23/12/2020 0:20  
(Tin thể thao, tin tennis) Chỉ ít lâu sau khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA), Novak Djokovic đã tiếp tục có động thái khiến cho mối quan hệ giữa anh với Hiệp hội các tay vợt nam Nhà nghề (ATP) trở nên càng thêm căng thẳng.

  

Video Novak Djokovic nhận cúp từ ATP cho tay vợt nam số 1 thế giới khi kết thúc mùa giải 2020:

Mới đây, Novak Djokovic đã chính thức rút lui khỏi Hội đồng các tay vợt ATP, qua đó tự gạch tên mình vào cuộc đua tranh chức chủ tịch của tổ chức này vì không muốn xung đột lợi ích với Hiệp hội Quần vợt nhà nghề nam (ATP).

Theo trang Tennis World USA, tay vợt đương kim số 1 thế giới có hành động đó là vì muốn tập trung phát triển Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA), tổ chức do anh sáng lập và đang giữ vai trò chủ tịch.

Trước đó, Djokovic đã lập ra PTPA trước thềm US Open năm nay và tổ chức này đã gây ra sự chia rẽ lớn giữa các tay vợt gia nhập tổ chức này với các tay vợt nam khác vẫn trung thành với một cơ quan quản lý chuyên nghiệp duy nhất là ATP, trong đó có Roger Federer và Rafael Nadal.

PTPA đã khiến cho vị thế của ATP bị đe dọa nghiêm trọng. Chính vì vậy, ATP mới đây đã thay đổi quy tắc để ngăn cản các tay vợt "có chân" trong cả tổ chức này lẫn PTPA. Trong thế chỉ được "chọn một trong hai", Djokovic đã quyết định rút khỏi Hội đồng các tay vợt ATP và đưa ra tuyên bố ngầm trách móc ATP khiến anh phải lựa chọn "cực chẳng đã" như vậy:

Trong một thông báo mới đăng tải trên trang Facebook cá nhân thu hút hơn 6,9 triệu người "Theo dõi",  hôm 22/12, Djokovic viết:

"Như các bạn đã biết, tôi là thành viên của PTPA, một tổ chức mới được thành lập gần đây và không hề có ý định xung đột với ATP. PTPA vẫn chưa được cấu trúc chiến lược và tầm nhìn dài hạn chưa được xác định rõ ràng. Mặc dù PTPA đã nói rõ rằng tổ chức đó không hề có ý định gây chiến, nhưng tôi vẫn chưa rõ ATP sẽ nhìn nhận hiệp hội này như thế nào trong tương lai. .

Thật không may, trước những phát triển mới nhất từ ATP, tôi cảm thấy cần phải xóa tên mình khỏi danh sách ứng cử viên Hội đồng các tay vợt ATP. Tôi không muốn tạo ra xung đột, hoặc sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu chọn các tay vợt giữ cương vị quan trọng, không muốn tạo ra bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh.

Tôi làm điều này một cách miễn cưỡng và với một trái tim rất nặng nề. Tôi đã và luôn rất đam mê khi được đại diện cho các đồng nghiệp của mình trong Hội đồng các tay vợt ATP. Tôi thực sự tin rằng có một con đường phía trước sẽ cải thiện đáng kể cuộc sống của nhiều tay vợt, đặc biệt là những người có thứ hạng thấp hơn và có tác động mạnh mẽ tích cực đến môn quần vợt nói chung.

Tôi tin tưởng rằng PTPA sẽ đạt được điều này trong tương lai gần. Trước khi kết luận, tôi muốn thông báo rằng điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi không có xung đột lợi ích trong môn thể thao của mình. Tôi hy vọng rằng, trong tương lai, điều này không chỉ được áp dụng cho việc hình thành các hiệp hội mới ở cấp độ tay vợt chuyên nghiệp mà còn được áp dụng cho tất cả các cấp độ khác trong cơ cấu của ATP ", Djokovic thổ lộ.

Djokovic vừa được nhận chiếc cúp từ ATP cho việc anh đã kết thúc năm 2020 với ngôi vị tay vợt đơn nam số 1 thế giới. Điều này giúp cho Nole san bằng kỷ lục 6 lần ngự trị trên đỉnh cao quần vợt thế giới khi kết thúc mùa giải như tiền bối người Mỹ Pete Sampras.

Hôm thứ Hai (21/12) vừa qua, Djokovic đã chính thức cán mốc 300 tuần giữ ngôi số 1 trên bảng xếp hạng ATP. Hiện tay vợt 33 tuổi người Serbia chỉ còn kém kỷ lục của Roger Federer (310 tuần) có 10 tuần nữa ở ngôi đỉnh bảng của làng quần vợt thế giới. Nếu tiếp tục duy trì phong độ cao trong giai đoạn đầu mùa giải tới cho đến đầu tháng 3 năm 2021, Djokovic sẽ san bằng chiến tích đáng nể đó của "Tàu tốc hành" người Thụy Sĩ.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Hiệp hội   Nadal   Tennis   US Open   chiến lược   căng thẳng   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...