13/01/2021 16:25  
Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Nhật Cường Mobile, đang bỏ trốn nên được tách riêng trong vụ án khác.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 15 bị can liên quan vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).

Vụ án Nhật Cường cùng với 4 đại án khác vào cuối năm 2020 được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu kết thúc điều tra trong năm 2020, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân.

Trong 15 bị can, Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường và Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường, bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

13 người còn lại bị đề nghị truy tố về tội Buôn lậu, gồm: Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc; Đỗ Quốc Huy, Giám đốc bán hàng; Trần Tất Khoa, Giám đốc Nhật Cường Quảng Châu; Lê Hoài Phương, nhân viên; Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường...

7 người liên quan đang bỏ trốn, trong đó có chủ mưu Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách hồ sơ của những người này về các hành vi rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý sau.

Theo điều tra, từ năm 2013 đến năm 2019, Công ty Nhật Cường kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác dưới nhiều hình thức gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp (mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, buôn lậu)... rồi thông qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội để bán, thu lợi.

"Hành vi mua hàng của các nhà cung cấp tại nước ngoài, không khai báo hải quan, nộp thuế mà tổ chức vận chuyển trái phép về Việt Nam để tiêu thụ là có dấu hiệu tội buôn lậu", cơ quan điều tra cáo buộc.

Huy chỉ đạo nhân viên lập hai hệ thống sổ sách kế toán, trong đó một hệ thống đầy đủ thể hiện trong nội bộ công ty và hệ thống khác để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm trốn thuế, che giấu doanh thu thật.

Cơ quan điều tra chứng minh được Huy cùng các đồng phạm, thông qua hệ thống các cửa hàng của Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm, thu trên 3.200 tỷ đồng, hưởng lợi trên 221 tỷ đồng. 947 sản phẩm còn lại chưa tiêu thụ, trị giá mua 7,7 tỷ đồng.

Toàn bộ hoạt động mua bán, thuê vận chuyển, tiếp nhận, tiêu thụ, thu tiền hàng của số sản phẩm nêu trên đều được Huy và đồng phạm ghi chép chi tiết, đầy đủ trên hệ thống phần mềm do Huy lập ra để quản lý. Đến ngày 9/5/2019, cơ quan làm rõ Huy và các đồng phạm đã nhận, nhập kho 255.236 sản phẩm; đã tiêu thụ 254.364.

Giữa tháng 5/2019, đồng loạt cửa hàng của Nhật Cường tại Hà Nội bị khám xét. Nhà chức trách khởi tố vụ án, truy nã quốc tế với Huy.

Cuối tháng 11 năm đó, vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được mở ra để điều tra các sai phạm liên quan Nhật Cường Mobile xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt, khởi tố một số người từng giữ chức vụ của UBND Hà Nội, trong đó có ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy; bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư...

Cũng liên quan vụ án Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND Hà Nội, vào tháng 12/2020 bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Ông Chung và vợ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án Nhật Cường nên nhờ điều tra viên Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu - C03, Bộ Công an) thu thập và "nắm thông tin về hướng điều tra". Từ tháng 7/2019 đến 6/2020, ông Chung đã nhận 6 tài liệu mật về vụ án.

Phương Sơn

Nguồn tin: vnexpress.net


Apple   Công an   Hà Nội   Việt Nam   bí mật nhà nước   hành vi   kế toán   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...