10/01/2021 8:05  
Ông Harry J.Kazianis, Giám đốc cấp cao (Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ) - Tổng biên tập chuyên san The National Interest, chuyên gia phân tích hàng đầu tại Mỹ về tình hình Triều Tiên, vừa gửi đến Thanh Niên bài bình luận chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng.
CHDCND Triều Tiên, nước này dường như đang muốn đối thoại với Hàn Quốc và có thể là cả với Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden. Đó là dấu hiệu từ những thông tin được công bố gần đây từ Đại hội lần thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên vừa khai mạc tuần qua.
Tuy nhiên, rất khó có thể đoán định điều gì có thể đạt được từ các kế hoạch đối thoại như vậy của Bình Nhưỡng. Bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhượng bộ hay không và nhượng bộ ở mức nào thì lệ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng của Triều Tiên, nền kinh tế nước này và cả quan hệ với Trung Quốc.
Không có gì bất ngờ việc lãnh đạo Kim muốn đối thoại vào lúc này, khi nền kinh tế của Triều Tiên đang rơi vào tình trạng suy thoái do các chính sách của Bình Nhưỡng trong việc đối phó với đại dịch Covid-19. Hồi đầu tháng 12.2020, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert C.O’Brien có chia sẻ với tôi rằng Triều Tiên đã tránh được các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19.
Thế nhưng, Triều Tiên đã ổn định đến mức nào? Nguồn cung cấp lương thực có cạn kiệt hay chưa? Thị trường tiền tệ ra sao? Có bao nhiêu khu vực trong nước bị phong tỏa? Khó người bên ngoài nào có thể trả lời chính xác các câu hỏi này, trong khi đó là các yếu tố quan trọng tác động đến quyết định của ông Kim Jong-un.
Một yếu tố quan trọng khác là Trung Quốc. Khi lo ngại chế độ ở Bình Nhưỡng có thể sụp đổ, Bắc Kinh có thể sẽ hỗ trợ ông Kim. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, như mọi khi, đối với CHDCND Triều Tiên thì mục tiêu vẫn luôn là đảm bảo tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân và cuối cùng được công nhận chính thức là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong các thời điểm khó khăn, Bình Nhưỡng có thể nhượng bộ, nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân.
Thách thức hiện nay là tất cả các bên phải tìm ra hướng giải quyết căng thẳng và sống chung hòa bình. Tình hình hiện tại của Triều Tiên có thể mở ra một số cơ hội đàm phán, thậm chí là một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Joe Biden với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Vì thế, năm 2021 hứa hẹn sẽ là khoảng thời gian yên ổn trên bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, sau khi Triều Tiên vượt qua khó khăn do Covid-19, tình hình có thể sẽ thay đổi.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   Joe Biden   Kim Jong-un   Trung Quốc   Tổng thống   chuyên gia   chính sách   căng thẳng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...