30/11/2020 20:35  
- Ngày 30/11 sẽ là một ngày đáng nhớ đối với những người yêu mến thiên văn học khi được quan sát hai hiện tượng kỳ thú trên bầu trời. 

Theo Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội HAS, vào ngày 30/11 sẽ diễn ra lần nguyệt thực cuối cùng trong năm 2020. Bên cạnh đó, hiện tượng 'Trăng băng giá' cũng sẽ xuất hiện cùng ngày mà hội những người mến mộ thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng, theo Lonely Planet. Theo Telegraph, mỗi một đợt chu kỳ trăng tròn đều được đặt tên riêng theo đặc điểm của từng tháng. Và đợt trăng tròn tháng 11 này có tên Frosty Moon hay “trăng sương giá”. Sở dĩ có tên như vậy là bởi đây cũng là thời điểm mà mùa đông lạnh giá bắt đầu gõ cửa ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện tượng “trăng sương giá” xảy ra sau mỗi 29,5 ngày khi mặt trăng nằm đối diện với mặt trời nếu nhìn từ Trái Đất. Phần mặt trăng hướng về phía Trái Đất sẽ phản xạ tối đa ánh mặt trời và được chiếu sáng toàn bộ. Năm nay, “trăng sương giá” sẽ xuất hiện trong ngày 30/11, vào khoảng 16h30 (giờ Việt Nam) Hiện tượng 'Trăng băng giá' còn được các bộ lạc người Mỹ bản địa xưa kia gọi là trăng Hải Ly (Beaver Moon), vì đây là thời điểm thích hợp để đặt bẫy hải ly trước khi đầm lầy và sông đóng băng. Hiện tượng này còn được gọi là Trăng của thợ săn (Hunter’s Moon), trăng Sồi (Oak Moon),... Cũng trong ngày 30/11, hiện tượng nguyệt thực nửa tối sẽ xuất hiện. Đối với sự kiện thiên văn này, người quan sát chỉ có thể thấy bề mặt mặt trăng tối dần đi chứ không bị che khuất hoàn toàn bởi bóng tối giống như nguyệt thực toàn phần. Những khu vực lý tưởng để theo dõi nguyệt thực nửa tối gồm có hầu hết Bắc Mỹ, Thái Bình Dương và Đông Bắc Á. Tại Việt Nam cũng có thể theo quan sát được phần nào hiện tượng thiên văn học này. Theo đó, nguyệt thực nửa tối sẽ dần bắt đầu từ khoảng 14h30 (giờ Việt Nam) và đạt cực đại vào 16h42. Song thời điểm này mặt trăng chưa mọc ở Việt Nam nên mọi người chưa thể thấy được. Vì Mặt Trăng không đi sâu vào bóng đen của Trái Đất vì thế Mặt Trăng sẽ không tối và đỏ sẫm như nguyệt thực toàn phần hay một phần, mà chỉ chuyển sang màu đỏ đậm hơn và tối hơn bình thường một chút. Tuy nhiên, đây vẫn là hiện tượng đáng quan sát. Lý do là vì không phải lúc nào những người yêu thiên văn ở nước ta cũng có cơ hội quan sát được hiện tượng này. Khác với nhật thực có thể gây hại cho mắt nếu không quan sát đúng cách, nguyệt thực an toàn nên không cần chuẩn bị gì cả. Người yêu thiên văn có thể nhìn thẳng bằng mắt thường trong suốt quá trình hiện tượng diễn ra.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Hà Nội   Mặt Trăng   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...