22/12/2020 16:25  
Đưa Kiatisuk sang làm HLV và lấy lại Công Phượng từ TP HCM, HAGL sẽ được xếp vào diện ứng viên tại V-League 2021. Nhưng khả năng để họ nhận trọng trách đó vẫn còn là dấu hỏi.

Hôm 20/12, đám cưới của tiền vệ Trần Hữu Đông Triều tổ chức ở quê nhà Quảng Nam, bầu Đức cũng có mặt, như đã đến dự lễ cưới của Công Phượng. Đông Triều không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn ở HAGL, phải đến Bình Dương theo diện cho mượn, nhưng dường như với bầu Đức, "đám trẻ U19" ngày nào vẫn được ông quan tâm và yêu thương nhiều nhất.

Thế nên, khi "đám trẻ" ấy muốn có một HLV như Kiatisuk, bầu Đức nhanh chóng đáp ứng. Cùng với việc gọi về Công Phượng, 2021 có thể là mùa giải mà "đám trẻ U19" đông đủ nhất ở độ tuổi sung mãn nhất của sự nghiệp, và còn được dẫn dắt bởi một nhà cầm quân mà chính họ chọn lựa.

Nếu HAGL đào tạo ra cầu thủ để bán thương mại, có lẽ họ đã không ký hợp đồng thi đấu đến tận 28 tuổi với lứa cầu thủ này. Lúc khánh thành Học viện HAGL Arsenal JMG, bầu Đức từng tuyên bố, nếu có chuyển nhượng, ông sẽ bán các học viên ra nước ngoài, còn không được sẽ giữ lại phục vụ HAGL. Rõ ràng, bầu Đức cũng muốn vô địch V-League với lứa này.

Độ tuổi 28 trong bản hợp đồng cũng nói lên một vài điều. Đó được xem là thời điểm mà một cầu thủ đạt đến đỉnh cao. Hiện tại, những Công Phượng, Xuân Trường... đều đã 25-26 tuổi, nghĩa là họ chỉ còn khoảng hai năm cống hiến cho HAGL. Những gì tốt nhất của họ để đáp đền bầu Đức, chính là lúc này.

Ngay cả chuyện Kiatisuk sang Việt Nam có vẻ cũng không phải là tình cờ trùng hợp. Sẽ không có nhiều người hiểu được những mong muốn của bầu Đức trong bóng đá, ngoài các phát ngôn gây sốc từ vị doanh nhân này. Ông ít khi nói về khả năng vô địch của HAGL. Nhưng có lẽ Kiatisuk sẽ hiểu bầu Đức, sau khi từng là cầu thủ con cưng, từng hai lần làm HLV và luôn tự coi bản thân là thành viên HAGL. Không cần bầu Đức nói ra, chắc chắn Kiatisuk biết việc ông chủ cũ gọi mình sang Việt Nam không phải là "đá để trụ hạng" hoặc "đá cho vui". Nếu chỉ để làm việc đó, thì các cựu cầu thủ khác từng là đồng đội của Kiatisuk ngày nào như Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Đàn... vẫn làm được đấy thôi.

Nhưng một Kiatisuk từng xây dựng một đội tuyển Thái Lan mới để thống trị Đông Nam Á với một Kiatisuk ở HAGL từ năm 2021, có thể hoàn toàn khác nhau. Vì thế, cũng khó có sự tương đồng về thành công.

Ngoài HAGL, Kiatisuk từng cầm quân ở bốn CLB khác tại Thái Lan và đều không thành công. Thời gian làm việc của ông tương đối ngắn, và kết quả không nổi bật. Từ đó, có thể thấy, ngoài sự khác nhau về bản chất giữa đội tuyển quốc gia và CLB, có vẻ ông chỉ làm tốt công việc, nếu được xây dựng đội bóng của ông ngay từ đầu, như cái cách Kiatisuk bắt đầu với U23 Thái Lan, hay HLV Park Hang-seo với U23 Việt Nam. Theo yếu tố này, nếu Kiatisuk đến HAGL ngay từ lúc rời tuyển Thái Lan hồi 2017 thì tốt biết mấy. Bây giờ có vẻ đã muộn.

Bộ khung HAGL lúc này chơi bóng ở V-League gần sáu năm. Ngần đó thời gian đủ để các cầu thủ hoàn thiện tài năng, nhưng cũng đủ lâu để biến các kỹ năng chơi bóng thành lối mòn khó thay đổi, chỉ còn phù hợp với một vài chiến thuật cụ thể nào đó. Từ khi lứa U19 được đôn lên đá V-League 2015 đến nay, dù bầu Đức đã năm lần đổi HLV, một số quan điểm bóng đá nặng tính thực dụng hơn cũng đã được áp dụng. Nhưng các kết quả cuối mùa lại có một thứ không hề thay đổi: HAGL luôn là đội bị thủng lưới nhiều nhất, nếu tính từ trên xuống.

Trong một hoặc hai năm đầu tiên sau khi lứa U19 được đôn lên đá V-League thì không tính, vì HAGL luôn ở trong tình cảnh xuống hạng bất kỳ lúc nào. Nhưng ba mùa gần đây, dù cầu thủ trưởng thành hơn, có nhiều ngoại binh hơn ở khu vực phòng thủ, HAGL vẫn chơi bóng theo kiểu không biết phòng ngự là gì. Họ ngỡ như đã thay đổi ở mùa 2020 vừa qua, nhưng sau cùng, HAGL vẫn thua đến chín trận, chiếm tỷ lệ 45%, tức là còn cao hơn cả hai mùa trước đó (thua 11 trận, tỷ lệ 42%).

Đây sẽ là bài toán nan giải cho Kiatisuk. Biến một đội bóng trẻ, còn ngây thơ trở nên già dặn, thực dụng thì còn đơn giản. Nhưng với các cầu thủ đã qua cái tuổi uốn nắn, bảo họ phải chơi chắc chắn, chặt chẽ hơn thì khó hơn nhiều. Yêu cầu một cầu thủ phòng ngự lên tham gia tấn công cũng đơn giản hơn chiều ngược lại, trừ khi bản thân cầu thủ đó có ý thức với việc phòng thủ và tự thay đổi lối chơi. Hơn nữa, ngoài Công Phượng, đa số ngôi sao của lứa U19 đều có tiền sử chấn thương rất dễ tái phát. Họ không thể chơi rát, không đủ sức mạnh để tranh chấp kiểu một đối một, và bản thân họ còn phải mang trên vai... sứ mệnh đá đẹp.

Nên, cho dù bầu Đức có yêu cầu phải đưa HAGL vô địch đi nữa, điều này nằm ngoài khả năng của Kiatisuk. Chưa từng có nhà vô địch Việt Nam nào mà hàng phòng ngự nằm ngoài top 3 đội bị thủng lưới ít nhất. Có thể ghi bàn ít hơn đội khác, nhưng bắt buộc phải phòng thủ tốt nhất có thể. Ít ai nghi ngờ việc Kiatisuk có thể giúp HAGL tấn công tốt hơn, mạnh hơn. Nhưng ngược lại, bảo họ phải biết phòng ngự lại là yêu cầu quá xa xỉ với dàn cầu thủ HAGL hiện nay.

Song Việt

Nguồn tin: vnexpress.net


HCM   HLV   U19   V-League   Việt Nam   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...