14/01/2021 9:40  
Thị trường chứng khoán (TTCK) tăng điểm mạnh là lý do để nhiều DN tranh thủ lên sàn sau một thời gian dài im ắng vì dịch Covid-19.
Sôi động cổ phiếu niêm yết
Quý 4/2020, thị trường chứng kiến cổ phiếu ngân hàng dồn dập lên sàn. Đơn cử tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) các ngân hàng chào sàn là VIB, ACB và MSB. Trong khi SHB, LPB (LienVietPostBank), chuyển niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HoSE thành công.

Trước đó không lâu, nhiều ngân hàng nhỏ cũng đã đăng ký giao dịch thành công và đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM như: SGB của Ngân hàng Saigonbank, PGB của PG Bank, ABB của Ngân hàng An Bình và BVB của Ngân hàng VietCapitalBank… Ngân hàng Nam Á chỉ 2 tháng sau khi giao dịch trên UPCoM, mới đây đã nộp hồ sơ niêm yết hơn 456 triệu cổ phiếu lên sàn HoSE. Nam Á cũng là ngân hàng đang đứng thứ 2 về giá trị vốn hóa trên sàn UpCoM, chỉ sau Ngân hàng Bắc Á.
Không chỉ làn sóng các ngân hàng mà trong hai tuần trở lại đây, HoSE chấp thuận niêm yết 10 DN ở nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, vật liệu xây dựng, dệt may... Số lượng niêm yết giai đoạn này bằng 1/3 DN niêm yết mới trong cả năm 2020.

Làn sóng niêm yết đầu năm xuất phát từ việc các DN muốn tận dụng giai đoạn thị trường diễn biến thuận lợi, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT Đinh Quang Hinh nhận định: Việc niêm yết cổ phiếu còn góp phần tăng nhận diện thương hiệu và nâng tầm hoạt động quan hệ nhà đầu tư (NĐT), nhất là trong bối cảnh kênh chứng khoán thu hút rất nhiều NĐT trong nước.

Trong khi đó, các lãnh đạo ngân hàng cũng đặt nhiều kỳ vọng vào tính thanh khoản và giá trị của cổ phiếu. “Thông qua việc cổ phiếu VIB được chính thức niêm yết trên sàn HOSE, chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng sẽ mang lại những giá trị ngày càng cao hơn cho cổ đông về sự minh bạch, về quy mô giao dịch, về tính thanh khoản của cổ phiếu” - Tổng Giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ chia sẻ. Việc chạy đua niêm yết không chỉ nhằm đáp ứng các quy định bắt buộc của ngành, mà với nhiều ngân hàng, đây là bước đi tiếp theo để chuẩn bị tăng tốc kinh doanh, giúp cho các nhà băng niêm yết tăng tính minh bạch trong hoạt động, từ đó tăng khả năng tiếp cận được dòng vốn.

Không phải cứ mua là thắng

Đa phần cổ phiếu mới niêm yết trong 2020 đều xuất phát tích cực, thậm chí là những chuỗi tăng trần miên man. Nhiều cổ phiếu ghi nhận đà tăng tích cực chẳng hạn các mã ACB, VCB, TCB… đều đã tăng không dưới 30 - 40%, thậm chí cổ phiếu VIB còn tăng tới hơn 90%. Song, không phải cổ phiếu nào cũng giữ được “lửa” sau khi chào sàn. Nếu may mắn, NĐT có thể bỏ túi khoản lãi lớn trong thời gian ngắn, còn chậm chân thường chịu cảnh “uống nước đục”.

Đơn cử như cổ phiếu TTA của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group) sau 3 phiên tăng giá chào sàn (tăng gần 32%) đã phát đi tín hiệu tiêu cực khi đã ghi nhận 2 phiên giảm sàn liên tiếp, thanh khoản gần như biến mất, thậm chí lượng dư bán sàn mỗi phiên còn lên tới vài triệu đơn vị. Một cổ phiếu "nóng" khác là ABS của Công ty CP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco) đã "chào hỏi" các nhà đầu tư chứng khoán bằng 16 phiên tăng trần liên tiếp; đã "đốt cháy" tài khoản của các nhà đầu tư bằng 13 phiên giảm sàn, trong đó có 10 phiên là liên tiếp. Cổ phiếu CQN của Công ty CP Cảng Quảng Ninh gây ấn tượng với giới đầu tư bằng mức tăng gần 219% sau 8 phiên giao dịch chào sàn, trong đó có 7 phiên tăng trần liên tiếp cũng nhanh chóng “sớm nở tối tàn”.

Khi thị trường tăng mạnh, những cổ phiếu chào sàn đều khớp ở mức giá khá cao so với giao dịch trên thị trường OTC trước đó. Điều này phần nào đã kéo NĐT quay về lại cách đầu tư trước đây, là gom hàng trên thị trường tự do chờ ngày lên sàn để bán khiến thị trường càng nóng. Để hạn chế rủi ro này, chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) Trần Xuân Bách cho rằng, nên tìm hiểu, đánh giá kỹ DN. “Khi các cổ phiếu lên sàn thường được lượng dư mua lớn và tạo ra những phiên giao dịch cạn kiệt thanh khoản và giá cứ nhảy vọt. Nếu như NĐT thiếu kiến thức chuyên môn để thẩm định DN mà cứ mua đuổi thì sẽ dẫn đến rủi ro đầu tư và lỗ nặng sau đó”.

Từ HoSE đến HNX hay UPCoM, không thiếu các "tân binh" xuất hiện và cơ hội kiếm lời từ các cổ phiếu này là không hề ít, thậm chí “trúng đậm” nếu vào đúng mã. Tuy nhiên, TTCK luôn tồn tại nhiều cơ hội cũng như thách thức, NĐT cũng có nhiều phương án cùng kỹ thuật khác nhau để kiếm lời, từ phân tích cơ bản đến phân tích kỹ thuật, kiếm lời từ chênh lệch giá hay cổ tức… Theo ông Bách, với những cổ phiếu mới hoặc sắp chào sàn, NĐT cần lưu ý đến những “chiêu trò” trước khi lên sàn của DN, đặc biệt là “chiêu” phát hành cổ phiếu tăng vốn và tăng vốn “thần tốc”. Trong nhiều trường hợp, khi DN tăng vốn thật trên TTCK và sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông thì sẽ tạo động lực thúc đẩy. Tuy nhiên, nếu DN thực hiện tăng vốn “ảo” sẽ là một rủi ro không nhỏ đối với các NĐT trên thị trường.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Bình Thuận   Covid   Covid-19   HOSE   Hà Nội   Kinh tế   Ngân hàng   Nông nghiệp   OTC   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...