14/01/2021 20:40  
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tại các làng trồng hoa, đào, quất ở Hà Nội, không khí đã rất tấp nập. Hơn bao giờ hết, với hy vọng một mùa bội thu, người nông dân đang miệt mài ngày đêm để đảm bảo hoa nở đúng thời điểm, kịp phục vụ thị trường.
Nhộn nhịp người mua – kẻ bán
Mới đầu tháng Chạp năm Canh Tý 2020, hộ anh Hoàng Văn Trào, ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) đã bán hết 50% số hoa trong vườn trồng. Anh Trào chia sẻ: “Năm nay tôi trồng 80.000 gốc hoa, chủ yếu các loại hoa chậu, hoa treo tường như đồng tiền, dạ yến thảo, xác pháo, sống đời và hồng thế. Hiện tại hoa đang nở rộ, gia đình đã bán buôn cho thương lái từ nhiều tỉnh phía Bắc được 40.000 chậu. Năm nay, giá bán không biến động nhiều, hoa đồng tiền lùn (các màu) có giá từ 20.000 – 25.000 đồng/chậu; hoa dạ yến thảo 80.000 đồng/chậu; các loại hoa ngọc thảo, sống đời, xác pháo có giá 10.000 – 18.000/chậu”.
Ông Trương Bá Quân, chủ một vườn quất tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) cho hay, gia đình ông hiện đang tập trung cho việc chăm sóc, tưới nước để quả to và chín vàng vào đúng dịp Tết. Năm nay, thời tiết có nhiều đợt rét đậm nên nỗi lo về quất chín sớm vơi hẳn đi. Theo ông Quân, giá quất Tết sẽ tương đương những năm trước và quất trong bình gốm sứ vẫn thu hút được người tiêu dùng. Quất dáng thông cao từ 1m6 đến 1m7 dao động quanh mức 3 triệu đồng/cây. Giá bán buôn dao động quanh ngưỡng 700.000 đồng với quất đặt tại bình cao tầm 50cm. Quất đặt trong chậu nhỏ để bàn giá từ 150.000 – 450.000 đồng/chậu. Quất bonsai thì giá vô cùng đa dạng, tùy thuộc kích cỡ và loại bình.

Không kém phần nhộn nhịp là làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ), các hộ dân ngày đêm chăm chút cho những gốc đào để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ông Nguyễn Văn Chung, ở phường Nhật Tân cho biết: "Hiện tại, trong vườn có 350 gốc đào thế thì đã có 250 gốc đào được các cơ quan, DN trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận đến thuê. Còn lại 100 gốc đào, gia đình sẽ bán cho khách chơi Tết. Năm nay, giá đào cơ bản vẫn giữ ổn định như các năm trước, bởi hiện nay nhiều địa phương cũng trồng đào”.

Theo dõi thời tiết, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng

Dịp cận Tết Nguyên đán bao giờ cũng là thời điểm người trồng đào, quất, hoa miệt mài khuya sớm, những mong một mùa bội thu và cái Tết sung túc. Theo chia sẻ của các nhà vườn tại làng đào Nhật Tân, nếu mùa đông ấm, hoa nở sớm coi như mất mùa. Qua theo dõi dự báo thời tiết, nhất là diễn biến các đợt rét đậm, rét hại, các hộ trồng đào đều cẩn trọng chăm sóc, chủ động phương pháp điều chỉnh sao cho hoa nở đúng dịp, tránh bị thiệt hại.

Theo nhận định của nhiều nhà vườn ở các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, do dịch Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu chơi hoa của khách dù cao nhưng lượng mua không ồ ạt như những năm trước. Do đó, các nhà vườn không mạnh tay sản xuất đồng loạt, thay vào đó là trồng gối vụ, lựa nhu cầu thị trường để tránh dư thừa. “Năm nay, tôi lên chậu vài trăm gốc hoa hồng cổ lâu niên với giá bán từ 3 – 5 triệu đồng/gốc dành cho khách sành chơi. Song e ngại kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên loại hoa hồng chậu này, tôi làm với số lượng ít” – anh Hoàng Văn Trào cho biết.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ khuyến nghị, hiện nay thị hiếu của người chơi hoa vào dịp Tết không còn bó hẹp ở các loại hoa truyền thống và cũng rất khó đoán định. Vì vậy, người trồng hoa cần nhạy bén tìm hiểu nhu cầu của thị trường qua các kênh mua sắm trực tuyến hoặc thông tin từ thương lái thăm vườn để thay đổi cho phù hợp, mang lại lợi nhuận cao nhất. Đặc biệt, trồng hoa phụ thuộc rất lớn vào thời tiết nên để có mùa hoa bội thu, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất hoa tập trung, đưa công nghệ cao, nhà kính, nhà lưới vào sản xuất với quy mô lớn, nhằm hạn chế bất lợi về thời tiết.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Hà Nội   quy hoạch   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...