01/01/2021 8:10  
Chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, 20 ngày đầu tháng 1/2021 nền nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm thấp và khả năng xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại hơn so với trung bình nhiều năm.

Thời tiết khu vực miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại có cường độ rất mạnh. Đây được coi là đợt rét mạnh nhất của năm 2020. Trọng tâm rét xảy ra vào đêm 31/12/2020 và đêm 1/1/2021. 

Các chuyên gia thời tiết đánh giá, đợt rét trên ở miền Bắc tương đương với trận rét kỷ lúc xảy ra vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, năm 2016 không khí lạnh mạnh kết hợp với cả hệ thống gió Tây mạnh ở 5.000 m nên gây ra tình trạng rét ẩm, mưa tuyết xuất hiện nhiều nơi. Trong khi đó, đợt này chủ yếu là rét khô, ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp, ban ngày có nắng nên cảm giác rét buốt không bằng năm 2016.

Về nhận định diễn biến thời tiết trong tháng 1/2021, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết: Năm nay nhiệt độ trung bình tháng 1/2021 thấp hơn so với nền nhiệt trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng từ 0,5-1 độ C. 

Do đó, trong tháng 1/2021, sẽ có khoảng 4-6 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta.

"Trong thời kỳ 20 ngày đầu tháng 1/2021 nền nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm thấp và khả năng xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại hơn so với TBNN. Đề phòng hiện tượng băng giá, mưa tuyết tại vùng núi cao", ông Hưởng nói.

Về dự báo La Nina và tác động của La Nina sẽ trong nửa đầu năm 2021, ông Hưởng cho biết: Hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến nửa đầu năm 2021, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào mùa hè năm 2021. Với xu thế đầu năm 2021 chịu tác động của hiện tượng La Nina, nửa cuối năm có xu hướng quay trở lại trạng thái trung tính, nên khí hậu năm 2021 sẽ có khả năng có một số đặc điểm sau:

Các tháng đầu năm 2021, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với TBNN; Nắng nóng trong các tháng mùa hè tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện muộn hơn bình thường và không gay gắt như năm 2020.

Trưởng phòng Dự báo khí hậu cho biết thêm, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng xuất hiện sớm trên khu vực Biển Đông. Không ngoại trừ khả năng tháng 1/2021 vẫn có xoáy thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông. Số lượng bão và ATNĐ năm 2021 trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có xu hướng xấp xỉ hoặc ít hơn so với TBNN (khoảng 10-12 cơn). Bão, ATNĐ cũng có xu hướng ảnh hưởng đến đất liền tập trung nhiều trong các tháng cuối năm.

"Trong những năm chuyển pha của ENSO, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa hè năm 2021", ông Hưởng lưu ý.

Năm 2020, thiên tai trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản như: 30 cơn bão xuất hiện trên Đại Tây Dương chỉ trong 11 tháng đầu năm - vượt mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2005 (28 cơn/năm); lũ và lở đất ở Brasil; siêu bão Vamco đổ bộ vào Philippines ngày 11/11; siêu bão Amphan đổ bộ vào Ấn Độ và Bangladesh ngày 20/5; Mưa lũ nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố phía Tây Nam Trung Quốc từ cuối tháng 5 và kéo dài trong nhiều tháng,... Theo Cơ quan phát triển và quản lý dữ liệu thiên tai quốc tế (EMDAT), năm 2020 đã có trên 500 trận, đợt thiên tai lớn xảy ra trên toàn thế giới.

Trung Quốc phải hứng chịu nhiều đợt mưa lũ liên tiếp với lượng mưa lớn, cường độ mạnh, khiến cho mực nước của 277 con sông trên cả nước vượt mức báo động, trong đó 11 con sông vượt kỷ lục trong lịch sử, đe dọa một số hồ đập chứa nước, làm gần 20 triệu người thuộc 26 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, năm 2020 thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường trên khắp các vùng miền trong cả nước, đã xảy 576 trận thiên tai, trong đó: 14 cơn bão, 2 ATNĐ trên biển Đông; 264 trận giông, lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…

Nguyễn Dương

Nguồn tin: dantri.com.vn


Trung Quốc   Việt Nam   chuyên gia   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...