16/01/2021 11:45  
Content_lblContentHtml">

Chuyện cũ Luật 2014

Chừng sáu năm trước, khi Luật Doanh nghiệp 2014 được chính thức công bố, dự báo sửa đổi sớm sau đó đã được đưa ra, xuất phát từ các quy định về tổ chức lại doanh nghiệp. Nguyên do, khi đề cập đến các trường hợp sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp bị cấm (điều 194 và 195), luật này không đơn thuần dẫn chiếu đến Luật Cạnh tranh mà còn lặp lại, tự mình khẳng định tiêu chí kiểm soát ngay chính trong nội dung điều luật.

Điều đó có nghĩa, nếu Luật Cạnh tranh thay đổi tiêu chí (thông số) thì Luật Doanh nghiệp cũng buộc phải thay đổi theo. Và trên thực tế thì trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 được thông qua, dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi đã khởi động và bắt đầu.

Đương nhiên, hệ quả phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 sớm xuất phát từ sự “non tay” của các quy định dẫn chiếu nêu trên. Thông thường, và cũng đơn giản, nếu Luật Doanh nghiệp chỉ cần dẫn chiếu ngắn gọn là các doanh nghiệp không được tiến hành hợp nhất hay sáp nhập trong những trường hợp bị cấm bởi Luật Cạnh tranh thì dù Luật Cạnh tranh có sửa đổi “n” lần thì các quy định dẫn chiếu này cũng không bị ảnh hưởng.

Vì vậy, chi tiết hóa, “ôm” về mình các quy định của văn bản khác nhiều khi là một sự tai hại. Thậm chí, nếu không dừng lại ở góc nhìn xem đây chỉ là lỗi về mặt kỹ thuật thì việc soạn thảo một văn bản luật cần phải hội tụ “đủ mặt anh tài”, và đương nhiên không thể thiếu những người có đủ độ thẩm thấu về đặc tính của hệ thống pháp luật nước nhà tham gia chấp bút.

Xa hơn, sự hiện diện và tham gia sâu của các chuyên gia pháp lý am hiểu về lĩnh vực điều chỉnh của văn bản ngay từ giai đoạn đầu khởi thảo còn có thể đảm bảo mạch tư duy pháp lý và tiếp cận logic của lĩnh vực pháp luật mà văn bản điều chỉnh. Kinh nghiệm xây dựng các Luật Đất đai (2003), Bộ luật Lao động sửa đổi (2007) và đặc biệt là Luật Quảng cáo (2012) đã từng cho thấy sự được - mất này.

Chuyện mới tựa như... chuyện cũ?

Rất tiếc, một lần nữa, những “gót chân Achilles” trong Luật Doanh nghiệp 2020 lại lộ rõ những điểm khuyết hơn cả một lỗi kỹ thuật trong quy định về Hội đồng thành viên (HĐTV) của công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Khác với các phiên bản Luật Doanh nghiệp trước đây, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên của HĐTV (điều 49 và 50) chứ không phải của thành viên của công ty. Theo logic thông thường, thành viên của công ty cũng là thành viên của HĐTV nên thoạt nhìn, quy định này là bình thường. Tuy nhiên, thực tế các quy định có liên quan khác không phản ánh tiếp cận “bình thường” như vậy.

Thứ nhất, đồng thời với sự xuất hiện của quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên HĐTV, luật đã không còn duy trì quy định về quyền của thành viên công ty. Điều này có nghĩa, quyền (và nghĩa vụ) của người sở hữu phần vốn góp trong công ty đã không được Luật Doanh nghiệp ghi nhận (!?). Thứ hai, điều này còn thể hiện rõ hơn khi quy định sau đó đã xác định HĐTV chỉ bao gồm “thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức” (điều 55).

Quy định này cho thấy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã nhầm lẫn hai điều. Một, đó là quyền và nghĩa vụ của HĐTV, là một “cơ quan quản lý” của công ty - nơi mà người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức sẽ thay mặt tổ chức đó để thực hiện cùng với các thành viên khác, với quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty.

Lấy một ví dụ đơn giản, HĐTV có quyền đưa ra các quyết định quan trọng của công ty, còn thành viên công ty có quyền... được chia lợi nhuận theo phần vốn góp khi công ty làm ăn có lãi. Và hai, nguy hiểm hơn, quy định hiện thời lộ rõ sự nhầm lẫn giữa quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty với quyền và nghĩa vụ của cá nhân được ủy quyền bởi thành viên (là tổ chức) để tham gia thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ tại công ty.

Quy định “cá thể hóa” thành viên HĐTV như hiện tại có thể là cách nhằm đơn giản hóa việc tham gia thực tế của các thành viên là tổ chức vào hoạt động của công ty. Nhưng về mặt bản chất pháp lý, quy định này đã không được “xây” trên nền tảng lý luận vốn có của vấn đề. Đằng sau câu chuyện của thành viên của công ty và người được ủy quyền là quan hệ ủy quyền, còn đằng sau câu chuyện của những thành viên này với công ty là quan hệ tài sản, sở hữu vốn. Quan hệ ủy quyền là câu chuyện của pháp luật dân sự, còn sở hữu vốn thì phải là chuyện của Luật Doanh nghiệp.

Cho nên, dù có nỗ lực xây dựng mô típ tối giản cho các mô hình tổ chức công ty thì pháp luật doanh nghiệp cũng không thể... cá thể hóa toàn bộ thành phần thành viên của công ty. Bên góp vốn vào công ty là tổ chức, là nhà đầu tư không thể thiếu của nền kinh tế, và ủy quyền chỉ là chuyện “đêm trước” hoặc/và “ngày sau” giữa thành viên công ty và người mà thành viên công ty ủy quyền trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, góp vốn. Đơn giản, nhưng không vì vậy mà tiếp cận hệ thống của pháp luật và pháp luật doanh nghiệp không cần phải kiên định.

Hệ quả là cần phải sửa luật

Tiếp cận hiện thời dễ tạo một rủi ro lớn. Những xung đột giữa thành viên là tổ chức và cá nhân được ủy quyền có thể sẽ không có nguyên tắc pháp lý căn bản để giải quyết vì quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty đã không còn hiện hữu như đã nói.

Đơn cử, nếu chiếu theo quy định hiện thời thì người được ủy quyền sẽ được chia lợi nhuận, được chia lại giá trị tài sản còn lại của công ty (theo phần vốn góp) khi công ty giải thể, phá sản, được ưu tiên góp vốn vào công ty... chứ không phải là thành viên của công ty (điều 49) (!?). Ngược lại, nếu người được ủy quyền có sai phạm thì công ty sẽ “túm áo” họ chứ không phải tổ chức là thành viên thực sự?

Thực chất, ngay ở thời điểm hiện tại, chính các quy định khác của Luật Doanh nghiệp cũng đã bộc lộ những lúng túng trước cú “xoay” của mình. Dù đã đặt ra cơ chế mới vừa nói, Luật Doanh nghiệp trong nhiều quy định khác đã cho thấy sự hiện diện không thể chối bỏ các quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty, như quy định về điều kiện và thể thức tiến hành họp HĐTV (điều 58) hay quy định về trường hợp ký hợp đồng giữa công ty với người có liên quan đến thành viên của công ty (điều 67).

Thậm chí, cách tiếp cận trong quy định về ủy quyền cũng cho thấy “người đại diện theo ủy quyền có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐTV” theo quyền và nghĩa vụ của thành viên (nếu được ghi nhận) chứ không phải đó là công việc hiển nhiên của người đại diện như quy định tại điều 55 (điều 15).

Cho nên, dù với bất cứ lý do gì, quy định này cần phải được điều chỉnh một cách nhanh nhất có thể. Giải pháp khả dĩ nhất hiện nay chỉ là thay thế quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên HĐTV bằng quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty như trước đây. Ít nhất, về mặt kỹ thuật, việc điều chỉnh có thể được thực hiện bằng thao tác thay cụm từ “HĐTV” bằng cụm từ “công ty” trong tiêu đề của điều 49 và 50.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM)

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   Kinh tế   TPHCM   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...