25/12/2020 14:25  
Ngành điện ảnh ước tính mất 32 tỷ USD, nhiều người ở lĩnh vực biểu diễn gặp vấn đề tâm lý vì thất nghiệp, phải xoay sở sống năm 2020.

Tài tử Tom Hanks là người được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm qua, không phải nhờ hoạt động điện ảnh mà vì là sao Hollywood đầu tiên mắc Covid-19. Trong phỏng vấn với The Guardian hồi tháng 7, nghệ sĩ gạo cội nói anh nhớ lễ trao giải Oscar hồi tháng 2 là dịp cuối cùng giới phim ảnh có thể thoải mái "tay bắt mặt mừng". Chỉ sau sự kiện một tháng, Covid-19 thay đổi hoàn toàn diện mạo ngành công nghiệp điện ảnh theo hướng tiêu cực. Các nhà làm phim Hollywood hoảng loạn khi tất cả công đoạn từ sản xuất đến phát hành phim bị ngưng trệ. Hàng trăm nghìn nhân viên thất nghiệp, phải sống nhờ trợ cấp. Các kinh đô điện ảnh ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Italy... rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Theo kết quả Variety đăng giữa tháng 12, ngành công nghiệp chiếu bóng ước tính mất khoảng 32 tỷ USD trong năm nay. Doanh thu phòng vé toàn cầu giảm 71,5% so với năm ngoái. Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từ trước đến nay đánh vào Hollywood nói riêng và ngành giải trí nói chung. Nhiều dự án đình đám liên tục bị hoãn vì dịch. Tháng 9, Batman ngừng quay khi nam chính Robert Pattinson dương tính nCoV. Mỗi lần trì hoãn, các êkíp chịu tổn thất hàng trăm nghìn USD. Để tồn tại, các nhà làm phim toàn cầu học cách "sống chung với dịch".

Trăn trở cứu sống ngành điện ảnh, Tom Cruise - nhà sản xuất kiêm đóng chính Mission: Impossible - tìm mọi cách để dự án vận hành. Tài tử chi 700.000 USD thuê hai du thuyền cho việc ở và di chuyển giữa các quốc gia Anh, Na Uy, Italy, tránh thực hiện cách ly 14 ngày khi đến trường quay mới. Ngày 15/12, đoạn ghi âm rò rỉ từ đoàn phim cho thấy sự căng thẳng của phim trường thời dịch, trong đó, Tom Cruise quát mắng nhân viên vi phạm quy định giãn cách: "Tôi không muốn nghe lời xin lỗi. Các anh có thể nói điều đó với những người mất nhà cửa khi ngành công nghiệp này đóng cửa". Anh muốn dự án là hình mẫu làm phim thời dịch nên không chấp nhận bất cứ sai sót nào.

Chuyên gia y tế xuất hiện trên nhiều phim trường lớn, yêu cầu diễn viên ký cam kết không đến nơi nào khác. Phim Bollywood - với đặc sản là những màn múa hát sôi động - giờ bị hạn chế các cảnh đồng diễn, đám cưới, ôm, bắt tay, người già trên 65 tuổi không được tham gia. Hiệp hội biên kịch phim ở Hollywood khuyến khích chỉnh sửa, bỏ các cảnh nóng hoặc dùng công nghệ CGI thay thế. Dù là phim tình cảm, Harvest of the Heart của Danny Roth chỉ có một cảnh hôn ở cuối phim, không có cảnh thân mật.

Nửa cuối năm, ngành chiếu bóng "cầu cứu" vì không có phim hấp dẫn. Tenet - "bom tấn" đầu tiên phát hành trong thời dịch hồi tháng 8 - đạt doanh thu 359,9 triệu USD toàn cầu - không đủ bù lỗ chi phí sản xuất, quảng cáo. Sau Tenet, các hãng lớn do dự phát hành phim. Theo Vulture, khoảng 100 dự án điện ảnh bị hoãn vì dịch, trong đó có nhiều "bom tấn" như No Time To Die, Black Widow, Fast & Furious 9...

Khi rạp chiếu đóng băng, dịch vụ chiếu phim trực tuyến nở rộ. Theo Variety, doanh thu mảng phim trực tuyến tăng 30% so với năm ngoái, từ 26 tỷ USD lên 34 tỷ USD. Disney mở ra hướng phát hành phim mới với Mulan, ra rạp tại thị trường châu Á và chiếu trực tuyến với mức phí khoảng 30 USD ở Mỹ và châu Âu. Disney+ là nền tảng tăng trưởng tốt nhất khi đạt 73 triệu người đăng ký sử dụng trong năm đầu tiên.

Greyhound của Tom Hanks nhiều lần bị lùi lịch ra mắt, cuối cùng được bán bản quyền phát sóng trực tuyến cho Apple TV với giá 70 triệu USD. Hãng MGM đang rao bán No Time To Die (ngân sách khoảng 300 triệu USD) cho các nền tảng trực tuyến, hy vọng thu về 600 đến 800 triệu USD. Mới đây, Warner Bros. đưa Wonder Woman 1984 - bom tấn cuối cùng trong năm nay - ra rạp và chiếu trực truyến cùng lúc.

Tuy nhiên, các chủ rạp phim cho rằng hướng đi góp phần giết chết ngành phim đang trên bờ vực. Trước đây, phim thường phải đợi vài tháng trước khi phát hành theo dạng đĩa, online, nhằm đảm bảo sức hút tại rạp.

Không chỉ điện ảnh, ngành công nghiệp biểu diễn cũng ảnh hưởng nặng nề. Trên tờ Rolling Stones, hai tác giả Samantha và David Browne kể về cuộc gặp với Nick Weldon - một đạo diễn, nhà quay phim sân khấu, người từng ghi lại nhiều show của các ca sĩ nổi tiếng. Vì tour diễn của Janet Jackson bị hủy, anh phải đi làm thêm ở một cửa hàng thức ăn với mức lương 17 USD mỗi giờ. Nick Weldon nói khi đang chặt gà cho khách hàng: "Tôi nhớ người hâm mộ và phản ứng của họ, những tiếng hò reo, cổ vũ khi họ nhìn thấy những thứ hay ho trên màn hình".

Các phòng thu ở Mỹ và châu Âu bị đóng cửa. Nhiều nghệ sĩ như nhóm Rolling Stones, Bob Dylan, Billie Eilish và Taylor Swift buộc phải hủy kế hoạch lưu diễn. Doobie Brothers - người phải hoãn chuyến lưu diễn kỷ niệm 50 năm sự nghiệp - nói: "Quá thất vọng, nhưng bạn chẳng thể làm gì khác".

Theo Rolling Stones, đầu năm nay, các chuyên gia dự đoán ngành biểu diễn ca nhạc sẽ thu về 12 tỷ USD, tuy nhiên, con số này trở nên xa vời khi các lễ hội âm nhạc lớn như Coachella và Lollapalooza bị hủy. Công ty tổ chức sự kiện AEG Presents nói họ mất 10.000 buổi biểu diễn ở Bắc Mỹ trong năm 2020 và khoảng 5.000 buổi tới nửa đầu năm sau, dẫn đến khoản lỗ khoảng hai đến ba tỷ USD. Năm ngoái, họ tổ chức khoảng 13.000 buổi diễn.

Live Nation - công ty tổ chức sự kiện lớn nhất Bắc Mỹ - mất đến hơn 20.000 show trong năm nay. Năm ngoái, họ đứng sau 28.000 buổi biểu diễn ở khu vực này. Paradigm Talent Agency đã phải sa thải 250 nhân viên hồi tháng 3. Paul Rizzo - chủ câu lạc bộ Bitter End nổi tiếng ở New York - nói: "Chúng tôi đã trải qua mọi loại suy thoái, chúng tôi đã vượt qua ngày 11/9. Nhưng lần này, chúng tôi không thể".

Khi đại dịch ở Mỹ và châu Âu chưa có dấu hiệu chững lại, nhiều người thuộc ngành công nghiệp biểu diễn phải tìm hướng đi mới. Caitlin Ray - một nhân viên thuộc êkíp của Avril Lavigne - trở thành tình nguyện viên một trung tâm cứu trợ người vô gia cư ở Michigan. Stylist Jennifer Jacobs trở thành người giao ga trải giường cho bệnh viện vào ban ngày, làm thêm việc đóng gói hàng hóa vào ban đêm. Brandon Blackwell - giám đốc sản xuất nhiều dự án của Nicki Minaj, Camila Cabello, Lizzo - đang kiếm tiền từ đầu tư chứng khoán.

Trong một cuộc khảo sát do Rolling Stone thực hiện, Paul và Courtney Klimson - chủ công ty Theory One Productions - đã gửi mail cho 400 bạn bè, đồng nghiệp để hỏi han về mặt tiêu cực trong cuộc sống của họ thời đại dịch. Trong số 179 người trả lời, hơn một nửa thừa nhận phải vật lộn mưu sinh, đối mặt cảm giác bị cô lập, 45% trong số họ gặp vấn đề sức khỏe tâm lý, 18% lạm dụng các chất kích thích để khuây khỏa.

Hôm 22/12, Billboard đưa tin ở Mỹ, Quốc hội đã nâng gói cứu trợ ngành biểu diễn từ 10 tỷ USD lên 15 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ các công ty tổ chức sự kiện, trợ cấp thất nghiệp...

Ngoài âm nhạc, một số ngành biểu diễn khác như kịch hát, xiếc, ballet... cũng đứng trước bờ vực. Ngày 29/6, Cirque du Soleil - công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực xiếc - nộp đơn xin bảo lãnh phá sản lên tòa án Canada sau hơn ba tháng không tổ chức show. Broadway - biểu tượng của nghệ thuật sân khấu Mỹ - thông báo đóng cửa toàn bộ sân khấu hết năm và chưa có dấu hiệu mở cửa lại trong năm tới.

Tuy nhiên, cũng giống điện ảnh, những người hoạt động âm nhạc, biểu diễn đang sáng tạo nhiều cách để đưa nghệ thuật đến khán giả. Những buổi hòa nhạc không khán giả được tổ chức, vở kịch kinh điển Bóng ma trong nhà hát được chiếu miễn phí, thu hút hơn 300.000 người xem trực tuyến.

Tại Trung Quốc, Tencent Music Entertainment (TME) đã báo cáo những thay đổi hành vi của người nghe trong thời kỳ đại dịch. Họ chủ yếu thưởng thức âm nhạc qua các ứng dụng trên tivi, thiết bị thông minh. Doanh thu đăng ký nhạc trực tuyến của hãng tăng 70% so với năm ngoái. Theo trang World Economic Forum, mảng thu âm hiện thu về hơn 30 tỷ USD trong năm nay, làm giảm đi "bóng ma" suy thoái do ảnh hưởng của Covid-19.

Hà Thu - Đạt Phan

Nguồn tin: vnexpress.net


Apple   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Nhật Bản   Swift   Trung Quốc   chuyên gia   căng thẳng   dịch vụ   hành vi   khán giả   khủng hoảng   sáng tạo   sản xuất   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...