07/11/2020 8:10  
"Trong mơ cũng không nghĩ có thời điểm du lịch Hà Nội vắng vẻ như những tháng đầu năm 2020 và kéo dài đến tận bây giờ khiến thu nhập của chúng tôi chỉ còn 1/3 - 1/4", một lái xe ôm phố cổ chia sẻ.

Dịch Covid-19 đã "giáng một đòn chí mạng" đến ngành du lịch của Việt Nam. Dịch bệnh không chỉ khiến doanh nghiệp điêu đứng mà còn tác động đến cả nhóm lao động mưu sinh nhờ phố cổ hàng chục năm qua: từ bà cụ bán trà đá, hàng ăn tới người đạp xích lô, lái xe ôm...

Xe ôm, xích lô... nhờ thời kiếm tiền triệu mỗi ngày

Nói về thời điểm trước dịch Covid-19, nhiều người lao động mưu sinh ở phố cổ Hà Nội coi đó như "thời hoàng kim", khác xa với "bức tranh du lịch ảm đạm" hiện tại. Họ - những người chạy xích lô, lái xe ôm, người bán quầy hàng lưu niệm nho nhỏ, bán quán trà đá vỉa hè, hay cả người trông xe... cũng có thể kiếm trên dưới 20 triệu/tháng, thậm chí là gấp đôi như thế.

Dừng chân ở khu vực ven hồ Hoàn Kiếm, PV có cuộc trò chuyện với ông T.X.V, một người có thâm niên gần 15 năm đạp xích lô chở khách trên phố cổ Hà Nội. Người đàn ông gần 50 tuổi làn da đen sạm, nhưng nhìn rắn rỏi, trẻ khỏe hơn nhiều so với tầm tuổi đó.

Ông rít điếu thuốc lào rồi thở dài: Trước lúc dịch Covid-19 bùng phát, có những tháng cao điểm, chạy xích lô cả ngày đến 1 - 2 giờ đêm, kiếm gần cây vàng/ tháng. Nhưng từ khi dịch tới, tháng nào cũng "đói", ế cả ngày không có khách. Ông cũng chẳng thiết tha sửa sang, thay dầu thay lốp cho chiếc xích lô.

"Chúng tôi đạp xích lô sống bằng nguồn khách nước ngoài là chủ yếu. Đưa họ đi ngắm phố cổ, rồi ra tận Lăng Bác, hồ Tây,... họ khoái lắm. Niềm nở với họ, phục vụ nhiệt tình, họ sẵn sàng trả và thưởng cho 20 - 30 đô/chuyến. Tầm này mọi năm, khách đông, có ngày tôi kiếm 1,5 triệu đấy", ông V kể.

"Nhưng giờ thì đói dài rồi, làm gì còn khách Tây. Ai may lắm thì có đôi ba khách Việt, túc tắc kiếm 50 - 100 ngàn đồng/ ngày, còn không thì trắng tay. Bao người bỏ nghề về quê hết rồi".

Cùng làm nghề đạp xích lô, ông N.M.H cũng rơi vào cảnh ế khách dài ngày như  ông V.

"Không đạp xích lô thì cũng không biết làm gì khác, vì cả chục năm nay tôi theo nghề đạp xích lô rồi. Tiền chạy xe cả tháng không đủ trả tiền ở trọ trong khi trước kia tháng nào cũng tích cóp gửi về nhà gần chục triệu cho con cái ăn học", ông H bảo.

"Ế khách là điều dễ hiểu khi khách nước ngoài hầu như không có. Khách trong nước thì ít, mà anh em chạy xích lô thì đông nên nhiều khi chậm chân là họ gọi xe khác ngay. Rảnh quá cứ ngồi lau chùi xe thế chứ không thì giờ chắc bám bụi mấy phân vì không ai đi rồi", ông H nói.

Anh H.T.L - tài xế xe ôm khu vực phố cổ cũng đang trong thời điểm lao đao vì dịch. Anh đang tính đến chuyện bỏ về quê làm ruộng, nuôi gà chứ khó lòng bám trụ lại Hà Nội. Trước đây, anh chạy xe ôm nhưng "học lỏm" được chút tiếng anh bồi nên trở thành "xe ôm giá cao" ở phố cổ. Anh dễ dàng tiếp cận với những vị khách quốc tế, trò chuyện và giới thiệu những địa chỉ họ thích thú. 

"Tôi vừa chở khách vừa giới thiệu họ về các địa điểm. Dù bập bẹ thôi nhưng họ cũng hiểu sơ qua và thường khen tôi vui tính, dễ chịu. Tôi bắt đầu đón khách từ khoảng 9h sáng rồi chạy đến 11-12h đêm, cuối tuần thì có khi đến 2-3h sáng luôn. Lúc ấy kiếm cả triệu/ngày đấy chứ không ít đâu", anh L. kể.

"Bây giờ thì ngồi chờ mãi không có bóng khách du lịch, tôi bắt đầu chuyển đứng đợi khách ở bến xe, bệnh viện hy vọng có đồng trang trải qua ngày. Nhưng khó lắm", anh nói thêm.

Phố cổ không còn dễ "hái" ra "đô"?

Chị Bình (quê Nam Định) - một người chuyên bán đồ ăn vặt như bánh mỳ, trứng rán ngải cứu... trên phố cổ cũng không khá hơn những người chạy xích lô là bao nhiêu. Trước đây, góc vỉa hè này giúp chị kiếm 500 - 600 ngàn/ngày nhờ bán cho người lao động, nhân viên các cửa hàng, khách sạn hay khách du lịch.

Nhưng giờ, cửa hàng, khách sạn thì đóng cửa; người lao động như lái xe ôm, chạy xích lô,... đều khó khăn nên họ chẳng mặn mà ngồi ăn bánh mì, uống trà đá như trước. 

"Hiện thì túc tắc bán cho có đồng ra đồng vào chứ không đủ nuôi con học đại học nữa rồi. Chán lắm. Đầy hôm ế bánh mì", chị Bình kể.

So với những người lao động như lái xe ôm, chạy xích lô,... bà T là "tầng lớp khá giả" hơn. Bà có một cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm nằm trên tuyến phố gần như đắt đỏ nhất Thủ Đô. Dù cửa hàng ấy chỉ vỏn vẹn chưa đến chục m2 nhưng trước đây, mỗi tháng bà cũng kiếm đôi ba chục triệu.

"Năm nay buôn bán chỉ đủ chi phí ăn uống chứ không có dư như mọi năm. Biết là khó khăn nhưng tôi cứ phải duy trì mở bán, có đồng nào hay đồng ấy vì cho thuê cũng không ai thuê đâu. Thậm chí còn phải rút tiền tiết kiệm ra trang trải. Hàng hóa bụi mù ra kia kìa, nhiều thứ hỏng hóc rồi ấy chứ", bà bảo.

Ngành du lịch ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19 đã khiến khó khăn bủa vây những người lao động vốn sống và bám trụ vào khách du lịch. Phố cổ Hà Nội hiện tại không còn là "mảnh đất vàng" để người lao động kiếm ăn như trước đây.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/10 cho biết, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 10/2020 ước tính tăng 7,6% so với tháng trước nhưng giảm 99,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng của năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 3,8 triệu lượt người, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước. Những số liệu này cho thấy, người lao động ở phố cổ sẽ tiếp tục trải qua "thời kì ảm đạm". 

Toàn Vũ

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   Tổng cục   Việt Nam   doanh nghiệp   du lịch   khách Tây  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...