20/01/2021 15:20  
Nếu bạn mua lại một món đồ đã có, điều đó có nghĩa là bạn đang mua những món đồ không thực sự có ý nghĩa. Vì vậy, bạn sẽ rất dễ tiếp tục mua và lãng phí vào những thứ bản thân không thực sự cần, không thực sự đem lại giá trị.

Ngay cả những người có ý thức về ngân sách nhất cũng có thể vô tình chi tiêu quá nhiều tiền. Các chuyên gia tài chính cá nhân đã đưa ra cho chúng ta rất nhiều lời khuyên hữu ích về cách tiết kiệm tiền bạc song đôi khi chúng ta chỉ chú trọng đến những mục tiêu lớn lao mà không hề biết rằng bản thân đang tiêu tốn một khoản tiền kha khá vào những khoản nhỏ nhưng mang tính chất thường xuyên.

Một cuộc khảo sát gần đây của Varo Money cho thấy 85% người Mỹ lo lắng về tài chính của họ. Một trong những mối quan tâm chính là họ không có đủ khả năng trang trải cho những trường hợp khẩn cấp hoặc chi phí phát sinh đột xuất. 

Là một nhà giáo dục tài chính cũng như chủ của trang blog nổi tiếng về tài chính và ngân sách, Tiffany Aliche đã đưa ra những chia sẻ về 7 dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang chi tiêu quá nhiều. 

1. Bạn thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi rút "miếng nhựa" đó ra khỏi ví vì ngay cả những khoản phí nhỏ nhất cũng sẽ được cộng lại và trước khi bạn ý thức được điều đó, nó có thể khiến bạn rơi vào nợ nần. 

Aliche giải thích: “Mọi người không nhận ra rằng khi đang sử dụng thẻ tín dụng có nghĩa là bạn đang đi vay. Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng của mình nhưng nếu bạn đang vay để mua một chiếc bánh mì hay một ly trà sữa thì đó là dấu hiệu bạn đang tiêu quá nhiều. Đó là những thứ bạn có thể trả bằng tiền bạn thực sự có, không phải quẹt thẻ tín dụng". 

2. Bạn có nhiều sản phẩm giống hệt nhau

"Điều đó có nghĩa là bạn đang mua những thứ không tạo ra bất kỳ tác động nào", Aliche chia sẻ.

"Bạn thậm chí không nhớ rằng mình đã có chúng. Nếu bạn mua lại một món đồ đã có, điều đó có nghĩa là bạn đang mua những món đồ không thực sự có ý nghĩa. Vì vậy, bạn sẽ rất dễ tiếp tục mua và lãng phí vào những thứ bản thân không thực sự cần, không thực sự đem lại giá trị". 

Hãy nhớ lại xem, có phải bạn từng mua 2 chiếc váy giống hệt nhau, 2 thỏi son giống hệt nhau và thậm chí rất nhiều thứ nhỏ nhỏ xinh xinh giống nhau mà không hề dùng đến? 

3. Bạn không có ngân sách

Chỉ 32% người Mỹ có ngân sách chính thức và điều này có nghĩa rằng phần lớn chúng ta đang tiêu tiền mà không hề có kế hoạch. Điều đó thật sự nguy hiểm!

Aliche nhấn mạnh: “Không cần phải lên kế hoạch quá khắt khe song bạn nên biết những điều như bản thân được phép chi tiêu bao nhiêu cho giải trí, tiền ăn uống hay đi lại. Nếu bạn đang chi tiêu mà không có bất kỳ suy nghĩ nào trong đầu, chỉ đơn giản thích là mua, bạn có khả năng đang bị bội chi. Bạn sẽ dễ vượt quá khả năng chi trả khi không có kế hoạch".

Có nhiều ứng dụng có thể giúp bạn quản lý đồng tiền của mình hoặc bạn có thể viết vào một cuốn sổ nhỏ mang theo mình.

"Sử dụng các ứng dụng rất tiện lợi song về ngân sách, tôi muốn mọi người có trách nhiệm hơn một chút. Bạn cần nhớ rõ và việc viết ra sẽ giúp bạn dễ kiểm soát hơn", cô giải thích.

4. Tất cả bạn bè đều gọi cho bạn khi họ muốn đi mua sắm

Chắc chắn rồi, sẽ thật thú vị khi bạn được đi mua sắm cùng những người thân và bạn bè. Tuy nhiên nếu bạn bè đều gọi đến bạn khi họ muốn đi mua sắm, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã và đang mua sắm quá nhiều.

"Họ biết là bạn luôn hứng thú với việc mua sắm, tiêu tiền và sẽ không ngại đi mua sắm cùng họ. Khi mọi người mua sắm, chắc chắn bạn sẽ không chỉ là người đóng vai trò đi cùng. Bạn sẽ tiêu tiền và thậm chí có thể còn chi tiêu nhiều hơn và người rủ bạn đi mua sắm", Aliche chia sẻ. 

5. Bạn không có quỹ dự phòng khẩn cấp

Có rất nhiều con số xoay quanh việc bạn cần có bao nhiêu trong quỹ dự phòng khẩn cấp. Tuy nhiên, không nên tìm một con số tuyệt đối vì bao nhiêu tiền còn phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, điều kiện cũng như độ ổn định công việc, sức khỏe của bạn...

"Tốt nhất bạn nên có từ 3 tháng đến 2 năm tiết kiệm tùy thuộc vào nghề nghiệp của bạn," Aliche đưa ra lời khuyên.

Bản thân cô cũng chia sẻ về những điều mình đã được tận mắt thấy: 

"Em gái tôi là một kỹ sư và con bé đã mất 2 năm để tìm được việc làm trở lại. Trong khi đó mẹ tôi là một y tá và đã được bệnh viện tuyển dụng rất nhanh chóng. Vì nhu cầu y tá cao hơn nên với nghề nghiệp này, tôi nghĩ 3 tháng lương là ổn cho quỹ dự phòng". 

Song sau tất cả, dù bao nhiêu cũng đều tốt hơn là không có gì. Nếu bạn thậm chí không có lấy một đồng trong quỹ dự phòng khẩn cấp, bạn cần biết rằng mình đang chi tiêu quá nhiều.

6. Bạn không dành bất kỳ khoản tiền nào để nghỉ hưu

Không có gì là tồn tại mãi mãi, điều này cũng bao gồm khả năng có thể một ngày nào đó, bạn thất nghiệp khi không tìm được công việc phù hợp.

Một trong những sai lầm của người trẻ là nghĩ rằng nghỉ hưu còn rất xa xôi so với lứa tuổi của mình. Tuy nhiên một trong những nhiệm vụ bạn cần đảm bảo khi còn trẻ chính là chuẩn bị cho những năm tháng tuổi già.

"Nếu bạn không dành được chút tiền nào cho nghỉ hưu, điều đó có nghĩa rằng bạn đang chi tiêu quá nhiều. Điều mà nhiều người không hiểu là số tiền bạn kiếm được bây giờ không những dành cho hiện tại mà còn cần dành cho tương lai, khi bạn không còn khả năng lao động hay bị công việc bị ảnh hưởng vì dịch bệnh hoặc bất kỳ lý do nào khác".

Aliche đề xuất bạn nên duy trì trong phạm vi chi tiêu 70% đến 80% thu nhập. 

7. Bạn luôn tự hỏi tiền của mình đã đi đâu

Aliche cho biết, đây là dấu hiệu số một cho thấy bạn có thể đang chi tiêu quá nhiều.

"Nếu bạn đang tự hỏi không biết tiền của mình đã đi đâu, bạn đang bội chi. Vấn đề của bạn không phải là kiếm được bao nhiêu tiền".

Với sự gia tăng thu nhập, các khoản chi phí cũng có xu hướng tăng lên và điều đó có thể khiến bạn thậm chí chẳng hề tiết kiệm được dù nguồn thu tăng. Cô chia sẻ:

“Tôi là giáo viên mầm non khi mới 20 và kiếm được 39.000 đô la mỗi năm. Trong hai năm, tôi đã tiết kiệm được 40.000 đô la, mua được một căn hộ và sử dụng số tiền đó như một khoản trả trước. Trong khi đó, một người bạn của tôi là luật sư kiếm được 100.000 đô la mỗi năm nhưng cô ấy chỉ có 2.000 đô la trong tài khoản ngân hàng của mình.

Điều này khiến tôi nhận thấy đôi khi kiếm được nhiều tiền hơn khiến chúng ta lạm phát cuộc sống, chi tiêu thậm chí quá cả mức tăng của thu nhập. Đừng nhìn vào con số 39.000 đô la hay 100.000 mà hãy quan tâm xem bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản tiết kiệm".

Nguồn tin: www.24h.com.vn


chuyên gia   chuyên gia tài chính  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...