17/01/2021 8:45  

Trong một bản báo cáo vừa được Facebook công bố tại Việt Nam, tập đoàn này dự báo có 3 xu hướng về mạng xã hội sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021.

Theo đó xu hướng đầu tiên là thiết bị di động và video dạng ngắn sẽ ngày càng phổ biến, quen thuộc hơn với người tiêu dùng. Xu hướng thứ 2 là thương mại sẽ gắn liền với nhu cầu khám phá. Xu hướng thứ 3 ứng dụng nhắn tin sẽ trở thành công cụ quan trọng trong sự kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời, thương mại xuyên biên giới sẽ tiếp tục mở rộng.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn, khách hàng ngày càng đặt nhiều kỳ vọng hơn vào các trải nghiệm đối với doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp hiện nay đang đứng trước cơ hội trở thành động lực phục hồi kinh tế trong thời gian sắp tới.

Đối với xu hướng bùng nổ di động và video dạng ngắn dự báo về sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai của mua sắm trực tuyến kiểu mới. Theo đó mua sắm sẽ kết hợp giữa giải trí và bán hàng, những nhà sáng tạo nội dung sẽ tạo ra các video giải trí để doanh nghiệp lồng ghép quảng cáo các sản phẩm vào trong đó. Những doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng di động để tạo video biểu diễn tính năng của sản phẩm để giới thiệu tới khách hàng có khả năng tạo ra doanh số cao hơn doanh nghiệp khác. Ví dụ, một nhà môi giới ngoại hối trực tuyến gửi các liên kết video biểu diễn ứng dụng giao dịch di động mới của mình thì sẽ có khả năng giành được nhiều khách hàng hơn.

Livestream, hình thức phát sóng trực tiếp không còn xa lạ khi hơn một năm trở lại đây được sử dụng như một công cụ tất yếu trong việc tiếp thị (marketing) sản phẩm, bởi thế mạnh tương tác cao và kết hợp nhiều yếu tố giải trí cùng lúc. Không chỉ các nhà bán hàng nhỏ, các thương hiệu sử dụng hình thức này như một công cụ cho các chương trình marketing mà các sàn thương mại điện tử cũng dày công đầu tư và phát triển nền tảng

Đối với xu hướng thương mại sẽ gắn liền với nhu cầu khám phá, doanh nghiệp cần xác định lại các kênh và nền tảng mà mình muốn sử dụng khi kinh doanh và đưa vào sử dụng các công cụ giúp khách hàng khám phá sản phẩm và mua sắm dễ dàng hơn.

Những phương pháp khác có thể kể đến như đưa khách hàng trải nghiệm, khám phá cửa hàng thông qua video 360 độ hay thử sản phẩm tại nhà sử dụng bộ lọc AR (ví dụ như sử dụng kính thực tế ảo để giúp khách thử màu son) thay cho việc phải đến tận cửa hàng để xem sản phẩm. Hoặc sử dụng quảng cáo có thể tương tác được để khách hàng tiếp cận sản phẩm theo cách thú vị hơn (ví dụ như lái thử xe thông qua ứng dụng trên smartphone).

Khi xu hướng trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp qua ứng dụng nhắn tin sẽ trở thành công cụ quan trọng và thương mại xuyên biên giới sẽ tiếp tục mở rộng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần thiết lập các kênh nhắn tin để trò chuyện với khách hàng về sản phẩm, các vấn đề liên quan đến vận chuyển và những câu hỏi thường gặp.

Ngành thương mại đang trong quá trình số hóa mạnh mẽ, tăng thêm cơ hội cho các hoạt động xuyên biên giới. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kết nối trên diện rộng, tập trung vào những điểm mấu chốt trong trải nghiệm khách hàng. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị thật kỹ cũng như thường xuyên cập nhật thông tin và kết nối với các bên cung ứng dịch vụ hỗ trợ để tháo gỡ những rào cản cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, cần tập trung các nguồn lực để hướng đến kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới để tiếp tục phát triển, theo kịp xu thế thương mại xuyên biên giới.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, bán hàng xuyên biên giới. Thương mại điện tử xuyên biên giới là kênh hữu hiệu, cơ hội cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.

 

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Kinh tế   Việt Nam   Xu hướng   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...