09/10/2020 7:30  
Đó chính là giá trị cốt lõi mà cuốn sách Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn của cụ Lương Văn Can - danh nhân Việt Nam (1854-1927) vừa được Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn (CLB DNSG) tổ chức tái bản, Nhà xuất bản (NXB) Hồng Đức xuất bản, như một món quà tinh thần quý giá dành cho doanh nhân vào Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2020. 

Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 7 Ngày Doanh nhân Việt Nam, CLB DNSG TP.HCM phối hợp với NXB Thời Đại cho tái bản theo bản gốc từ hình thức đến nội dung tác phẩm Kim cổ cách ngôn. Đây là món quà quý dành cho doanh nhân và các bạn trẻ tham gia Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và CLB DNSG phối hợp tổ chức.

Năm nay, món quà tinh thần quý giá đó tiếp tục đến với giới doanh nhân vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 16 Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2020) và kỷ niệm 15 năm thành lập CLB DNSG. Với tiêu đề chung "Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn", cuốn sách này bao gồm hai tác phẩm Thương học phương châm (1928) và Kim cổ cách ngôn (1925) được tái bản nguyên gốc, kèm theo phần chú giải và phần giới thiệu giá trị của hai tác phẩm này. 

"Kim cổ cách ngôn" chú giải

Theo ông Võ Quang Cảnh - Chủ tịch CLB DNSG, do năm 2011 cuốn Kim cổ cách ngôn được tái bản nguyên gốc từ hình thức đến nội dung đối với một ấn phẩm đã in gần một thế kỷ, nên có những từ ngữ, cách nói không phù hợp với hiện tại. Vì vậy, lần này cuốn sách được tái bản với phần chú giải để bạn đọc là doanh nhân, đặc biệt là sinh viên - thế hệ doanh nhân tương lai - tiếp thu tư tưởng của nhà trí thức yêu nước Lương Văn Can thuận lợi hơn. Đồng thời, đầu năm 2020, được sự gợi ý, kết nối và trực tiếp tham gia tổ chức thực hiện của ông Nguyễn Kiểm - cựu Cục trưởng Cục Xuất bản, cựu Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, CLB DNSG đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, có hiệu quả của Thư viện Quốc gia Việt Nam, trực tiếp là bà Giám đốc Kiều Thúy Nga với bản sao chất lượng cao của tác phẩm Thương học phương châm đã xuất bản năm 1928. Như vậy về nội dung, bên cạnh việc in lại nguyên bản của hai tác phẩm trên, cuốn sách có thêm phần chú giải Kim cổ cách ngôn theo tiếng Việt ngày nay. Và đặc biệt, có thêm phần diễn giải ý nghĩa, giá trị của hai tác phẩm này.

Ngoài hai tác phẩm trên, một tư liệu quý khác cũng được công bố trong lần xuất bản này là Lương gia tộc phả do Lương Văn Can biên soạn. Ông Cảnh cho biết: "Được sự giúp đỡ và giới thiệu của PGS-TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS-TS. Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã cung cấp bản sao chữ Hán và chữ Nôm, đồng thời dịch sang chữ Quốc ngữ và chú giải. Nhân đó, những người thực hiện cũng cho in lại bản Lương gia thứ chi phả, do Lương Văn Can và Lương Ngọc Hiển biên soạn (in lần đầu trong cuốn Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du của Lý Tùng Hiếu, NXB Văn hóa Sài Gòn, năm 2005). Cả hai bản tộc phả này đều ghi lại hành trạng và những lời khuyên hữu ích của Lương Văn Can cho thế hệ sau".

Các tác phẩm xuất bản lần này do TS. Lý Tùng Hiếu - Giảng viên chính Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM chú giải và giới thiệu. Theo TS. Lý Tùng Hiếu: "Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn là hai cuốn sách do nhà cách mạng Duy Tân Lương Văn Can (1854-1927) biên soạn trong những năm dạy học ở Ôn Như Trường, số 4 Hàng Đào, Hà Nội (1922-1927), được xuất bản tại Hà Nội trong hai năm 1925 và 1928. Đây là hai cuốn sách được Lương Văn Can biên soạn nhằm cung cấp tri thức và giáo dục đạo đức cho thế hệ sau trong buổi giao thời "tống cựu nghinh tân". Như Lương Văn Can khiêm tốn trình bày trong lời tựa của Thương học phương châm: "Tôi không phải là người biết buôn, chỉ nhặt lấy các sách quan hệ về sự buôn, lược dịch ra như sau này để độc giả chọn lấy mà xem cho biết sự thể tình hình, may ra nghề buôn nước ta có phát đạt hơn trước được chăng". Và lời tựa của Kim cổ cách ngôn: "Nên tôi nay trích lấy những lời cách ngôn của thánh hiền Âu, Á, Mỹ, dịch làm quốc văn, trước biên chữ Nho, sau biên chữ Quốc ngữ, lại biên chữ một ở dưới, rồi mới dịch hết đại ý để cho người ta ai cũng hiểu được".

Chung tay đem "di sản" qúy đến bạn đọc

Chia sẻ niềm vui và may mắn vì sau một thế kỷ, ấn bản của hai cuốn sách này vẫn còn nguyên vẹn và được lưu trữ dưới dạng độc bản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, ông Hiếu nói: "Cách nay trên dưới 20 năm, vào lúc bắt đầu thời kỳ hội nhập của Việt Nam, nhờ công tra cứu của hai nhà sử học Trần Thái Bình và Dương Trung Quốc, nhiều người đã biết đến hai cuốn sách này. Và đến hôm nay, nhờ sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân tâm huyết, như ông Nguyễn Thanh Minh - nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, nguyên Chủ tịch CLB DNSG; ông Võ Quang Cảnh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch CLB DNSG; ông Nguyễn Kiểm - nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; bà Phan Thị Kim Dung - nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam; bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, di sản quý giá này đã có cơ hội tái ngộ cùng bạn đọc".

Để không bị mất gốc

TS. Hiếu chia sẻ thêm: "Như tôi đoán, bạn đọc trẻ hôm nay sẽ lấy làm thắc mắc, tại sao giữa lúc đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, đón nhận bao nhiêu là lý thuyết, công nghệ, chuyên gia đến từ các nước tân tiến, mà chúng tôi lại ra công tìm kiếm và in lại những cuốn sách quá xưa như vậy? Và ông thay mặt những người thực hiện, giải đáp ngay. Mỗi chúng ta có thể ví như một cây sậy, sống bằng hai nguồn dưỡng chất. Trong khi cành lá vươn lên, vươn mãi để tranh đón nắng, mưa, sương, gió từ 4 phương trời, thì gốc rễ bám chặt vào lòng đất để thu lấy khoáng chất và nâng đỡ thân cành. Di sản văn hóa của tiền nhân chính là một phần nền tảng giúp chúng ta tạo ra và gia cố gốc rễ của mình, để trong khi phấn đấu thành nhân, thành công, thành danh, thành đạt, thành ai đó, ta khỏi bị mất gốc, khỏi đánh mất bản thân, khỏi bị giông gió cuốn đi và tan thành khói bụi giữa cơn lốc cuộc đời.

Vậy các bạn lại hỏi, sách này sẽ giúp ích được gì hay là lại nói về những tiêu chuẩn đạo đức, những tri thức kinh doanh cổ lỗ? Để trả lời câu hỏi này, ông cho rằng không gì bằng trích lại lời giới thiệu Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, một giải thưởng nhằm "tìm kiếm, vinh danh, ươm mầm những tài năng kinh doanh trẻ” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức thường niên từ năm 2011, với sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết và tài chính của rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp trăn trở với tình trạng doanh trí Việt Nam. Lời giới thiệu ấy như sau: "Văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta xem thường xem khinh được sao", "Kinh doanh cần có thương phẩm, cần biết ngoại ngữ", "Bí quyết thành công của nhà kinh doanh là trung thực"... Tư tưởng về kinh thương ấy của danh nhân Lương Văn Can từ hơn thế kỷ trước nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam cũng như tư duy kinh doanh của thời đại. Danh nhân Lương Văn Can đã được vinh danh là "người thầy của giới doanh nhân Việt Nam".

Theo những người thực hiện, sách Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn trước hết dành cho những bạn đọc chưa học thành tài, hoặc đang khởi nghiệp, lập nghiệp, hoặc đang kinh doanh mà gặp khó khăn. Nhưng những người thực hiện cũng rất mong được những người kinh doanh thành đạt và các nhà nghiên cứu quan tâm.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Bí quyết   Bí quyết thành công   Doanh Nhân   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Hà Nội   Kinh doanh   Trung Quốc   Việt Nam   Xã hội   chuyên gia   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...