23/11/2020 9:10  
Rạng sáng 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân đã khởi nghĩa ở 20/21 tỉnh thành Nam kỳ, làm rung chuyển chính quyền thống trị của thực dân Pháp và tay sai.

Cuộc tập dượt cho Cách mạng Tháng Tám

Ngày 22/11/2020, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2020), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam”.

Đến dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngoài ra còn có nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM, các tỉnh, thành phía Nam và gần 300 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học ở Trung ương, TPHCM và một số địa phương.

Phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam kỳ trong năm 1940 là một trong những sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứa đựng những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu.

Tuy sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa kết thúc thất bại với sự tổn thất nặng nề của lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân. Nhưng theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, cuộc khởi nghĩa đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam thành đồng Tổ quốc, là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành độc lập tự do.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cũng khẳng định khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại những bài học quý giá về xây dựng lực lượng cách mạng, về kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang, sự phối hợp giữa các tổ chức Đảng ở các địa phương trong toàn quốc… Đặc biệt là việc nhận diện chính xác, vận dụng và thúc đẩy để tạo thời cơ, một trong những yếu tố quan trọng để giành thắng lợi.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định: “Trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam Bộ, kể từ sau cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Định, đây là lần đầu tiên nhân dân vùng lên, tiến hành cuộc “động binh” quy mô lớn chưa từng có, mức độ quyết liệt nhất với hào khí ngất trời và tinh thần chiến đấu ngoan cường, quật khởi”.

Ông khẳng định: “Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc”.

Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập

Tại hội thảo, nhiều tham luận được các nhà khoa học trình bày, tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu như: bối cảnh lịch sử, chủ trương và sự chuẩn bị cuộc khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ và Đảng bộ các tỉnh Nam kỳ; quy mô, tính chất và thành quả của cuộc khởi nghĩa…

Vì nguyên do chủ quan lẫn khách quan, khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi tới thắng lợi cuối cùng, bị thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man. Bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống, lực lượng nòng cốt cách mạng tổn thất nặng nề.

Tuy nhiên, dù thất bại nhưng Đảng ta vẫn ghi nhận thành quả to lớn của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 với khí thế hừng hực của hàng triệu đồng bào, quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ và Đảng bộ các tỉnh thành.

Ngày ấy, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ và Đảng bộ các tỉnh, quần chúng nhân dân 20/21 tỉnh thành khu vực Nam kỳ đã đồng loạt phát động khởi nghĩa vũ trang, khí thế hừng hực của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, quyết tâm lật đổ chính quyền thực dân, giành độc lập tự do.

Theo PGS-TS Trần Thị Mai (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), ngày ấy, Đảng bộ TP Sài Gòn - Chợ Lớn dựa vào những tổ chức tương tế, ái hữu, phường hội để thu phục đông đảo quần chúng; tổ chức quần chúng, thành lập những hội bí mật như Công hội, Nông hội, Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế...

Từ tháng 3/1940, các đoàn thể quần chúng đã phát động nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại các xí nghiệp lớn như Ba Son, F.A.C.I, nhà đèn Chợ Quán, Trường Bách Nghệ, bến tàu…, công nhân đã tổ chức được các đội tự vệ. Ở khu vực ngoại thành, nông dân được tổ chức thành các đội du kích.

TS Lê Văn Tý (Ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang) kể lại khí thế chuẩn bị làm cách mạng của Đảng bộ Tiền Giang, quá trình lên ý tưởng, làm ra lá cờ đỏ sao vàng và nay trở thành quốc kỳ của đất nước.

Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh thành cũng đóng góp nhiều tham luận về quá trình khởi nghĩa năm 1940 trên địa bàn tỉnh thành mình như Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Chợ Lớn – Tân An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Tuy chưa thành công nhưng tinh thần đấu tranh oanh liệt, kiên cường, bất khuất, dám chấp nhận hy sinh của những người cộng sản và nhân dân Nam Bộ vẫn mãi trường tồn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”.

“Thời gian ngày càng lùi xa, đất nước ta ngày càng phát triển; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên thì giá trị sự hy sinh cao cả của cả dân tộc ta càng được khẳng định sâu sắc hơn, toàn diện hơn”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng nhận định: “Nam kỳ khởi nghĩa đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về khát vọng độc lập cháy bỏng của dân tộc Việt Nam”.

Tùng Nguyên

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   Khát vọng   TPHCM   Việt Nam   Vĩnh Long   Xã hội  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...