16/12/2020 7:10  
Trái với xu hướng tăng lượng nhập khẩu xe cuối năm, xe nhập khẩu trong tháng 11/2020 suy giảm gần 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Đây là "hiện tượng lạ" của thị trường xe hơi cao điểm cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính trong tháng 11, lượng xe nhập về chỉ đạt hơn 12.200 chiếc, giảm gần 1.500 chiếc so với tháng 10 và hơn 400 chiếc so với tháng 9 trước đó. Lượng xe nhập hiện nay chỉ ngang bằng với cùng kỳ năm trước.

Lượng xe nhập có sự suy giảm mạnh trong bối cảnh thị trường đang trong giai đoạn cao điểm mua sắm xe hơi. Đa số người tiêu dùng lựa chọn cuối năm để mua xe nhằm hưởng chính sách giảm giá, ưu đãi từ các hãng xe.

Tuy nhiên, diễn biến năm nay hoàn toàn trái ngược với xu hướng tiêu dùng chung, cho thấy sự ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 tác động đến thu nhập và thị hiếu mua xe của người Việt.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe tiêu thụ hết tháng 11/2020 của các thành viên đạt hơn 248.700 chiếc, giảm 40.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, ước giảm 14%. Trong đó, xe con dưới 9 chỗ ngồi đạt 184.400 chiếc, giảm gần 28.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các mẫu xe đang bán tại Việt Nam đều ghi nhận giảm doanh số trong năm nay, bất chấp nhiều hãng liên tiếp giảm giá xe và chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước. Điều này khiến các mẫu xe nhập thất thế so với cuộc cạnh tranh về doanh số với các loại xe trong nước.

Hiện, có nhiều thông tin, doanh nghiệp nhập khẩu xe chủ động giảm lượng nhập về do thị trường xe Việt có dấu hiệu tiêu thụ chậm lại. Xu hướng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều hãng, chi nhánh phải tái cơ cấu lại thị trường và tối ưu hóa lợi nhuận.

Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn dẫn đến lượng xe nhập giảm sút chính là nhiều mẫu xe có doanh số lớn đã và đang được nội địa hóa thành công tại Việt Nam. Đơn cử như năm 2020 có các mẫu xe vốn nhập từ Thái, Indonesia, nhưng đã được lắp ráp tại Việt Nam như Toyota Fortuner, Honda CRV, Mitsubishi Xpander...

Hiện, trên thị trường, các mẫu xe nhập có doanh số cao, vượt trội chỉ đếm trên đầu ngón tay như Ford Everest, Ranger, Suzuki XL7, Toyota Rush, Wigo... Những mẫu xe này hiện cũng đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt bởi các mẫu xe lắp ráp trong nước như Toyota Fortuner, Hyundai SantaFe, Mitsubishi Xpander, hay Hyundai i10, VinFast Fadil...

Thị trường xe hơi Việt hiện bị phân mảnh, đa dạng các dòng xe, mẫu xe, mỗi dòng xe có một thị trường riêng và khá nhỏ bé. Để mở rộng thị trường xe, các dòng xe, mẫu xe phải hạ giá, neo ở mức giá phù hợp để đa dạng hóa đối tượng khách hàng, từ đó mở rộng thị trường.

Chính vì thị trường nhỏ, dưới 500.000 xe/năm, nên các doanh nghiệp lắp ráp xe tại Việt Nam khá khó khăn, chật vật. Một mặt phải giữ giá để bù đắp chi phí và đảm bảo lợi nhuận.

Từ năm cuối năm 2020 trở đi, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe hơi tại Việt Nam sẽ được ưu đãi về miễn giảm thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất, lắp ráp ô tô. Điều kiện để doanh nghiệp ô tô, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô được hưởng ưu đãi là đạt sản lượng tối thiểu về mẫu, dòng xe theo quy định.

An Linh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Hiệp hội   Honda   Hyundai   Suzuki   Toyota   Tổng cục   VinFast   Việt Nam   Wigo   XL7   Xpander   Xu hướng   chính sách   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...