16/01/2021 14:20  
Trong cung, hộ giáp được nâng tầm và gắn liền với thứ bậc của phi tần mỹ nữ. Nó không chỉ là món đồ bảo vệ móng đơn thuần mà còn là dấu hiệu phân cấp địa vị, quyền lực.

Nhẫn móng tay còn được gọi là "móng tay giả" hay "hộ giáp", đã xuất hiện rất lâu, từ tận thời Chiến quốc. Nguyên nhân là người Trung Quốc xưa quan niệm rằng tóc, móng tay là của cha mẹ sinh ra, vì vậy tránh cắt đi mà cứ để chúng mọc dài tự nhiên. Hộ giáp được chế tạo với mục đích đơn thuần ban đầu là bảo vệ phần móng tay dài.

Lâu dần thành thói quen, hộ giáp đã trở thành thứ phụ kiện biểu trưng cho vẻ đẹp và quyền lực của các bậc cao cao tại thượng, là phục sức không thể thiếu của phái nữ.

Tiêu chuẩn vẻ đẹp của thời đó chính là những ngón tay thon dài. Dù là nam hay nữ, chỉ cần có địa vị cao trong xã hội, họ sẽ để móng tay rất dài.

Điều này thể hiện sự quyền quý của chủ nhân, bởi họ không cần động chân tay vào bất cứ việc gì vì đã có rất nhiều gia nhân xung quanh hầu hạ. Bộ hộ giáp càng tinh xảo và quý giá, càng thể hiện được vị trí của người đeo.

Theo ghi chép trong cuốn "Hán phi tử", ngay từ thời Xuân Thu (Xuân Thu là tên gọi một giai đoạn lịch sử từ năm 771-476 TCN trong lịch sử Trung Quốc), một số phụ nữ Trung Quốc đã có thói quen nuôi móng tay dài. Nhưng phải đến triều đại nhà Thanh, việc này mới phát triển thành trào lưu của phụ nữ, đặc biệt là nữ quyến Hoàng tộc và những gia đình giàu sang, quyền quý.

Thậm chí, trong cung, hộ giáp lại được nâng tầm và gắn liền với thứ bậc của phi tần mỹ nữ. Nó không còn món đồ bảo vệ móng đơn thuần mà là dấu hiệu phân cấp địa vị, quyền lực. 

Hoàng hậu, quý phi dùng hộ giáp bằng vàng, bạc, ngọc trai, mai rùa,... Các phi tần thứ bậc thấp thì dùng hộ giáp bằng đồng, ngà, men sứ... Họa tiết chạm khắc trên hộ giáp cũng vô cùng tinh xảo, hoàng hậu chạm khắc hình phượng hoàng. Hộ giáp của Thái hậu lại khắc hình chữ "vạn", chữ "thọ". Một số hộ giáp còn có thể uốn cong theo khớp ngón tay.

Trong số những nữ nhân Hoàng tộc triều Thanh, Từ Hi Thái hậu được cho là người chăm sóc móng tay cầu kỳ nhất, đồng thời cũng là người sở hữu nhiều chiếc móng giả độc đáo và quý giá nhất.

Theo một số nguồn tin, móng tay ngón áp út và ngón út của Từ Hi Thái hậu có khi được nuôi dài tới 7-8 thốn (một trong những đơn vị đo chiều dài của người Trung Quốc), tính ra dài khoảng 23,3-26,7cm. Bộ móng của bà được ngâm nước ấm, làm sạch và tỉa tót mỗi ngày bởi những người chuyên trách.

Dù vậy, khi về già, móng tay dĩ nhiên "héo úa", xỉn màu. Ban đầu Từ Hy trách tội hạ nhân đã lơ là trách nhiệm. Nhưng cuối cùng bà nhận ra không thể chống lại quy luật tất yếu của thời gian. Lúc này Từ Hi Thái hậu mới chịu cắt móng tay thường xuyên.

Bộ sưu tập móng giả của Từ Hi Thái hậu vô cùng đa dạng, mỗi chiếc trong đó đều không giống nhau, được chế tạo hết sức tinh xảo và toát lên sự xa hoa với đủ loại chất liệu từ vàng, mã não, trân châu cho đến các loại ngọc ngà châu báu quý hiếm.

Theo tự truyện của một cung nữ từng theo hầu hạ bà tiết lộ, Từ Hi ngày đeo hộ giáp vàng ở bàn tay phải, hộ giáp ngọc trai ở tay trái. Đêm ngủ thay bằng loại hộ giáp "ít lấp lánh" hơn. Từ Hi bảo vệ hộ giáp cũng vô cùng cẩn thận. Mỗi ngày đều sai cung nữ rửa bằng nước nóng, sau đó dùng nước bóng từ Pháp đánh lên. 

Nắm được vai trò của hộ giáp từ thực tế, các nhà làm phim đã khéo léo đưa chúng lên màn ảnh nhỏ. Mục đích vừa thể hiện hình ảnh đặc trưng của triều nhà Thanh, lại vừa tăng độ ấn tượng nơi bàn tay của các vị nương nương. 

Ví dụ như trong Diên Hi Công Lược, những lần hành lễ "đỏng đảnh" của Cao Quý phi, cái nhịp tay tính toán mưa kế của Nhàn Phi... đều là những chi tiết nhỏ nhưng phô bày độ sắc sảo của phục sức, giúp khắc họa tính cách nhân vật.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Trung Quốc   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...