18/01/2021 17:45  
Html">

Hôm 18-1, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), cho biết trong quí 4, GDP Trung Quốc tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,3%. Mức tăng trưởng này tốt hơn mức tăng 1,9% theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Mức tăng trưởng cao trong quí cuối năm 2020 giúp nền kinh tế lớn thứ hai trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước khi đại dịch ập đến cách đây một năm. Sau khi cảm nhận được mức độ nghiên trọng của dịch bệnh, Trung Quốc đã triển khai lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc, khiến các hoạt động kinh tế gần như tê liệt trong nhiều tháng, kéo GDP suy giảm đến 6,8% trong quí 1. Nhưng sau đó, Trung Quốc đã gặt hái thành quả của nỗ lực khống chế dịch bệnh.

Không giống như cách làm của phương Tây bao gồm Mỹ, nơi chính phủ trung các nỗ lực kích thích bằng cách hạ lãi suất và phát tiền mặt cho người dân, Bắc Kinh tập trung tái khởi động các nhà máy, thúc đẩy chi tiêu cho các dự án hạ tầng, trong khi vẫn duy trì lãi suất ở mức tương đối cao.

Các nhà máy ở Trung Quốc bắt đầu vận hành trở lại vào tháng 4 giữa lúc hoạt động sản xuất của hầu hết các nước còn lại trên toàn cầu đều bị kìm hãm nghiêm trọng do dịch Covid-19 lan ra toàn thế giới với tốc độ nhanh chóng.

Điều này cho phép Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu thiết bị y tế và các thiết bị điện tử hỗ trợ làm việc tại nhà như máy tính và laptop với số lượng lớn.

Frederic Neumann, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á ở Ngân hàng HSBC, nhận xét: “Bằng cách phong tỏa và tái mở cửa sớm hơn các nước khác, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng trong khi phần lớn thế giới vẫn xoay sở cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân”.

Điểm sáng trong năm qua là thương mại của Trung Quốc với thế giới tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2020 tăng 3,6% so với năm 2019. Thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức kỷ lục 535 tỉ đô la Mỹ, tăng 27% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục ảm đạm vì người dân thắt chặt chi tiêu vì lo ngại dịch Covid-19 tái trỗi dậy. Đến tháng 8, doanh số bán lẻ của Trung Quốc mới phục hồi về mức trước đại dịch nhưng chỉ đóng góp ở mức tương đối yếu cho nền kinh tế tổng thể khi các ổ dịch vẫn thỉnh thoảng bùng lên. Trong năm 2020, tiêu dùng đóng góp 54,3% GDP Trung Quốc, thấp hơn mức 57,8% trong năm 2019.

Trong tháng 12, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 4,6% so với mức tăng 5% trong tháng 11. Tính cả năm 2020, doanh số bán lẻ ở nước đông dân nhất thế giới suy giảm 3,9%. Ning Jizhe, người phát ngôn NBS, cho rằng doanh số bán lẻ tăng trưởng yếu hơn trong tháng trước do dịch Covid-19 tái trỗi dậy ở một số nơi.

Trong thời gian gần đây, làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện ở phía bắc Trung Quốc, tập trung ở tỉnh Hà Bắc, buộc giới chức trách phải phong tỏa nhiều thành phố. Làn sóng lây nhiễm lần này đang đe dọa triển vọng phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán vào tháng sau. Dù vậy, ông Ning Jizhe tin tưởng rằng làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ sớm được kiểm soát và người dân sẽ tăng chi tiêu trở lại trong năm 2021.

Bruce Pang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược ở Công ty China Renaissance, dự báo doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm 2021, với mức tăng hơn 10% so với các mức thấp trong năm ngoái, một phần là vì người tiêu dùng bắt đầu sử dụng khoản tiền tiết kiệm trong năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% hoặc hơn trong năm 2021, trong khi đó, những nền kinh tế khác trên thế giới chỉ nỗ lực lấy lại mất mát vào năm ngoái. Xing Zhaopeng, nhà kinh tế ở Ngân hàng ANZ, nhận định đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra mà không cần thêm các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ.

Ông nói: “Với mức tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng trong quí 4-2020, Trung Quốc sẽ dừng chính sách kích thích sớm hơn dự kiến”. Ông cho biết các chính quyền địa phương ở Trung Quốc vẫn còn số tiền kích thích chưa dùng, khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ (308 tỉ đô la Mỹ). Vì vậy, ông dự báo Bắc Kinh có thể hạn chế các chính quyền địa phương vay nợ thêm trong năm nay.

Theo WSJ, CNN

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Trung Quốc   chiến lược   laptop   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...