09/10/2020 10:30  
Tư tưởng về kinh thương của danh nhân Lương Văn Can từ hơn thế kỷ trước, nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam và tư duy kinh doanh của thời đại.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, ông Lương Tiến - hậu duệ đời thứ 4 của cố danh nhân Lương Văn Can là vị khách mời đặc biệt, đã kể lại cuộc đời của vị danh nhân nổi tiếng Việt Nam.

Ông cho biết, danh nhân Lương Văn Can hiệu là Ôn Như (1854 - 1927) sinh ra trong một gia đình nghèo, mấy đời mưu sinh bằng nghề nông và nghề tiện gỗ ở làng nghề thủ công truyền thống xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thời điểm đó, nước ta đang chìm trong đêm dài nô lệ, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vô cùng lạc hậu. 

Cụ Can sinh thời là một nhà Nho với quan niệm: Nhất sĩ nhì nông, công thương, không có địa vị gì trong xã hội, thậm chí còn bị coi khinh. Nhưng với tinh thần yêu nước thương dân, lại được đọc sách của các nước tiến bộ thời đó như Nhật Bản, Trung Hoa và các nước châu Âu nên Cụ sớm hiểu ra và là một trong những người đi đầu trong việc cải cách xã hội. Cụ đã cùng các đồng chí kêu gọi phát triển công thương, đồng thời mở ra nhiều doanh nghiệp để phát triển kinh tế đất nước.

Khi bị đàn áp, cụ bị đày đi Nam Vang nhưng cụ lại tiếp tục mở ra con đường buôn bán nối liền giữa Hà Nội và Nam Vang. Chính những cửa hàng buôn bán này của cụ là nguồn cung cấp tài chính cho các chốt cách mạng hoạt động bí mật.  Ngoài ra cụ còn viết sách để hướng dẫn kinh doanh. Cuốn “Thương học phương châm" và “Kim cổ cách ngôn” ra đời trong thời gian này đã được các học giả đánh giá rất cao.

“Thời kỳ ấy, với vô vàn khó khăn nhưng nhờ vào lòng yêu nước, mong muốn đất nước hưng thịnh, cuộc sống nhân dân ấm no nên danh nhân Lương Văn Can đã làm nên những thành tựu to lớn, góp phần tạo nên chiến thắng cho Cách mạng tháng 8 và các cuộc cách mạng sau này”, hậu duệ đời thứ 4 tự hào kể.

Chia sẻ thêm về cố danh nhân Lương Văn Can, ông Trần Hoàng - Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Doanh Nhân Sài Gòn nói, Cụ là người thầy đầu tiên của doanh nhân Việt Nam, đã xây dựng một đội ngũ nhà buôn có đủ thương đức, thương tài để cạnh tranh với giới tư bản thế giới. Cụ đã dạy, làm kinh doanh là tạo ta lợi nhuận nhưng không đi ngược với lợi ích cộng đồng. Cho dù ở thời gian nào thì sự gian dối và lừa lọc trong kinh doanh sớm muộn cũng sẽ bị tẩy chay và loại khỏi thương trường.

“Tư tưởng về kinh thương ấy của Danh nhân Lương Văn Can từ một thế kỷ trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam cũng như tư duy kinh doanh của thời đại”, ông Hoàng nói.

Nhìn lại cuộc đời của cụ Lương Văn Can, chúng ta có thể thấy đó là một minh chứng sống động cho triết lý các nhà buôn cần biết dùng đồng tiền đã kiếm được để phục vụ xã hội. Bên cạnh lợi nhuận kinh doanh, mức đóng góp cho ngân sách, quy mô của doanh nghiệp còn được tính trên công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, dùng lợi nhuận kinh doanh tái đầu tư cho xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng.

Soi vào những vụ việc của một số doanh nghiệp gần đây chúng ta càng thấm thía giá trị thời đại tư tưởng đạo đức kinh doanh của cụ. Bài học rút ra với những thương hiệu mạnh nhưng lại sụp đổ nhanh chóng khi bị phát hiện sự gian dối, không rõ ràng trong kinh doanh.

Ngược lại, có nhiều thương hiệu chưa phổ biến tới công chúng nhưng khi họ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phục vụ xã hội, dù là lợi ích tức thời, mang tính thời điểm thì ngay lập tức tạo ra tiếng vang, được xã hội tích cực đón nhận, thậm chí được truyền thông quốc tế ca ngợi. Giai đoạn cả nước bước vào cuộc chiến cam go phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, có nhiều doanh nghiệp Việt đã làm được kỳ tích như vậy.

Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Doanh nhân Sài Gòn cũng mong muốn thông qua sự kiện Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020 sẽ cùng lan tỏa đạo đức, triết lý kinh doanh Lương Văn Can. Đồng thời vận dụng tư tưởng kinh doanh của Cụ trong điều kiện thực tiễn, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần cho cộng đồng ngày một nhiều hơn, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Bài học   Covid   Covid-19   Doanh Nhân   Hà Nội   Nhật Bản   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...