15/01/2021 16:20  
Cổ phiếu ngân hàng bứt phá mạnh tạo bệ đỡ giúp thị trường có thêm một phiên tăng điểm khá tốt.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/1, VN-Index tăng 6,8 điểm lên hơn 1.194 điểm; HNX-Index tăng 3,2 điểm lên 225,47 điểm. Upcom-Index tăng 0,89 điểm lên mốc 78,64 điểm.

Thanh khoản vẫn tiếp tục ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 22,7 nghìn tỷ đồng, tương đương với hơn 1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Tại nhóm VN30, ROS tăng mạnh mẽ suốt tuần qua đẩy giá lên gần gấp đôi; SSI tiếp tục xác lập mức giá kỷ lục từ trước đến nay; VHM bất ngờ tăng 2% khiến các chỉ số chứng quyền đều tăng mạnh mẽ; VNM chốt phiên chỉ tăng 0,7% nhưng trong phiên đã phát đi tín hiệu tăng mạnh khiến các chứng quyền "bám" theo như CVNM2011, CVNM2007, CVNM2016... đều tăng trên dưới 20%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bứt phá mạnh mẽ khi thông tin kết quả kinh doanh lộ diện. Đa phần các ngân hàng năm nay ghi nhận lãi cao và phiên hôm nay, NVB, STB, ABB, BAB, HDB, LPB, TCB... đều tăng giá mạnh. 

Ở chiều ngược lại, SAB, NVL và VCB là những mã tác động mạnh mẽ nhất tới thị trường khi lấy đi của VN-Index lần lượt 0,75; 0,68 và 0,68 điểm.

Trong phiên hôm nay, bộ đôi cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là VHM và VIC cùng góp mặt trong top 3 những cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường. Trong đó, VHM tăng 2.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 2,01%) lên mốc 101.600 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên cũng có hơn 2 triệu cổ phiếu VHM được khớp lệnh.

Tương tự, VIC chốt phiên cũng tăng 800 đồng/cổ phiếu lên mốc 111.200 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có hơn 1,2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Cả 2 cổ phiếu của ông Vượng đều tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay. VHM có đà tăng khá tốt với mức tăng cao tới 12,52% giá trị (tương đương 12.100 đồng/cổ phiếu). Còn VIC cũng tăng tới 3.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 2,77%).

Liên quan đến mã cổ phiếu này, mới đây, Tập đoàn Vingroup - CTCP đã công bố thông tin đã mua lại 1.300 tỷ đồng trái phiếu trong tổng 1.950 tỷ đồng của lô trái phiếu phát hành ngày 19/2/2016.

Lô trái phiếu 1.950 tỷ đồng này có kì hạn 5 năm, đáo hạn ngày 19/2 tới đây. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, tại ngày 30/9/2020, Vingroup có tổng cộng 138.193 tỷ đồng nợ đi vay. Trong đó, dư nợ trái phiếu hết quý III là gần 57.924 tỷ đồng với 19.409 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả.

Gần 51.335 tỷ đồng trái phiếu trong số đó do Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương là đơn vị tư vấn phát hành và có kỳ hạn từ 2 - 10 năm. Lãi suất của số trái phiếu này bằng lãi suất huy động tiết kiệm trung bình kỳ hạn 12 tháng trả sau bằng VND cộng với biên độ 2,9% - 4,5%/năm hoặc lãi suất cố định từ 7,75% - 8,5%/năm. 

Bên cạnh đó, Vingroup còn có khoản vay 450 triệu USD trái phiếu hoán đổi, phát hành hai đợt vào tháng 6 và tháng 10/2018 với kì hạn 5 năm. Trái phiếu này không có tài sản đảm bảo và lãi suất cố định là 3,5%/năm. Báo cáo tài chính quý III/2020 thuyết minh một phần gốc trái phiếu đã được thanh toán với giá trị 209,4 triệu USD trong quý này. 

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Lãi suất   ROS   Tập đoàn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...