04/12/2020 11:10  
Máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động do SV Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM chế tạo - sản phẩm giành giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Startup Kite 2020 - đã được xuất khẩu sang Mỹ.

Vượt qua hơn 1.000 ý tưởng sáng tạo đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhóm sinh viên năm thứ ba khoa Điện - Điện tử, Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM (gồm Võ Minh Trung, Đỗ Minh Hoàng, Thái Hồ Nhân, Nguyễn Nhật Hưng Thịnh và Nguyễn Hoàng Sơn) vừa giành giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite" 2020 với sản phẩm Máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động.

Cuộc thi được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống; đồng thời kết nối các dự án có tính khả thi cao với các nhà đầu tư.

Đại diện nhóm, bạn Võ Minh Trung cho biết, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Nguyên Bảo Trân - Trưởng bộ môn Cơ điện tử - Tự động hóa, Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM, nhóm đã hoàn thành dự án "Máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động" trong một tháng rưỡi.

Đến nay, nhóm đã thiết kế được 5 phiên bản máy khác nhau, có tính năng được nâng cấp dần đáp ứng nhu cầu của khách hàng và để đạt được chất lượng tốt nhất, tiện ích nhất, chính xác nhất.

Minh Trung tâm sự rằng, trong dự án này, kỷ niệm sâu sắc nhất với bạn đó là khâu cân chỉnh nhiệt độ môi trường khi Trung phải dành nhiều ngày liên tục ở ngoài trời nắng nóng và nhiều ngày ở trong phòng lạnh 18 độ để lấy thông số nhằm hiệu chỉnh độ chính xác của máy. Các thành viên khác của nhóm phụ trách khâu thiết kế, gia công cơ khí, mạch điện tử, lập trình…

Được biết, chiếc máy bắt đầu chạy từ tháng 3/2020 tại Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM khi dịch Covid-19 đang ở giai đoạn cao điểm.

Đến nay, ở phiên bản mới nhất, ngoài chức năng đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động, máy còn có thể phục vụ các công việc khác như đo chiều cao, cân nặng, nhịp tim, điểm danh, chấm công… để khi dịch bệnh qua đi, các đơn vị vẫn có thể sử dụng máy mà không bỏ phí.

Điểm đặc biệt là ở phiên bản mới nhất này đó là máy được giám sát và điều khiển từ xa thông qua ứng dụng trên smartphone. Tất cả các dữ liệu máy đo được đều được lưu trữ lại trên server để phục vụ truy vết và khai báo y tế. Ngoài ra, máy còn có thể kết nối với các thiết bị khác như hệ thống tưới cỏ tự động, đóng mở mái che tự động khi nhiệt độ môi trường thay đổi.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Võ Minh Trung cho biết nhóm sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều chức năng khác cho máy. 

Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Nguyên Bảo Trân, Trưởng bộ môn Cơ điện tử - Tự động hóa Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM, phụ trách Câu lạc bộ Sinh viên Điện - Điện tử, cho biết Ban Giám hiệu rất quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên, sinh viên.

Nhà trường đã tạo điều kiện để nhóm triển khai ý tưởng, thử nghiệm máy đồng thời hỗ trợ kinh phí (26 triệu đồng) cho nhóm sau khi hoàn chỉnh hai bản đầu tiên của máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động. Các máy này vẫn được dùng cho đến hôm nay.

Thầy Bảo Trân cho biết máy đã được sử dụng ở nhiều trường cấp 2, mẫu giáo ở quận Tân Bình, TPHCM. Ngoài ra, 90 máy với phiên bản rút gọn (chỉ có chức năng đo thân nhiệt) đã được xuất khẩu sang Mỹ.

Chiếc máy đo thân nhiệt của nhóm sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM có sự khác biệt ở chỗ có thể đo được nhiệt độ ở khoảng cách xa, từ 30-50 cm (trong khi máy ở thị trường chỉ từ 2-10 cm).

Đặc biệt, thời gian đo chỉ trong 1 giây giúp giảm nhân công thực hiện việc đo thân nhiệt và xịt nước sát khuẩn thủ công, giúp giảm ùn tắc ở các cửa ra vào trường học, công ty, siêu thị...

Hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở TPHCM, tại Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM đặt 3 chiếc máy chính và 2 máy dự phòng để đo nhiệt độ cho khoảng 10.000 lượt sinh viên hàng ngày.

Vui mừng khi sản phẩm của học trò được vinh danh tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, thầy Bảo Trân cho hay, để tạo điều kiện cho sinh viên rèn tay nghề, Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM đã kết hợp với nhiều doanh nghiệp để sinh viên được thực hành nhiều hơn trong môi trường thực tế.

Theo đó, sinh viên được học tại nhà máy, kỹ sư của nhà máy trực tiếp dạy sinh viên một số môn thực hành, ở đây, các em được tiếp cận với các hệ thống máy hiện đại.

Ngoài ra, nhà trường còn vận động doanh nghiệp hỗ trợ nhiều suất học bổng cho sinh viên. Sinh viên học giỏi sẽ được doanh nghiệp đóng học phí và sắp xếp học tại nhà máy 1 ngày trong tuần. Những ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu của sinh viên nếu khả thi thì doanh nghiệp sẽ mua và phát triển thành sản phẩm thương mại.

Hàng năm, CLB Sinh viên Điện - Điện tử đều tổ chức định kỳ các cuộc thi sáng tạo (như thi robot, thi lắp ráp mạch điện tử, lắp ráp tủ điện…) để chọn lựa các sinh viên khá giỏi, có năng lực nghiên cứu, sáng tạo nhằm rèn luyện thêm, tạo điều kiện cho các bạn tham gia các cuộc thi Kỹ năng nghề do Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức.

Nguyên Chi

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Giáo dục   HCM   Kỹ năng   TPHCM   Tổng cục   doanh nghiệp   hành vi   lập trình   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...