26/01/2021 10:45  
Html">

Hiệp hội Mía đường Việt Nam ngày 25-1 đã có công văn gởi các hội viên sản xuất về việc khuyến cáo điều chỉnh tăng giá thu mua mía cho vụ ép 2020-2021.

Trong văn bản này, ông Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông tin, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, lượng đường nhập khẩu (bao gồm cả chính ngạch và đường nhập lậu) vào thị trường Việt Nam đã bị giảm nguồn cung và không còn khả năng làm chủ thị trường.

Nguyên nhân của tình trạng này là do khủng hoảng logistic toàn cầu và việc siết chặt kiểm soát đường biên giới để phòng chống Covid-19 khiến lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam giảm. Ngoài ra, việc Bộ Công thương công bố rằng sẽ sớm áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng đường cát nhập khẩu từ Thái Lan cũng khiến chuỗi cung ứng đường vào Việt Nam bị gián đoạn tạm thời.

Việc giảm lượng đường nhập khẩu khiến giá đường trên thị trường trong nửa đầu tháng 1 tiếp đà tăng của tháng 12-2020. Đường sản xuất trong nước cũng không còn bị áp lực ép giá, kìm giá của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.

Cụ thể, giá đường kính trắng tại TPHCM đã tăng từ 13.800-14.000 đồng/kg hồi đầu tháng 1 lên mức 14.200-14.500 đồng/kg. Giá đường tinh luyện tăng từ 14.200-14.000 đồng/kg lên mức 14.800 -15.000 đồng/kg. Giá đường nhập khẩu cũng tăng từ 13.800 đồng/kg lên mức 14.400 đồng/kg.

Theo ông Đương, trước những thông tin tích cực kể trên, một số nhà máy đường đã ngay lập tức công bố điều chỉnh tăng giá thu mua mía. Hiện tại, giá mía thu mua tại ruộng ở các tỉnh miền Nam và miền Trung đã tăng lên mức bình quân khoảng 950.000 đồng/tấn, trong khi giá mía tại các tỉnh miền Bắc khoảng 900.000 đồng/tấn.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn áp dụng hình thức “thanh toán hồi tố”, tức giá thu mua mía được áp dụng ngược về thời điểm đầu vụ ép, trước khi có thông báo điều chỉnh giá thu mua mía.

Để khuyến khích nông dân gắn bó với cây mía, phục hồi diện tích trồng mía nhằm cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến cáo các hội viên sản xuất điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ ép 2020-2021.

Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại từng địa phương, các nhà máy đường cần sớm xem xét, điều chỉnh tăng giá mua mía. Giá thu mua mía sau khi điều chỉnh đảm bảo cho người nông dân có thể bù đắp đủ các chi phí đã bỏ ra, cộng thêm tối thiểu 10% lợi nhuận.

Ngoài ra, tùy vào tình hình tài chính cụ thể của mỗi đơn vị, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng khuyến cáo các nhà máy đường xem xét áp dụng hình thức “thanh toán hồi tố” nhằm thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với người nông dân sau 3 vụ liên tiếp gặp khó khăn vừa qua.

Trước đó, trong báo cáo tổng kết niên vụ 2019/2020 hồi cuối tháng 10 – 2020, Hiệp hội mía đường Việt Nam nhận định, khó khăn chồng chất, giá mía liên tục giảm đã khiến nông dân không còn mặn mà với cây mía. Chất lượng và sản lượng mía cũng đã giảm so với trước đây.

Cụ thể, tổng diện tích trồng mía toàn quốc năm 2019 là gần 233.400 ha, giảm hơn 13% so với năm 2018. Năng suất mía bình quân toàn quốc năm 2019 đạt 65,4 tấn/ha, giảm 1,4% so với năm 2018. Kết quả là sản lượng mía năm 2019 chỉ đạt gần 15,27 triệu tấn, giảm 14,4% so với năm 2018.

Sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến trong niên vụ 2019/2020 cũng chỉ đạt hơn 7,66 triệu tấn. Con số này thấp so với kế hoạch dự kiến đầu vụ của các nhà máy đường là hơn 9,75 triệu tấn.

Năm 2019-2020 cũng là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999-2000). Dẫn đến số lượng nhà máy có đủ nguyên liệu để hoạt động thấp nhất, chỉ còn 29 nhà máy đường.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   TPHCM   Việt Nam   doanh nghiệp   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...