17/11/2020 17:25  
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã phục hồi trên diện rộng vào tháng 10, mở đường cho sự hồi phục nhanh hơn trong quý cuối năm.

Cả đầu tư và chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 10 so với tháng 9 đều tăng nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp - lĩnh vực đầu tiên thoát khỏi sự sụt giảm do đại dịch - vẫn vững chắc.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp đã tăng 6,9% trong tháng 10 so với một năm trước đó, ngang với tốc độ của tháng 9 và cao hơn kỳ vọng của thị trường về mức tăng 6,5%, theo dữ liệu công bố hôm thứ hai (16/11) của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Đầu tư vào tài sản cố định tăng 1,8% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, cao hơn mức 0,8% trong quý I và cũng hơn mức 1,6% được dự đoán bởi các nhà kinh tế do The Wall Street Journal khảo sát.

Doanh số bán lẻ, thước đo chính về chi tiêu của người tiêu dùng, đã tăng 4,3% trong tháng 10 so với cùng kỳ 2019, cao hơn mức 3,3% của tháng 9, nhưng thấp hơn mức 4,6% mà các nhà kinh tế mong đợi.

"Tăng trưởng kinh tế quý IV dự kiến còn nhanh hơn so với quý III", Fu Linghui, Phát ngôn viên của Cục Thống kê nói và cho biết thêm, hoạt động xuất - nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng dù bất ổn vẫn bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý III, sau khi giảm 6,8% trong quý I và tăng 3,2% trong quý II. Các nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng từ 5% đến 6% trong quý IV, đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi về đích đúng hướng, với tăng trưởng cả năm 2020 khoảng 2%.

Trong khi kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc nhìn chung vẫn mạnh mẽ, Li Wei, Nhà kinh tế tại Standard Chartered, cảnh báo rằng động lực có thể chậm lại trong những tháng tới do những lo ngại mới về đại dịch gây áp lực lên tiêu dùng trong nước và đầu tư sản xuất. Cùng với đó, sản lượng công nghiệp có hạn để có thể tăng trưởng hơn nữa.

Ông Fu Linghui thì đánh giá, chi tiêu du lịch, mua sắm và giải trí trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 8 ngày vào đầu tháng 10 đã giúp nâng cao doanh số bán lẻ và thúc đẩy niềm tin người tiêu dùng.

Nhìn chung, tiêu dùng nội địa có thể sẽ tăng thêm vào tháng 11 khi các gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, dẫn đầu là Alibaba tổ chức lễ hội mua sắm Ngày Độc thân dài hơn các năm trước, giúp họ lập kỷ lục bán hàng mới khi thu về 75,1 tỷ USD.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley kỳ vọng, tiêu dùng cá nhân ở Trung Quốc sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính trong năm tới, khi thị trường việc làm tiếp tục phục hồi và các hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm nhẹ xuống 5,3% trong tháng 10, so với 5,4% của tháng 9. Cơ quan thống kê cho biết đất nước đã đạt mục tiêu tạo ra 10 triệu việc làm của cả năm vào tháng 10, với 10,09 triệu việc làm.

Sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc cũng giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 11,83 tỷ USD vào tháng 10, tăng 18,4% so với một năm trước đó. Theo Bộ Thương mại nước này, chuỗi tăng trưởng của dòng vốn FDI đã kéo dài 7 tháng.

Khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đang xem xét gỡ bỏ các chính sách kích thích phục hồi được đưa ra trong năm nay. Liu Guoqiang, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết chỉ là "vấn đề thời gian" trước khi Trung Quốc rút lại gói kích thích. Cựu Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei đánh giá cuối tuần trước rằng đã đến lúc Bắc Kinh xem xét rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ một cách có trật tự.

Nhưng theo ông Li, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, Bắc Kinh có thể hoãn dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kích thích do những bất ổn trong sự phục hồi toàn cầu và rủi ro vỡ nợ gia tăng trong khu vực doanh nghiệp.

Phiên An (theo WSJ)

Nguồn tin: vnexpress.net


Ngân hàng   Trung Quốc   Tài chính   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   sản xuất   thống đốc Ngân hàng   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...