điều hành thị trường cần lưu tâm hơn với dòng tiền đổ nhanh vào chứng khoán trong bối cảnh lãi suất giảm. Ông lưu ý rằng điều hành thấp chưa chắc là tốt bởi cần phải đảm bảo hài hoà cho các bên và tránh hệ luỵ bong bóng tài sản trong những năm tới.

Trong khi đó, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital đánh giá đây là diễn biến tất yếu bởi "lãi suất đang ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ đầu tư".

Chuyên gia của VinaCapital cho rằng, Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, các yếu tố vĩ mô và môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện đã tự động khơi dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam. Khi lãi suất ở Mỹ và hầu hết quốc gia trên thế giới thấp, các quỹ đầu tư phải dịch chuyển dòng vốn vào những thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam, để tìm kiếm lợi nhuận.

Nhà đầu tư trong nước cũng tương tự, sau 3 lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất trong năm 2020 thì họ phải rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang kênh có khả năng sinh lời hấp dẫn hơn. Điều này đồng nghĩa việc họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cũng nhiều thêm.

Theo khảo sát nhanh được thực hiện bởi ban tổ chức Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2021, chứng khoán là một trong ba lĩnh vực được giới đầu tư kỳ vọng có mức tăng trưởng tốt nhất, sau kinh tế số và bán lẻ.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Xuân Thành - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng thị trường vẫn đi lên do niềm tin về hiệu quả vaccine rất lớn. Bên cạnh đó, chứng khoán còn được hỗ trợ bởi những thông tin rất lạc quan như các nền kinh tế chính yếu đều được dự báo phục hồi trong năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài được nối lại, sức mua trong nước phục hồi và đầu tư của doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh. Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong khi IMF, World Bank hay các ngân hàng quốc tế còn kỳ vọng 7-8%.

"Chính vì thế, nhà đầu tư trong nước đang bơm tiền mà tạm quên đi những rủi ro", ông Thành nói.

Phương Đông

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   HCM   Kinh tế   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...