15/10/2020 17:30  
Dù phía EU đã lên sẵn danh sách các mặt hàng quan trọng sẽ đánh thuế, nhưng nhiều khả năng sẽ chưa vội "khai hoả" cho đến sau ngày 3/11/2020 - khi bầu cử Mỹ đã kết thúc.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 13/10/2020 vừa giành được quyền áp thuế trên 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ, để đáp trả khoản trợ cấp mà hãng sản xuất máy bay Boeing nhận được từ Washington. Quyết định này được đưa ra 1 năm sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép Mỹ đánh thuế trả đũa EU vào ngày 2/10/2019.

Cụ thể, tòa trọng tài WTO khi đó đã ra phán quyết Mỹ chịu thiệt hại tương đương 7,5 tỷ USD/năm từ các khoản cho vay ưu đãi của Chính phủ các nước châu Âu dành cho máy bay A350, A380 của Airbus; và đã cho phép nền kinh tế số một thế giới áp mức thuế lên đến 25% trên một loạt sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của EU, cũng như mức thuế 10% đối với máy bay dân dụng cỡ lớn.

Theo báo cáo của tổ trọng tài WTO, con số 4 tỷ USD nói trên "tương xứng với mức độ và bản chất của các tác động tiêu cực" đến từ các khoản trợ cấp trái phép mà Mỹ dành cho Boeing. Được biết, đây là diễn biến mới nhất trong khuôn khổ cuộc tranh chấp đã kéo dài 15 năm qua giữa Mỹ - EU về việc trợ cấp cho hai nhà sản xuất máy bay là Boeing và Airbus.

Thêm vào đó, diễn biến mới nhất này từ phía WTO và EU được xem là động thái có nguy cơ đẩy căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương leo thang, khi chỉ còn 3 tuần nữa là bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Cần biết rằng, cả Mỹ và EU đều bày tỏ sự quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp giữa 2 bên, song đều cáo buộc đối phương từ chối nói chuyện nghiêm túc.

Thời gian qua, tranh chấp Airbus - Boeing là một trong các mặt trận của thương chiến giữa Mỹ và EU. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng "dọa" các nhà sản xuất ô tô và chính phủ các nước EU rằng, sẽ đưa ra các mức thuế trừng phạt mới để đáp trả sắc lệnh thuế về kỹ thuật số do EU đề xuất. 

Hơn nữa, động thái áp thuế của EU xuất hiện trong bối cảnh ngành hàng không thế giới cũng như sản xuất máy bay đang "kiệt sức" do bão Covid-19, và Boeing vẫn còn đang trên đường hồi phục sau ảnh hưởng của 2 vụ tai nạn chết người ở dòng máy bay 737 MAX, nên dễ hiểu tại sao đây lại được xem là động thái có thể làm trầm trọng quan hệ thương mại Mỹ - EU.

Tuy nhiên, nếu lật lại vấn đề, thì đây rốt cục có thể sẽ là sự kiện dẫn đến việc Mỹ và EU cùng ngồi xuống thảo luận để giải quyết hoàn toàn các tranh chấp trong hơn 1 thập niên qua. Dẫn nguồn tin từ 3 quan chức thuộc EU, hãng tin Blomberg cho biết, dù phía EU đã lên sẵn danh sách các mặt hàng quan trọng sẽ đánh thuế, nhưng nhiều khả năng sẽ chưa vội "khai hoả" cho đến sau ngày 3/11/2020 - khi bầu cử Mỹ đã kết thúc.

Được biết, các mặt hàng Mỹ có nguy cơ bị EU áp thuế, từ máy bay, than, nông - hải sản, đều thuộc những ngành công nghiệp quan trọng đối với ông Trump và thành viên Đảng Cộng hoà. Bằng cách chờ đợi, qua đó phát đi tín hiệu "tạm đình chiến", EU có thể sử dụng điều này để tạo lợi thế, nhằm kêu gọi Mỹ gỡ bỏ mức thuế đã áp lên khối này trước đó.

Bản thân Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cũng kêu gọi Mỹ "đình chiến" ngay sau thông báo "bật đèn xanh" của WTO. "Tôi đã nói rõ, là tôi ưu tiên một sự dàn xếp qua đàm phán với Mỹ hơn, tránh các biện pháp đáp trả nguy hại", ông Dombrovskis nói.

Hơn nữa, trong khi chờ đợi, EU sẽ có thời gian cân nhắc, xem liệu các cuộc thảo luận có thể diễn ra tốt hơn hay không trong trường hợp cựu Phó tổng thống Joe Biden thắng cử. Dù vậy, một số thành viên EU đã lên tiếng kêu gọi khối này hãy áp thuế lên hàng Mỹ ngay lập tức nếu Washington không rút lại các khoản thuế trả đũa.

Bản thân Ủy ban châu Âu (EC) cũng tuyên bố, họ thích đàm phán để đi đến một giải pháp, nhưng cũng hoàn toàn có thể áp thuế mà không cần bất kỳ cuộc thỏa thuận nào. Ông Dombrovskis cũng "doạ" rằng, EU sẽ buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và phản ứng theo cách tương xứng và có thể áp thuế trả đũa Washington từ ngày 27/10 - một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Về phía Mỹ, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer sau phán quyết từ WTO cho biết EU không có cơ sở pháp lý để áp thuế lên hàng hóa Mỹ; tuy nhiên, ông cũng nói sẽ tăng cường đàm phán với Brussels để khôi phục sự cạnh tranh công bằng và giải quyết vấn đề này. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


A380   Airbus   Chính phủ   Covid   Covid-19   Donald Trump   Joe Biden   Trump   Tổng thống   căng thẳng   dịch vụ   hành vi   sản xuất   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...