19/01/2021 20:11  
Việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, nắng nóng bất thường và bão cường độ mạnh, sẽ đòi hỏi phải loại bỏ CO2 và các khí nhà kính khác khỏi bầu khí quyển.

Tuy nhiên, do con người thải ra ước tính khoảng 37 tỷ tấn CO2 mỗi năm nên các chiến lược hiện tại để thu giữ khí thải này dường như không còn hiệu quả.

Vì thế, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Los Angeles (UCLA) đã đề xuất con đường loại bỏ hàng tỷ tấn CO2 từ khí quyển mỗi năm. Thay vì thu CO2 trực tiếp trong khí quyển, công nghệ này sẽ chiết xuất CO2 từ nước biển, giúp nước biển hấp thụ nhiều CO2 hơn. Tính trên một đơn vị thể tích, nước biển chứa nhiều CO2 gấp gần 150 lần không khí. Công nghệ được đề xuất có tên là sCS2 (cô lập và lưu trữ cacbon một bước). Nghiên cứu của nhóm đã được công bố trên tạp chí ACS Sustainable Chemistry & Engineering.

"Để giảm thiểu biến đổi khí hậu, chúng ta cần loại bỏ khỏi khí quyển mỗi năm từ 10-20 tỷ tấn CO2", GS. Gaurav Sant, đồng tác giả nghiên cứu nói. "Để triển khai giải pháp trên quy mô đó, chúng tôi phải lấy cảm hứng từ thiên nhiên".

Do khí quyển và đại dương ở trạng thái cân bằng, nên nếu CO2 được chiết xuất từ đại dương, thì CO2 từ khí quyển có thể hòa tan vào đó. Trong trường hợp này, nước biển giống như một miếng xốp hấp thụ CO2 hết công suất và quá trình sCS2 nhằm mục đích đẩy khí ra, cho phép miếng xốp hấp thụ nhiều CO2 hơn từ khí quyển.

Công nghệ được đề xuất sẽ kết hợp một lò phản ứng dòng chảy, hệ thống liên tục được cung cấp nguyên liệu thô và tạo ra sản phẩm. Nước biển sẽ chảy qua một tấm lưới cho phép điện tích truyền vào nước, khiến nước có tính kiềm. Qua đó, một loạt các phản ứng hóa học được khởi động, kết hợp CO2 hòa tan với canxi và magiê có nguồn gốc từ nước biển để tạo ra đá vôi và magnesit thông qua một quá trình tương tự như cách hình thành vỏ sò. Nước biển chảy ra sau đó sẽ không còn chứa CO2 hòa tan và sẵn sàng hấp thụ nhiều CO2 hơn. Ngoài các khoáng chất, còn có thêm một sản phẩm phản ứng là hydro - nhiên liệu sạch.

Phương pháp mới ngoài quy mô xử lý hàng tỷ tấn CO2, còn có nhiều ưu điểm hơn so với các ý tưởng hiện có để giải quyết sự tích tụ CO2 trong khí quyển. Phương pháp "một bước" này có sự khác biệt so với các phương pháp khác đòi hỏi CO2 được lấy từ khí quyển phải trải qua quá trình cô đặc qua nhiều bước trước khi được lưu trữ. Dù một số kế hoạch đề xuất lưu trữ CO2 dưới lòng đất như các bể chứa dầu và khí thiên nhiên đã cạn kiệt, nhưng vẫn có nguy cơ gây rò rỉ CO2 trở lại khí quyển. Trái lại, sCS2 giúp lưu trữ lâu dài CO2 ở dạng khoáng rắn.

Nhóm đã thực hiện phân tích chi tiết về các nguyên liệu, năng lượng đầu vào và chi phí cần để triển khai phương pháp mới, cũng như những việc cần làm với các sản phẩm phụ. Với lượng CO2 lớn như hiện nay, theo ước tính cần khoảng 1.800 nhà máy sCS2 để cố định 10 tỷ tấn CO2 mỗi năm với chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đô la.

Các nhà nghiên cứu tin rằng sCS2 ngay cả khi triển khai ở quy mô nhỏ, cũng là bước tiến trong việc thu giữ và lưu trữ cacbon. Do đó, sCS2 cần được xem là một nội dung tiềm năng của bất kỳ chiến lược tổng thể nào để đối phó với biến đổi khí hậu.

N.P.D 

Theo Phys

Nguồn tin: dantri.com.vn


Công nghệ   chiến lược  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...