23/12/2020 10:25  
Theo các lãnh đạo Viettel, FPT... nhiều ứng dụng mới không chỉ giúp cộng đồng doanh nghiệp thoát suy thoái trong đại dịch mà còn đưa tên tuổi Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu.
Mới nhất Cũ nhất
  • 9h35

    Câu chuyện phát triển AI trong y tế của VinBrain

    Rời bỏ vị trí cấp cao tại Microsoft AI về Việt Nam sau 36 năm sống và làm việc tại nước ngoài, ông Trương Quốc Hùng - Tổng giám đốc Công ty VinBrain chia sẻ 3 câu chuyện phát triển AI trong lĩnh vực y tế với tên gọi Biết, hiều và cảm.

    Câu chuyện đầu tiên - "Biết" được đại diện Vinbrain kể về sự nhận biết tầm quan trọng của một hệ thống trong lĩnh vực y tế. Theo ông, hiện nay có khoảng 2 tỷ người trên thế giới bị chuẩn đoán sai, dẫn đến hàng loạt hệ quả tiêu cực trong chuẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, bài toán AI cho ngành y tế chưa có định vị, các giải pháp cho lĩnh vực này chỉ nhận được đầu tư rải rác trên thế giới. "Ai cũng biết điện thoại thông minh với những doanh nghiệp hàng đầu là Samsung, Apple, nhưng Ai cho y tế, chưa nghe thấy tên tuổi đứng đầu", ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh.

    Câu chuyện thứ hai là "Thấy". Ông cho biết trong thời gian về Việt Nam chăm sóc mẹ do bị đột quỵ, nhận thấy nỗi khổ của các bệnh nhân phải xếp hàng trong bệnh viện từ 3-4h sáng để đợi khám bệnh. Ông cái nhìn rõ hơn tương lai và sứ mệnh của mình. Thay vì là một người Việt Nam hợp tác với các kỹ sư nước ngoài để thay đổi thế giới, ông trở về nước và xây dựng AI trong y tế.

    Theo ông, tại Việt Nam, những thách thức cho AI trong y tế là dữ liệu nằm rải rác ở các vùng miền, kiến thức của các bác sĩ thiếu đồng bộ do sự khác biệt trong môi trường đào tạo và kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, Covid-19 đã phản ánh một cách đặc biệt về Việt Nam với một đội ngũ bac sĩ giỏi và Chính phủ phản ứng tốt. Hệ thống 5G và đám mây sẽ giúp Việt Nam phát triển cao trong AI. Chính phủ đã có một tầm nhìn sâu rộng, đặt quyết tâm vào công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Nếu phát triển AI trong y tế, các bác sĩ làm việc với nhau hiệu quả và đồng bộ hơn.

    Câu chuyện cuối cùng là "Cảm". Người đứng đầu VinBrain cho biết, AI trong y tế sẽ giúp giải quyết các bài toán khám chữa bệnh và mang đến ý nghĩa cho cộng động. Đồng thời đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số trong y tế, không phim cứng, bệnh án giấy, tạo ra môi trường làm việc nhanh chóng, liên kết hiệu quả cho bác sĩ và bệnh nhân.

    Ông Trương Quốc Hùng cho biết, hướng đến giải quyết bài toán cho cộng đồng là một ước mơ. "Hành trình thực hiện ước mơ cũng gắn liền với nỗi sợ thất bại và mất mát, nhưng khi cảm nhận được đều mình đang làm mang lại ý nghĩa trong cộng đồng thì sẽ học được cách trân trọng, yêu những gì mình làm ra".

    Tại VinBrain hiện nay, 95% nhân lực là những người Việt Nam từ nước ngoài cùng hơn 50 bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh đầu ngành tại Việt Nam và hội đồng chuyên môn gồm các bác sĩ, giáo sư đầu ngành Đây là đội ngũ đang hợp sức để xây dựng sản phẩm AI cho y tế của Vietnam đạt chuẩn quốc tế và mang chất lượng của người Việt, với 18 loại bệnh có thể chuẩn đoán, nhận 3 bằng sáng chế ở Mỹ và Việt Nam chỉ sau một năm triển khai.

    Tuy nhiên để phát triển hơn nữa hệ thống AI trong y tế, ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh: "AI sẽ không hoàn hảo nên cần sự phát triển thí điểm đánh giá và kết hợp trí tuệ với các doanh nghiệp hàng đầu".

    Vị đại diện VinBrain nhận định, dự án AI luôn cần sự hẫu thuẫn của Chính phủ, bộ, ban ngành trong chế tài về phát triển công nghệ. Để làm AI tốt cần dữ liệu lớn và sạch để tránh rải rác, vì vậy ông kêu gọi sự ủng hộ về chia sẻ dữ liệu để xây dựng thành công cho y tế.

    table widget
  • 09h17

    "Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ thế giới"

    Trong 15 phút, người đứng đầu Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình đã có những chia sẻ tâm huyết về hành trình phát triển của nền công nghệ Việt Nam. Theo ông cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có FPT hưởng ứng nhiệt liệt hoạt động chuyển đổi số. "Bởi khát vọng làm chủ và sáng tạo công nghệ, muốn Việt Nam vươn ra thế giới đi cùng FPT suốt 20 năm qua", ông Bình nói.

    Chia sẻ 3 câu chuyện khát vọng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, ông Bình nhắc lại thời điểm khởi đầu của FPT cách đây 20 năm. Tập đoàn lúc đó đứng trước nhiều khó khăn đã quyết định vươn ra thế giới từ rất sớm với một đội ngũ kỹ sư công nghệ giàu nhiệt huyết. Tuy nhiên những công ty mở cửa tại Silicon Valley (Mỹ) đều phải đóng cửa vì không tạo ra doanh thu. Nhiều năm sau công ty đầu tiên của FPT mở tại Nhật Bản mới có lãi.

    Từ không có khách hàng nào, FPT nay đã có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp top đầu. Từ một đơn vị nhỏ bé, FPT đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ.

    Theo ông Bình, lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và cả các nước khác.

    "Sự thật là Việt Nam đã có tên ở trên bản đồ số thế giới", Chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định.

    Đến giai đoạn 2, khi cả thế giới hướng về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Việt Nam lại đứng trước một cuộc đua mới, nhưng công bằng hơn về điểm xuất phát. 3 năm trước, FPT đã đi vào lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số là robot tự động hoá. FPT xây dựng akabot, giúp doanh nghiệp tự động hoá quy trình.

    "Chúng tôi ban đầu xây dựng 135 con akabot để xử lý 135 tác vụ. 50 doanh nghiệp thế giới đã đặt mua akabot của FPT. Sản phẩm này đang nằm trong top 6 hay nhất thế giới", ông Bình chia sẻ.

    Kể câu chuyện cuối cùng về tương lai, ông Bình nói kinh tế số là sản phẩm nền tảng và chia sẻ. Lợi thế của Việt Nam là chưa có nhiều ứng dụng, quá trình trung gian có thể bỏ qua mà đi thẳng lên chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, startup dễ dàng cùng nhau xây dựng sản phẩm cho người dân, Chính phủ.

    "Trong một hoàn cảnh như vậy FPT muốn làm trí tuệ nhân tạo để giảm đi các công việc có tính lặp đi lặp lại trong ngành ngân hàng, dịch vụ, bảo hiểm. 11 triệu người đang tương tác với AI do FPT phát triển", ông Bình nói. Bên cạnh đó, tháng 6 này, ông cho biết FPT ra mắt một nền tảng cho giáo dục với nhiều điểm mới.

  • 9h00

    Con đường Make in Vietnam của Viettel

    Câu chuyện Viettel - doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng những thành tựu được ông Nguyễn Thanh Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ tại diễn đàn.

    Hơn 30 năm, từ một công ty xây lắp nhỏ thành lập năm 1989, đến nay, Viettel là tập đoàn Công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam nhờ chuyển đổi số. Trong dịch Covid-19, doanh số không tăng trưởng âm, tỉ trọng đóng góp doanh thu từ các lĩnh vực chuyển đổi số, các ứng dụng trong nước và 10 thị trường nước ngoài đã bù đắp cho doanh thu ảnh hưởng bởi dịch.

    Đến nay Viettel có doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ USD, lợi nhuận 40 nghìn tỷ đồng, vào top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Thương hiệu viễn thông của Viettel đứng số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 28 của thế giới.

    Để đạt được những thành tựu số, đại diện Viettel cho biết, tập đoàn chú trọng đổi mới tổ chức văn hoá và xây dựng nhân tài. Từ năm 2019, tập đoàn tái cơ cấu tổ chức, thành lập các tổng công ty chuyên trách về chuyển đổi số.

    Bên cạnh đó, Viettel xây dựng văn hoá số với các đặc tính như linh hoạt, sáng tạo, hướng tới khách hàng, tư duy số, văn hoá mở... Tập đoàn chú trọng chuyển dịch nguồn nhân lực phục vụ công nghệ thông tin, công nghệ cao với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Hiện trong lĩnh vực an ninh mạng, trong top 100 cao thủ thế giới có 4 người làm tại Viettel.

    Viettel đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ quản trị nội bộ, đồng nhất, thông suốt, áp dụng công nghệ hiện đại với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Viettel số hoá 100% văn bản giấy tờ, giải phóng 50% công việc thủ công, tự động hoá 30-40% các tác vụ.

    Với hạ tầng mạng, Viettel đã phủ sóng tới 100% các xã và 95% dân số cả nước, là hạ tầng 4G lớn nhất Việt Nam, đang bắt đầu giai đoạn xây dựng và phát sóng mạng 5G. Tập đoàn sở hữu hệ thống data centre chuẩn tier III, IV.

    Hệ sinh thái sản phẩm số cung cấp dịch vụ B2C, B2B trải dài trên nhiều lĩnh vực như tài chính (Viettelpay), digital marketing, OTT (Mocha, Keng), Chăm sóc khách hàng (MyViettel, Viettel++), Chính phủ điện tử, SmartCity, dược phẩm, tiêm chủng...

    Đặc biệt, trong dịch Covid-19, Viettel đã triển khai ứng dụng telehealth, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, trong 2 tháng đã triển khai với quy mô hơn 1.000 điểm, tiến tới sẽ mở rộng tới 4.000 cơ sở y tế cấp xã phường. Mới đây, cuộc gọi 5G đầu tiên của Viettel đã khởi động tại Hà Nội và TP HCM.

    Đại diện Viettel cũng đưa ra kiến nghị, việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số nên lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời thu hút các công ty công nghệ thế giới trên thế giới, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi để xây dựng trung tâm tại Việt Nam, có cơ chế, chính sách xây dựng thúc đẩy thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước, ưu tiên các doanh nghiệp Việt đảm nhận xây dựng các giải pháp an ninh mạng, hạ tầng trọng yếu.

  • 8h50

    "Không Make in Viet Nam không thể ra thế giới"

    Ngay từ những câu đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh "Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng".

    Bộ trưởng đã điểm lại những bước tiến đáng kể của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam kể từ khi chiến lược Make in Viet Nam được thực hiện. Sau một năm, hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp. Theo ông đây là một con số kỷ lục khi lúc đầu Việt Nam chỉ nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp một năm. "Ngay năm đầu tiên đã có 13.000 doanh nghiệp mới ra đời. Những nhà quản lý đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được dương cao. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025", ông nhấn mạnh.

    Theo ông, Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến chống Covid-19 suốt gần một năm qua: "Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Viet Nam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này".

    Một trong những bước tiến được ông nhấn mạnh là Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G, theo ông đây là kết quả của sự lao động sáng tạo và quyết tâm bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

    Bộ trưởng cho biết, chiến lược của Việt Nam trong tương lai là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Viet Nam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn. Lời giải vấn đề là công nghệ mở.

    "Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại", Bộ trưởng nhấn mạnh.

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. Chính vì vậy Make in Viet Nam sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp cho nước ta phát triển. Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng kêu gọi: "Mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Và khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và vì thế, chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc".

    table widget
    table widget
  • 08h41

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng diễn đàn 

    Trong thư, Thủ tướng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với hơn 60.000 doanh nghiệp là một động lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Trong một năm đầy thách thức như 2020, doanh nghiệp công nghệ số đã phần nào thể hiện vai trò, cùng với những cánh chim đầu đàn duy trì tốc độc tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh của Việt Nam.

    "Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần đi tiên phong, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc chuyển đổi công nghệ số vì một Việt Nam hùng cường", lá thư viết.

    Cuối thư, Thủ tướng kỳ vọng với những hỗ trợ từ Chính phủ và cơ hội mới, cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

  • 08h30

    Các đại biểu tham quan gian hàng "thành tựu số của người Việt"

    Có mặt từ rất sớm, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều đại biểu dành thời gian tham quan toàn bộ các gian trưng bày, trình diễn các sản phẩm công nghệ số của các doanh nghiệp Việt. Đây là các ứng dụng được sáng tạo và phát triển bởi người Việt để ứng dụng và giải quyết các bài toán về phát triển kinh tế xã hội mà Việt Nam đang đối mặt. Một trong những thông điệp mà chiến lược Make in Viet Nam hướng đến.

    Khu trưng bày kéo dài dọc hành lang hội trường diễn ra sự kiện. Với sự giới thiệu các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được nghe giới thiệu về ứng dụng trong các sản phẩm tại đây. Không ít các đại biểu cùng trải nghiệm các sản phẩm số.

    table widget
    table widget
  • 08h00

    Một năm nhìn lại chiến lược "Make in Việt Nam"

    Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 diễn ra ngày 23/12 tại Hà Nội, là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Lần thứ hai diễn đàn diễn ra, với hai phiên thảo luận, đây là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đột phát để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

    Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, đại diện cơ quan Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, một số cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, hiệp hội, trường đại học, học viện, và hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước...

    Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 có sự đồng hành của Viettel, FPT, BKAV, VinBrain, BeGroup, TPBank, Asanzo, QTSC Software, CMC, MISA, FSI và MobiFone.

    Trước đó, Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019 cũng gây chú ý bởi thông điệp "Make in Viet Nam", thu hút hơn 1.000 khách mời trong nước và quốc tế.

Nguồn tin: vnexpress.net


Apple   Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   MC   Mục tiêu   Nhật Bản   Silicon   Tập đoàn   Việt Nam   an ninh mạng   chiến lược   chuyên gia   chính sách   diễn đàn   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   kiến nghị   kế toán   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...