14/12/2020 16:45  

TOSuperTitle"> Thái độ dấn thân của nhà đầu tư khiến đô xanh mất giá

Nhà phân tích thị trường cấp cao Jonas Goltermann của hãng nghiên cứu Capital Economics ở London, cho rằng: “Sự sụt giảm giá trị của đồng đô xanh sẽ tiếp tục trong vài năm tới, trong khi thái độ dấn thân, chấp nhận rủi ro dần tăng khiến dòng vốn đầu tư chuyển hướng chảy sang các thị trường mới nổi. Chúng tôi suy đoán rằng Fed sẽ sớm nâng lãi suất hay cho phép trái phiếu kho bạc tăng lợi suất. Điều đó cho thấy áp lực buộc đồng đô la xuống giá sẽ tiếp tục”.

Bên cạnh tiến triển của vaccine ngừa Covid-19, nhiều nhà đầu tư cũng như nhà phân tích kỳ vọng đồng đô la tiếp tục yếu đi khi Cục dự trữ Liên bang (Fed) có thể tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách duy trì lãi suất thấp. Triển vọng này đã buộc các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường Mỹ và tìm các tài sản sinh lợi cao hơn ở các thị trường khác.

Áp lực đi xuống của đồng đô la được thúc đẩy bởi tin đáng khích lệ về tiến trình phát triển và tiêm chủng vaccine Covid-19 của các hãng dược phương Tây như Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Hy vọng về tiêm chủng diện rộng sẽ giúp kiểm soát dịch và thúc đẩy hồi phục kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mua bán các tài sản có nguy cơ rủi ro cao hơn, trong khi thị trường của đồng đô xanh - thường được xem là nơi trú ẩn an toàn vào những thời điểm bất định - đã trở nên mất hấp dẫn.

Đồng đô la đã xuống mức thấp nhất trong năm qua so với hơn 10 loại tiền tệ khác. Trong tuần rồi, đồng đô xuống so với đồng yen Nhật Bản, tỉ giá 103-104 yen ăn 1 đô la. Đồng nhân dân tệ cũng lập kỷ lục cao trong hai năm rưỡi qua với 6,5374 tệ đổi 1 đô la.

Đồng won của Hàn Quốc đã tăng giá 6% trong năm nay, riêng đồng rupee của Ấn Độ bắt đầu tăng giá so với đồng đô xanh kể từ tháng 11 vừa rồi.

Xuất khẩu châu Á sẽ kém cạnh tranh hơn

Trong khi đồng đô yếu có thể ảnh hưởng tốt đến tình trạng tín dụng của các thị trường mới nổi mà trong số này nhiều nước có nợ yết bằng đồng đô la, tình trạng này lại không thuận lợi cho các nhà xuất khẩu bên ngoài nước Mỹ.

“Các nhà xuất khẩu sẽ mất đi khả năng cạnh tranh. Các công ty trong lĩnh vực xe hơi, chất bán dẫn, linh kiện điện tử và cơ khí sẽ chịu tổn thất nếu đồng đô tiếp tục mất giá” – theo lời ông Masahiro Ichikawa, nhà chiến lược chính của hãng Mitsui Sumitomo DS Asset Management ở Tokyo.

Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng lớn khi giá trị đồng đô xanh tụt dốc. Chẳng hạn như nền kinh tế Nhật Bản. Theo dữ liệu do Nikkei thu thập, 70% các công ty Nhật Bản đã chuẩn bị các hợp đồng ở mức tỉ giá 105 yen mỗi đô la cho nửa cuối tài khóa 2020 kết thúc vào tháng 3-2021.

Hiện đồng yen đang mạnh hơn so với mức này. Đồng yen tiếp tục tăng so với đồng đô la sẽ tạo áp lực lên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu, vốn đã chịu nhiều thiệt hại kể từ khi dịch bùng phát.

Ví dụ, hãng xe Toyota Motor dự tính tỉ giá ở mức 105 yen. Nếu đồng đô yếu thêm hai yen, tức dưới mức 103, hãng xe sẽ mất khoảng 40 tỉ yen, tức 384 triệu đô la lợi nhuận trong nửa cuối năm 2021. Các hãng khác như Honda và Subaru cũng chịu tổn thất tương tự.

Tuy vậy, Ryota Sakagami, nhà chiến lược chính của hãng chứng khoán J.P. Morgan Securities Japan, cho rằng ảnh hưởng của tỉ giá linh hoạt đã giảm nhẹ bởi “các nhà xuất khẩu đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ”.

Tại Thái Lan, các nhà xuất khẩu đang lo ngại sự tăng giá của đồng baht so với đồng đô vốn ở mức cao trong suốt năm qua. Doanh nghiệp Thái Lan đã kêu gọi ngân hàng trung ương có biện pháp thích hợp.

Ngân hàng Thái Lan đã tự do hóa việc mở tài khoản bằng các đồng ngoại tệ và tăng hạn mức đầu tư của các nhà đầu tư Thái để mua chứng khoán nước ngoài từ mức 200.000 đô lên đến 5 triệu đô. “Ngân hàng trung ương đang chuẩn bị nhiều biện pháp mới để kiểm soát dòng dịch chuyển của đồng baht trong ngắn hạn và dài hạn”, Chayawadee Chai-Anant, Giám đốc chính sách kinh tế của Ngân hàng Thái Lan, cho biết. Hiện các nhà phân tích thị trường tin rằng đồng baht tiếp tục tăng giá trong năm 2021.

Các hy vọng về vaccine ngừa Covid-19 đang củng cố niền tin về sự bật dậy của thị trường du lịch quốc tế sẽ có thể giúp thặng dư tài khoản vãng lai tăng. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng Siam Commercial Bank dự báo: Đồng baht sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh trong suốt năm 2021.

Xuất khẩu Trung Quốc tiếp tục chiếm ưu thế

Dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi logistics toàn cầu, lực đẩy tách khỏi phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc càng tăng. Nhưng tỷ trọng của xuất khẩu Trung Quốc với xuất khẩu toàn cầu lại gia tăng, và hiện vượt quá mức trước khi chiến tranh thương mại Mỹ -Trung bùng nổ năm 2018.

Các nhà phân tích nói rằng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ký vào tháng 11 vừa rồi sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hiện diện của Trung Quốc trong nền thương mại toàn cầu.

Hãng nghiên cứu Nikkei đã phân tích dữ liệu của 3.800 sản phẩm do Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tổng hợp và rút ra nhận định: Trong số 3.800 sản phẩm này, trong năm 2019 Trung Quốc có 320 sản phẩm chiếm hơn 50% thị trường xuất khẩu thế giới. So với năm 2001 – khi Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – con số này chỉ là 61.

Con số các sản phẩm Trung Quốc có thị phần trên 50% dừng tăng từ năm 2016 – khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Con số này chỉ gia tăng trong năm 2019, một năm sau khi chiến tranh thương mại giữa hai gã khổng lồ diễn ra.

Xuất khẩu các sản phẩm máy tính loại nhỏ của Trung Quốc đạt 95,6 tỉ đô la, chiếm đến 66% thị trường xuất khẩu trong năm 2019. Xuất khẩu màn hình LCD sử dụng trong máy tính cá nhân và smartphone cũng vượt mốc 50%, máy lạnh 57%, bồn rửa mặt và thiết bị vệ sinh 80%...

Nikkei nói: “Các sản phẩm này có nhu cầu cao trong mùa dịch bởi nhu cầu bùng nổ do ảnh hưởng của dịch và các lệnh phong tỏa buộc người dân phải ở nhà”.

Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục chiếm ưu thế trong năm tới – trên thị trường Mỹ và toàn cầu – cho dù đồng nhân dân tệ vẫn trên đà tăng so với đồng đô la. Hãng phân tích Nikkei nhận định “sự phụ thuộc toàn cầu vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã thể hiện rõ hơn, nhưng nỗ lực đa dạng hóa chưa mang lại kết quả rõ rệt”.

Nghiên cứu của Viện Peterson chỉ ra rằng: “RCEP sẽ giải quyết các vấn đề quan trọng chưa được đề cập hoặc các điều khoản hiệp định trước đây chưa hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng đa quốc gia. Với các liên kết này, RCEP sẽ thúc đẩy sự liên lập, liên đới giữa các nền kinh tế. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu sang châu Á, cố giành thị phần ở thị trường Đài Loan và Ấn Độ vốn chưa gia nhập RCEP”.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Capital Economics   Covid   Covid-19   Donald Trump   Honda   Kinh tế   Nhật Bản   Toyota   Trump   Trung Quốc   Tổng thống   chiến lược   du lịch   logistics  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...