14/12/2020 11:05  
Việc thổi hồn vào các phế tích sẽ giúp câu chuyện lịch sử được kể lại đầy đủ, sinh động hơn cũng như khai thác hợp lý tiềm năng du lịch.

Còn đây sau dâu bể

Chuyến thăm quê ngoại năm nay của PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, thật đặc biệt khi khu dinh thự của Tổng đốc Vi Văn Định (ông ngoại của ông Huy) ở Lạng Sơn đã trở thành di tích lịch sử văn hóa. Một phần khu dinh thự được cải tạo thành trường mẫu giáo từ sau Chiến tranh biên giới phía bắc, nay trường sẽ được di dời ra khuôn viên rộng hơn. “Khu vực trường mẫu giáo trả lại cho di tích. Xưa kia từ những năm 1930 - 1940 đây là sân tennis của gia đình”, ông Huy xúc động chia sẻ.
Ông Huy cho biết dinh thự họ Vi hiện hầu như chỉ còn là phế tích do bị tàn phá trong chiến tranh biên giới nhưng vẫn còn sót mấy cổng lớn rất đẹp. Mặc dù vậy, ông đang ấp ủ rất nhiều ý tưởng về phát huy giá trị di tích này. “Nó mang trong mình câu chuyện họ Vi và thất tộc thổ ty là những người và dòng họ xưa từng được cử trấn ải biên giới từ thế kỷ 15. Họ đã tham gia giữ biên cương cho tới Cách mạng Tháng Tám”, ông nói.
Dinh thự họ Vi không phải là phế tích duy nhất mang đậm câu chuyện lịch sử và giàu tiềm năng phát triển du lịch. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, các phế tích của người Pháp xây dựng ở vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) cũng có câu chuyện tương tự. Hiện tại vườn quốc gia còn khoảng 200 nền phế tích thuộc khu nghỉ mát và khu dân cư được xây dựng cách đây gần 100 năm trước khi bị tàn phá trong chiến tranh. “Phế tích ở Ba Vì, tôi nghĩ có thể coi là một khu vực khảo cổ học đô thị thời hiện đại. Đó là một đô thị được xây lên, bị mất đi trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp. Nếu ta biết phục hồi nó, để nó kể lại những câu chuyện của sự hình thành khu vực nghỉ dưỡng đó, thì rất hay”, ông Huy nói.
Xa hơn nữa, PGS-TS Nguyễn Văn Huy nhắc tới di tích quốc gia Yên Tử. Di tích này hiện đang trong quá trình làm hồ sơ trình UNESCO để được xét duyệt công nhận di sản thế giới. Tại đây cũng còn rất nhiều phế tích xưa như nền móng, bờ kè… của chùa, tháp, am được ghi lại trong tư liệu như am Dược, am Diêm, am Hoa, am Thiền Định, am Lò Rèn, chùa Xếp, chùa Quốc Dưỡng, khu tháp sau chùa Hoa Yên... Hoặc theo ông Huy, các phế tích ở Thành nhà Mạc (Tuyên Quang, Cao Bằng) cũng có thể phát huy làm du lịch văn hóa lịch sử.

Kể lại sống động chuyện xưa

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, chất liệu để kể lại câu chuyện cho phế tích ở Ba Vì còn khá dày. Các tư liệu lịch sử, kiến trúc, quy hoạch ở đó hiện đã được sưu tầm rất nhiều. Bản thân nhân chứng sống cũng còn đó. Chẳng hạn, con cháu của gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, người từng sống ở khu vực này, còn nhớ như in về đời sống khi ấy. Thậm chí, họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ, con họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, còn cùng đội tìm kiếm phát hiện dấu vết ngôi nhà xưa của mình.
“Chúng ta có nguyên cả một câu chuyện giữa thế kỷ 20, người Pháp đặt Tam Đảo ở trong một quy hoạch rất chuẩn để không phá vỡ cảnh quan. Đó là bài học xưa cho ngày nay. Nếu biết làm thì ở đó sẽ thu hút du lịch rất tốt. Bản thân các phế tích có thể được giữ lại một phần để làm điểm tham quan với các biển chỉ dẫn chi tiết rằng đời sống ở đó từng ra sao, chi tiết thế nào”, ông Huy nói.
Vấn đề, theo ông Huy, là phải có những bàn tay rất chuyên nghiệp về khảo cổ học và khảo cổ học đương đại cũng như cần tham vấn quốc tế về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị phế tích để biến chúng thành nguồn lực du lịch lịch sử - văn hóa. “Như vậy sẽ đánh thức được những phế tích đó trở thành những giá trị sống cho đời sống hiện tại. Kể được câu chuyện hay thì sẽ có khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn”, ông nhận định.
Về dinh thự họ Vi, ông Huy nói: “Những ngôi nhà mẫu giáo hiện nay nếu trở thành phòng trưng bày giới thiệu về họ Vi và 7 họ thổ ty trong sự nghiệp bảo vệ biên cương ở Lạng Sơn thì tuyệt vời biết bao. Khu vực đó sẽ trở thành giống như di tích nhà Vương vậy. Nếu có di tích họ Vương của người H’Mông ở Hà Giang thì cũng có di tích của người Tày, của họ Vi ở Lạng Sơn. Chắc chắn câu chuyện này sẽ mang ý nghĩa giáo dục lớn cũng như thúc đẩy du lịch ở vùng này”, ông khẳng định.
Về Yên Tử, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng quá trình làm hồ sơ trình UNESCO tuy sẽ vất vả, song di sản này sẽ được công nhận di sản thế giới. “Tầm giá trị di sản thế giới của nó rất đạt thôi. Nhưng vấn đề là làm thế nào để quản lý, bảo vệ, trùng tu tôn tạo, phát huy nó lên, thì điều đó cần có sự nỗ lực của rất nhiều bên. Quan trọng là làm thế nào để kể các câu chuyện xưa trong đó”. PGS-TS Nguyễn Văn Huy cũng có quan điểm tương tự: “Nếu chỗ nào còn dấu tích xưa thì cố giữ lại. Những huyền thoại, truyền thuyết gắn với Yên Tử, với Trần Nhân Tông cũng cần được kể lại”.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Hà Nội   Việt Nam   Yên Tử   du lịch   huyền thoại   quy hoạch   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...