16/01/2021 14:40  
Có thể lúc đại hội, chúng ta lựa chọn đúng người, nhưng sau đó mới nảy sinh những sai phạm, tiêu cực. Do đó, lựa chọn đảm bảo tính chính xác, đúng đắn là yêu cầu cực kỳ quan trọng rồi, nhưng việc tiếp tục kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa sai phạm cũng quan trọng không kém”, đó là vấn đề được PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Sàng lọc chặt chẽ, hạn chế sơ suất
Qua nghiên cứu cũng như theo dõi các thông tin về việc chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông đánh giá thế nào về công tác nhân sự lần này?

- Việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng là sự chuẩn bị toàn diện, cả về văn kiện, công tác tổ chức, nhân sự. Trong đó, công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự trước mỗi kỳ Đại hội Đảng nói riêng, có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự thành công của đại hội và công tác lãnh đạo của Đảng, sự phát triển đất nước. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, chúng ta phải thấy chưa có nhiệm kỳ nào mà T.Ư, Bộ Chính trị lại ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác cán bộ và cán bộ nhiều như vậy. Đó là một bước chuẩn bị về mặt quy định rất cần thiết.

Từ kết quả đại hội các cấp vừa qua và các văn bản, tôi thấy Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị đang làm rất chặt chẽ, khoa học. Trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị quy định rất rõ về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy. Từ đó, việc lựa chọn, giới thiệu, bầu nhân sự cấp ủy khóa mới đã được các cấp ủy địa phương tiến hành khá bài bản, theo đúng tiêu chuẩn, kết quả được dư luận đồng tình và đánh giá cao.
Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phục vụ công tác nhân sự Đại hội XIII cũng được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch hơn. Trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình 3 bước thì lần này là 5 bước, với hai lần trình Ban Thường vụ, hai lần trình Ban Chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt, nghĩa là các nhân sự quy hoạch vào T.Ư được rà soát, lấy phiếu kỹ lưỡng và dân chủ hơn.

Theo tôi, với những bước làm rất kỹ trong công tác cán bộ vừa qua sẽ giúp chúng ta hạn chế những sơ suất có thể xảy ra và tránh được những bài học đau lòng về công tác cán bộ.

Ngoài việc làm chặt chẽ, kỹ lưỡng, lần này quy trình nhân sự có nhiều điểm mới, trong đó có quy định cụ thể về trách nhiệm của người giới thiệu. Ông đánh giá thế nào về quy định này?

- Không chỉ những người nghiên cứu như chúng tôi mà rất nhiều người đều đánh giá cao quy định này. Thực ra, trách nhiệm người giới thiệu nhân sự ở thời kỳ nào cũng được nhắc đến, nhưng chưa có quy chế, văn bản hoàn thiện, đồng bộ. Vì vậy, nếu người được giới thiệu khi đảm nhận cương vị chức trách mới mà vi phạm pháp luật, rơi vào tiêu cực, người giới thiệu chưa bị liên đới trách nhiệm, quy trách nhiệm. Điều này vô hình trung tạo khe hở cho các hiện tượng mua quan, bán chức, chạy chức, chạy quyền.
Giờ gắn trách nhiệm theo tinh thần “đúng được vinh danh, sai định rõ tội”, người giới thiệu nhân sự sẽ phải tự nêu cao tính minh bạch, công tâm lên trên lợi ích cá nhân, hay sự nể nang, ưu ái... Đó chính là cơ sở nền tảng quan trọng giúp phát hiện, lựa chọn cán bộ tốt, xứng đáng nhất để giới thiệu cho T.Ư và nhân sự chủ chốt các cấp. Hay nói cách khác, gắn trách nhiệm là thêm một biện pháp hiệu quả để chống tiêu cực trong công tác nhân sự Đại hội Đảng nói riêng, công tác cán bộ nói chung.
Hơn nữa, thực tế, có những cán bộ, đảng viên lúc được giới thiệu rất xứng đáng, nhưng khi được giao chức trách, nhiệm vụ mới họ bị "ma lực" của quyền lực làm thoái hóa, biến chất. Vậy nên, việc gắn trách nhiệm cũng cần đi kèm với công tác kiểm tra, giám sát người được giới thiệu trên cương vị mới mà Đảng, tổ chức tin tưởng giao phó.

Công tác cán bộ, nhân sự là vấn đề lớn, quan trọng nhưng rất khó. Đảng đã làm rất chặt chẽ các quy trình liên quan, nhiều khâu, rà soát lại nhiều lần. Đây chính là quá trình để sàng lọc, loại bỏ những cán bộ ban đầu có thể được vào quy hoạch, nhưng sau quá trình này phát hiện ra "tì vết" hoặc vấn đề không phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí. Cùng đó, trong quá trình thẩm định chặt chẽ có thể phát hiện ra những người có khuyết điểm, hạn chế được tình trạng chọn nhầm cán bộ.

Không kịp thời siết chặt kỷ luật, có thể sẽ chuyển hóa

Ông có nói, lựa chọn nhân sự là rất khó, vậy cái khó nhất ở đây là gì và trách nhiệm của đại hội lần này ra sao?

- Như tôi đã nói, có thể lúc đại hội, chúng ta lựa chọn nhân sự đưa vào cấp ủy, thậm chí đưa vào T.Ư là đúng người, nhưng sau đó người ta mới bộc lộ hạn chế, hoặc nảy sinh những sai phạm, tiêu cực. Cho nên việc lựa chọn nhân sự rất khó khăn. Đảm bảo tính chính xác, đúng đắn là yêu cầu cực kỳ quan trọng rồi, nhưng sau này, trong quá trình công tác vẫn phải tiếp tục kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa sai phạm. Nếu không kịp thời siết chặt kỷ luật, có thể sẽ chuyển hóa. Lúc trước có thể là người tốt, tích cực nhưng vì nguyên nhân nào đó có thể sẽ tha hóa, mắc sai phạm, thậm chí có những sai phạm nghiêm trọng chịu hình phạt, xử lý của pháp luật, của Nhà nước.

Cho nên, công tác nhân sự đòi hỏi phải rất sáng suốt, chính xác, đúng đắn, công tâm. Trước đại hội, việc đánh giá cán bộ đến quy hoạch và giới thiệu như thế nào là phải thực hiện rất chặt chẽ. Cái khó ở đây là đòi hỏi phải có sự lãnh đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, thể hiện vai trò lãnh đạo của tập thể. Sau đó, kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng giáo dục thường xuyên thì mới có cán bộ tốt được.

Còn với đại hội, đại biểu dự đại hội cũng cần phát huy trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, xem xét thấu đáo, sáng suốt lựa chọn, không để “lọt” những người vi phạm đạo đức, tham nhũng, chạy chức chạy quyền… Việc tham gia thực hiện tốt công tác nhân sự cũng là góp phần vào xây dựng Đảng.

Với một quy trình, các bước tiến hành chặt chẽ đang được triển khai, cá nhân ông có những kỳ vọng gì vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sẽ được lựa chọn từ Đại hội XIII của Đảng?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết bài trên báo: “Tìm người tài, đức”, được coi là “Chiếu cầu hiền của thời cách mạng”. Bác căn dặn, kiến quốc cần phải có nhân tài, phải tìm cho được người tài ra giúp nước. Nay bước vào Đại hội Đảng của thời kỳ mới - thời kỳ phát triển mạnh mẽ của internet, của kinh tế số, càng cần phải tìm cho được những người trí tuệ nhất trong số những người trí tuệ. Bởi Việt Nam muốn trở thành nước phát triển thì phải có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đủ tầm nhìn.
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược không chỉ là người quyết định phương hướng, đường lối mà còn là người lãnh đạo, chỉ đạo việc thực thi một cách đúng đắn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật thành hiện thực. Với những bước đã và đang chuẩn bị, tôi rất có niềm tin vào đội ngũ cán bộ sẽ được lựa chọn từ Đại hội XIII của Đảng.

Nhưng cũng như mọi người dân, tôi kỳ vọng nhân sự cấp T.Ư hơn ai hết phải vô cùng xuất sắc về tài, đức, tình cảm, tấm lòng đối với dân, với nước; năng động và sáng tạo trong hành động; có uy tín trong Đảng, uy tín với Nhân dân và thậm chí là quốc tế. Có như vậy người cán bộ đó mới hoàn thành nhiệm vụ được. Cán bộ ở cương vị càng cao càng phải có uy tín. Nhưng uy tín lại phụ thuộc vào trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.
Nếu cán bộ luôn là người gương mẫu, trở thành tấm gương cho người khác, dứt khoát sẽ quy tụ được những người giỏi xung quanh mình. Người lãnh đạo không dứt khoát phải hiểu biết đầy đủ trên mọi lĩnh vực, nhưng phải biết quy tụ, biết phát huy vai trò của cán bộ dưới quyền của mình, như vậy sẽ thành công.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Kinh tế   Việt Nam   chiến lược   chính sách   quy hoạch   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...