24/01/2021 20:45  

TOContent"> Trong khi đó, biên giới ‘xốp’ (có nhiều đường mòn lối mở), giữa các nước Đông Nam Á, gây khó khăn cho nỗ lực kiểm soát dòng người lao động nhập cư trái phép và có thể làm tổn hại hiệu quả của các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.

Ở Đông Nam Á, lao động nhập cư nước ngoài đang hứng chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn vì họ dễ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi phải sống trong điều kiện tập trung, chật chội ở các khu ký tập xá xập xệ. Nếu không có nỗ lực nghiêm túc nào nhằm giải quyết khó khăn của họ, nhóm lao động này có thể là rủi ro lớn cho nỗ lực kiềm tỏa đại dịch Covid-19 của khu vực.

Những người lao động này, với số lượng khoảng 10 triệu người ở Đông Nam Á, đã trở thành nguồn trung gian lây truyền virus SARS-CoV-2 chính ở các nước như Malaysia và Thái Lan, ngay cả khi họ đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất các hàng hóa thiết yếu trong đại dịch như găng tay cao su và thực phẩm đông lạnh.

Lao động nhập cư, nguồn khởi phát làn sóng Covid mới

Tại Malaysia, nhu cầu găng tay cao su sử dụng trong cuộc chiến chống dịch đã giúp sản sinh ra một tỉ phú mới nhưng các hoạt động kinh tế của nước này đang bị thách thức bởi cơn bùng phát Covid-19 trong thời gian gần đây với số ca nhiễm mới hàng ngày vượt 4.000 người.

Hồi đầu tháng này, Quốc vương Malaysia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp chẳng bao lâu trước khi lệnh phong tỏa đối với phần lớn đất nước có hiệu lực. Hầu hết các ca nhiễm mới ở Malaysia đều có liên quan đến người lao động nhập cư đến từ các nước như Bangladesh, Nepal, Myanmar và Indonesia.

Một trong những nguồn lây lan trong đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở Malaysia là các nhà máy của nhà sản xuất găng tay cao su hàng đầu thế giới, Top Glove, vốn chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt trong năm qua nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc.

Sau khi phát hiện hàng ngàn ca nhiễm trong số công nhân làm việc ở các nhà máy của Top Glove vào tháng 11, chính phủ Malaysia đã tổ chức cuộc kiểm tra các khu ký túc của họ. Giới chức trách cũng đang tìm cách truy tố Công ty sản xuất găng tay cao su Brightway Holdings vì vi phạm các quy định tiêu chuẩn nhà ở sau khi phát hiện nhiều công nhân nhập cư nước ngoài, đang làm việc cho hai công ty con của Brightway Holdings, sống trong các container chật chội và bẩn thỉu.

Các chủ sở hữu lao động ở Malaysia giờ đây bị bắt buộc thành lập các trung tâm cách ly dành cho người lao động nhập cư bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Nhân lực Malaysia M Saravanan cho hay họ phải trả chi phí chăm sóc y tế và sinh hoạt của những người lao động này, bao gồm chi phí tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian cách ly.

Tại Thái Lan, tổng số ca nhiễm hiện nay là gần 13.000, tương đối thấp so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, lao động nhập cư nước ngoài trở thành nguồn lây lan chính trong làn sóng Covid gần đây và đang chiếm đến 25% tổng số ca nhiễm ở nước này, theo dữ liệu của Bộ Y tế Thái Lan.

Khoảng 4-5 triệu người lao động nhập cư ở Thái Lan đang làm việc ở các khu chợ, nông trại và sống ở các khu nhà trọ đông người nên họ có nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn.

Bài học từ Singapore

Singapore là một hình mẫu trong nỗ lực khống chế các ổ dịch trong cộng đồng lao động nhập cư nước ngoài. Hồi đầu năm ngoái, sau khi tưởng chừng như đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 vài tuần sau khi bùng phát, giới chức trách nước này bị bất ngờ khi số các ca nhiễm tăng vọt ở các ký túc xá của người lao động nước ngoài nhập cư, buộc họ phải triển khai lệnh phong tòa trên toàn quốc.

Khi số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này vượt 1.000 hồi đầu năm ngoái, giới chức trách đã phong tỏa các ký túc xá của người lao động nhập cư trong nhiều tháng liền và hạn chế các hoạt động của họ.

Sau đó, họ được xét nghiệm, rồi được phân đưa vào sống ở khu an toàn hoặc khu đang phục hồi và dần dần được đi làm trở lại dưới quy trình kiểm tra y tế và xét nghiêm ngặt trong nhiều tháng. Nhờ đó, số ca nhiễm mới hàng ngày ở các ký túc xá trên giảm về sát mức zero.

Kết quả nghiệm huyết thanh cho thấy gần 50% trong số 323.000 công nhân sống trong các khu ký túc xá ở Singapore từng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong dài hạn, Singapore cam kết cải thiện các tiêu chuẩn sống và xây dựng các khu ký túc xá mới cho công nhân nhập cư để bảo đảm họ sinh hoạt trong không gian rộng rãi hơn, thông thoáng hơn. Nilim Baruah, chuyên gia cấp cao về di trú ở Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho biết chính phủ Malaysia cũng cam kết nâng cao tiêu chuẩn sống cho lao động nhập cư.

Biên giới ‘xốp đe dọa hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng

Tuy nhiên, các biện pháp giám sát chặt chẽ trên chỉ áp dụng được với những người lao động nhập cư hợp pháp. Thành công của Singapore trong kiểm soát dịch Covid-19 cho thấy, siết chặt quản lý biên giới là yếu tố then chốt để giải quyết nạn nhập cư trái phép vốn xảy ra thường xuyên ở các biên giới ‘xốp’, với nhiều đường mòn lối mở ở Đông Nam Á.

“Nhưng nơi đang thành công nhất trong nỗ lực kéo giảm số ca nhiễm mới cho đến nay là Zealand, Úc, Singapore và lãnh thổ Đài Loan. Một yếu tố chung trong thành công này là họ có thể siết chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn nạn nhập cư lậu”, Peter Collignon, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là giáo sư ở Đại học quốc gia Úc, nhận định.

Theo ước tính Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, có khoảng 2-4 triệu lao động nhập cư trái phép ở Malaysia. Poj Aramwattananont, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, cảnh báo nếu không kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, sẽ rất khó để Thái Lan dập tắt làn sóng lây nhiễm hiên nay. Ông cho biết một lượng lớn người lao động từ nước láng giềng Myanmar đang vượt biên qua biên giới dài hơn 2.400 km với Thái Lan để tìm việc làm trong nền kinh tế không chính thức vì họ không thể kiếm việc làm ở quê nhà.

Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-Ocha cho rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây ở Thái Lan là do các chủ lao động sử dụng lao động nhập cư lậu. Ông cam kết sẽ trấn áp nạn sử dụng lao động không có giấy tờ. Chính phủ của ông đã ra lệnh cảnh sát điều tra và bắt giữ bất kỳ ai liên quan đến các đường dây đưa lậu người lao động vào Thái Lan.

Kiểm soát biên giới hiệu quả sẽ là vấn đề quan trọng để bảo đảm thành công cho các chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19  Giáo sư Collignon cho biết một chương trình tiêm chủng vaccine thành công đòi hỏi phải có 80-90% người dân được tiêm chủng. “Vấn đề là nếu có nhiều người vượt biên trái phép, đặc biệt từ các khu vực nghèo khó hay từ các khu vực nơi chưa được phân phối vaccine thì điều này có nghĩa là bạn sẽ không đạt mục tiêu 90% dân số được được tiêm chủng”, ông nói.


Theo Bloomberg

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...