03/01/2021 15:05  

Đặt ra nhiều kịch bản ứng phó

Cô gái Nguyễn Thị Nhường, tên thân mật mọi người vẫn thường gọi là Su, bắt đầu thành lập công ty khởi nghiệp chuyên về đồ lót cho phụ nữ năm 2016. Vì Su xuất thân từ ngành y nên chiếc áo ngực không gọng do Su sản xuất có tiêu chí sức khỏe đầu tiên, sau đó là sự tiện dụng, rồi mới đến thời trang. Chỉ ra mắt sản phẩm được một thời gian, thương hiệu của Su đã thu hút rất nhiều cô gái trẻ, và cả phụ nữ đã sinh con, cùng tìm đến. Cứ vài tháng Su lại ra mắt một bộ sưu tập mới. Từ một căn phòng trọ 10 m2 với những sản phẩm thủ công đầu tiên do chính cô gái này cắt may, đến nay, Su đã có một xưởng sản xuất ở Biên Hòa với vài chục máy may chuyên dụng và các máy móc khác, tạo ra việc làm cho 42 nhân viên.
Như tình hình chung của thị trường, năm 2020 là một năm đầy biến động và nhiều thách thức đối với mỗi cá nhân và nhất là các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ. Su chia sẻ: "Là một cựu sinh viên của chuyên ngành y tế cộng đồng nên em đã đưa ra các kịch bản có thể xảy ra với thị trường và doanh nghiệp của mình trước tình hình dịch bệnh. Ngay khi dịch xuất hiện trong Tết Nguyên đán 2020, tụi em đã họp liên tục để xây dựng lại các kế hoạch của năm. Cuộc họp đầu tiên với toàn thể các thành viên của công ty sau tết là là nói về vấn đề tình hình dịch Covid-19, và truyền thông nội bộ các kịch bản để ứng phó. Thật may mắn vì các thành viên luôn đồng hành và chung tay cùng với công ty để chuẩn bị cho một năm nhiều thách thức ở phía trước".

Công ty không có cấp bậc, không có vị trí

Su cho biết, về mặt tài chính, công ty tập trung tối ưu các nguồn lực, giảm chi phí từ những điều nhỏ nhất như từng tờ giấy in, ngắt kết nối điện khi không cần thiết..., gom tất cả tiền mặt về để đảm bảo có thể duy trì trả lương cho nhân sự nếu buộc phải dừng hoạt động. Đồng thời mỗi tháng trích quỹ dự phòng để phòng cho các trường hợp rủi ro xảy ra.
"Về mặt con người, thay vì cắt giảm nhân sự thì làm thêm nhiều việc hơn. Mỗi thành viên sẽ đóng nhiều vai khác nhau. Tụi em hay gọi nhau là "thợ đụng" tức là đụng gì làm đó. Ở công ty không có cấp bậc, không có vị trí. Chỉ phân biệt ở kỹ năng mà mình có khi làm việc. Không một ai quá rảnh và không một ai quá bận. Phân bổ ra để có một dòng chảy thông suốt không tắc nghẽn. Làm nhanh - sai nhanh - sửa nhanh. Thay đổi để thích nghi chứ không chờ đợi mọi thứ trôi qua", Su chia sẻ.

Tháng đỉnh dịch  bán được gấp đôi sản phẩm

Nhờ bản lĩnh, sự sáng tạo, năng động của cô chủ nhỏ cùng với sự đồng lòng chung sức của hơn 40 thành viên công ty, thương hiệu đồ lót không gọng của Su không những không bị thất thu mà trái lại, còn giữ vững phong độ, thậm chí được khách hàng ủng hộ nhiều hơn trong dịch Covid-19.
Su nhận thêm các đơn hàng gia công khi thị trường nước ngoài đang cấm biên. Hiện nay, thương hiệu của Su có hàng ngàn khách hàng trở thành "fan" thường xuyên tương tác trong Fanpage. Và đặc biệt là các thành viên và khách hàng thời gian qua đã chung tay thành lập quỹ Fan Club để chia sẻ yêu thương tới Đà Nẵng trong cơn đại dịch và miền Trung lũ lụt.
"Năm 2020 là một năm mà các thành viên của công ty đã có những ngày căng như dây đàn, thức trắng bạc cả tóc để nghiên cứu sản phẩm mới, kỹ thuật mới, cách làm mới từ những phản hồi của khách hàng. Đầy khó khăn và thách thức là vậy nhưng vào tháng 4 đỉnh điểm của dịch Covid-19 tụi em đã bán ra 14.000 sản phẩm trong khi bình thường mỗi tháng chỉ là 7.000 chiếc. Xưởng sản xuất hiện tại của tụi em đang được mở rộng thêm dòng sản phẩm mới, với là 42 nhân sự trẻ năng động, nhiệt huyết và sáng tạo", Su chia sẻ.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Biên Hòa   Covid   Covid-19   doanh nghiệp   hành vi   sáng tạo   sản xuất   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...