13/01/2021 12:05  

Vốn đổ vào chứng khoán, cổ phiếu tăng mạnh

Hôm qua 12.1, Việt Nam-Index đóng cửa tăng 7,39 điểm, tương ứng tăng 0,62% lên 1.192,28 điểm. Chỉ sau gần 10 phiên giao dịch năm mới, chỉ số này đã cộng thêm 88,41 điểm, tương ứng tăng 8% so với cuối năm 2020. Đây cũng là chuỗi ngày tăng điểm liên tục của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trước đó khi kết thúc năm 2020, chỉ số Việt Nam-Index tăng gần 15% so với đầu năm. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5,1 triệu tỉ đồng, tương đương 80% GDP, tăng 14% so với năm 2019. Đặc biệt, thanh khoản thị trường bùng nổ đạt mức bình quân trên 14.000 tỉ đồng/phiên trên sàn TP.HCM và tổng cộng cả hai sàn chứng khoán đã đạt lên kỷ lục mới là trên 20.000 tỉ đồng/phiên.
Chứng khoán thường sẽ lao dốc khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, trái ngược với vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn. Thế nhưng kết thúc năm 2020 và cho đến thời điểm hiện tại, các loại tài sản này đều tăng mạnh. TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), phân tích các tài sản dường như diễn biến trái quy luật thông thường. TTCK tăng mạnh là do trong năm vừa qua hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều bơm tiền ra rất nhiều để cứu nền kinh tế do bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Những chính sách này hầu như chưa từng diễn ra trước đó. Đặc biệt là Mỹ, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng đã được áp dụng mạnh mẽ và xuyên suốt kể từ khi đại dịch bùng nổ. Lượng tiền được đưa vào nền kinh tế để kích thích tiêu dùng nhưng với tâm lý lo sợ dịch bệnh, phần lớn dòng vốn đưa lại vào thị trường đầu tư. Dòng tiền đó mạo hiểm hơn, tìm kiếm những tài sản mang tính rủi ro cao hơn. Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ, tăng dự trữ. Cộng với lượng nhà đầu tư mới trong nước khi lãi suất ở mức thấp nên dòng tiền đổ vào TTCK rất mạnh từ quý 4/2020 đến nay, đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng vọt. Sau đó thị trường bất động sản (BĐS) cũng sẽ hưởng lợi khi một bộ phận nhà đầu tư chốt lời từ chứng khoán, chuyển vốn sang BĐS...
Còn TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, cho rằng đà tăng của TTCK cơ bản do Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 và tạo điều kiện phục hồi kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp khả quan hơn. Đồng thời, nhiều cổ phiếu của các ngành hưởng lợi từ dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, xây dựng... đã tăng giá mạnh. Mặt khác, lãi suất ngân hàng liên tục xuống thấp cũng khiến nhà đầu tư bỏ tiền vào cổ phiếu hơn là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Thậm chí, việc giãn cách xã hội cũng khiến nhiều người quan tâm đến TTCK hơn, nhất là lợi nhuận từ kênh này hiện hấp dẫn hơn các kênh đầu tư hợp pháp khác. Tuy vậy, ông đưa ra lưu ý, trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay, tính kết nối giữa TTCK và nền kinh tế thực có vẻ lỏng lẻo (thậm chí ngược chiều), khi kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng thấp nhưng chỉ số chứng khoán tăng cao. Điều này tiềm ẩn rủi ro và thiếu bền vững.

Việt Nam thiếu kênh đầu tư ?

TTCK vẫn đang được dự báo sẽ tiếp tục đi lên trong năm nay khi kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều được kỳ vọng sẽ phục hồi tăng trưởng trở lại.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng kinh tế và tin học, phân tích từ đầu năm 2020, vàng đã tăng mạnh thể hiện sự bất ổn của kinh tế toàn cầu. Tương tự, trong năm vừa qua, TTCK Mỹ tăng mạnh nhưng cũng liên tục sụt giảm cho thấy nền kinh tế vẫn có nhiều rủi ro. Thị trường Việt Nam cũng bị tác động bởi những khó khăn từ dịch bệnh. Chẳng hạn thị trường BĐS thanh khoản rất thấp, những BĐS có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên rất khó được giao dịch thành công. Một vài nơi giá BĐS có tăng nhưng chỉ diễn ra cục bộ do liên quan đến hạ tầng cơ sở mới. Riêng đối với TTCK, từ đầu năm 2020 đến đầu quý 3/2020 cũng giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư phải ngậm ngùi rời bỏ sân chơi này. Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, thị trường hồi phục mạnh và thu hút được dòng tiền tham gia rất nhiều. Nguyên nhân chính theo ông Hiển, nhà đầu tư trong nước đang thiếu kênh đầu tư. Cụ thể, vàng đã tăng cao nên không dám ôm vào, BĐS thanh khoản yếu, ngoại tệ liên tục sụt giảm... Vì vậy khi nhiều cổ phiếu đã giảm vào giữa năm 2020 thì dòng tiền bắt đầu chảy vào TTCK. Xu thế lướt sóng đã diễn ra mạnh cộng với tâm lý đón đầu sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021 giúp TTCK Việt tăng cao. Do đó việc cả cổ phiếu cùng với vàng đều tăng cao sau một năm vừa qua không có gì bất thường mà vẫn thể hiện được sự bất trắc của nền kinh tế nói chung do đại dịch.
TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: Xu thế dòng vốn chảy vào các TTCK như Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra và dường như không có gì ngăn cản được. Bên cạnh đó, lãi suất vẫn được giữ ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế thì chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi. Ngược lại, vàng luôn được xem là một công cụ chống lạm phát và hiện nay kỳ vọng lạm phát không cao nên tài sản này không còn được ưa chuộng nhiều. Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí cũng khuyến nghị: “Cần có sự kiểm soát dòng tiền ra thị trường vì nếu không có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bong bóng phình lên khi giá nhiều tài sản tăng liên tục. Khi bong bóng đổ vỡ lại gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế”.
 

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   Kinh tế   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Tài chính   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...